Cộng đồng nhảy tự do

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đều đặn mỗi tuần 2 lần, hàng chục con người đủ ở nhiều lứa tuổi, nhiều quốc tịch… hòa nhịp trong những điệu nhạc sôi động trên bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng).
Cộng đồng nhảy tự do ảnh 1

Dù ngồi xe lăn, chị Đặng Thị Bé vẫn lắc lư theo những giai điệu sôi động. - Ảnh: Giang Thanh

Chiều Chủ nhật cuối cùng của tháng 8, một góc bãi biển Mỹ Khê (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), chị Đặng Thị Bé (50 tuổi, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cùng các thành viên nhóm Dork Dancing Đà Nẵng vui vẻ hòa theo những giai điệu sôi động. Trên chiếc xe lăn, chị lắc lư và vẫy tay theo điệu nhạc. Khuyết tật đôi chân từ nhỏ, chị Bé chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể nhảy hay tham gia một hoạt động ngoài trời sôi động như thế này. “Trước đây, tui rất tự ti. Vì chân tui có đứng được đâu mà nhảy. Nhưng khi đến đây, thấy không khí sôi động, tinh thần lạc quan của mọi người, tui tự tin hơn. Nếu không đứng được, tui cũng nhảy bằng thân, bằng tay”, chị Bé vui vẻ nói.

Chốc chốc, Ramanan (22 tuổi, du học sinh người Ấn Độ) lại đẩy chiếc xe lăn của chị Bé vào giữa vòng tròn để chị cùng mọi người hòa nhịp. Ai cũng rạng rỡ, gỡ bỏ mọi suy nghĩ, lo âu và nhảy hết mình trong mỗi bản nhạc. Ramanan tham gia hoạt động nhảy tự do mới vài tháng nay. Điều níu chân chàng trai trẻ với cộng đồng này chính là sự hòa đồng, lạc quan. “Ở đây có rất nhiều người, họ ở mọi lứa tuổi, màu da, giới tính, tôn giáo… Nhưng trong âm nhạc, chúng tôi là một. Khi ở đây, trong những giai điệu sôi động này, tôi bỏ lại mọi căng thẳng, muộn phiền trong cuộc sống ở lại đằng sau”, Ramanan cho biết.

Lần đầu tham gia, chị Hoàng Thị Mai (đến từ Đông Hà, Quảng Trị) có chút bỡ ngỡ, e ngại. Đôi chân không được lành lặn như người khác khiến chị tự ti, chị cũng chưa bao giờ nhảy trước đám đông. Thấy vậy, các thành viên nhóm vui vẻ nắm tay chị và dìu chị nhảy cùng. Nụ cười rạng rỡ nở trên môi chị.

Biết đến cộng đồng và từng tham gia một số buổi nhảy trực tuyến qua Zoom trong thời gian giãn cách do dịch bệnh, nay có cơ hội đến Đà Nẵng, chị Mai liền đăng ký tham gia sự kiện. “Ở đây, không ai quan tâm rằng tôi nhảy đẹp hay xấu, mọi người phiêu theo điệu nhạc, vui vẻ nhảy nhót, vui vẻ trò chuyện. Tôi thấy rất vui”, chị Mai nói.

Người sáng lập Cộng đồng nhảy tự do Dork Dancing Đà Nẵng là Ethan Levy (đến từ TP Baltimore, bang Maryland, Mỹ). Đến Đà Nẵng đầu năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát, ý tưởng về cộng đồng nhảy tự do được Ethan ấp ủ trong quãng thời gian thành phố bị phong tỏa. “Việc cứ phải ở nhà liên tục do phong tỏa khiến bản thân tôi và mọi người đều cảm thấy bức bối, áp lực. Trước đây, việc nhảy tự do giúp tôi hồi phục rất tốt khi gặp những vấn đề về tâm lý. Bởi vậy, tôi mong muốn lan tỏa phong trào này để giúp đỡ và truyền cảm hứng cho mọi người”, Ethan nói.

Cộng đồng nhảy tự do ảnh 2

Ethan cùng một người bạn Việt Nam chia sẻ những hình ảnh nhảy tự do trên bãi biển Mỹ Khê qua Facebook và kêu gọi bạn bè cùng hành động tương tự. Những ngày đầu, chỉ có 2 người nhảy, những video được Ethan đều đặn chia sẻ trên trang cá nhân. Nhưng Ethan không nản chí, anh duy trì việc nhảy đều đặn vào mỗi buổi chiều. “Dần dần, những người đi tập thể dục, đi chơi ngang qua nhìn thấy. Có người đứng xem, có người vào nhảy cùng chúng tôi một lúc rồi bỏ đi, có người xin thông tin để hôm sau tiếp tục ra nhảy. Trên Facebook, bạn bè của tôi bắt đầu nhảy và chia sẻ những video. Và rồi, chúng tôi trở thành một cộng đồng cùng nhảy, cùng hạnh phúc”, Ethan kể.

Kết nối, chia sẻ và chữa lành

Năm 19 tuổi, Ethan được chẩn đoán là mắc bệnh rối loạn lưỡng cực. “Thời điểm đó, tôi trống rỗng, tôi muốn làm những điều tồi tệ với bản thân”, Ethan nhớ lại.

Sau đó, bác sĩ khuyên Ethan vận động và hòa nhịp lại với cuộc sống. Thấy ổn định hơn. 5 năm trước, một người bạn cùng phòng bật nhạc và rủ Ethan cùng nhảy. “Ethan bắt đầu nhảy tự do, việc đó rất hữu ích với quá trình điều trị và phục hồi của anh. Anh muốn mang những trải nghiệm của mình để giúp mọi người chữa lành, lan tỏa lối sống tích cực, kết nối cộng đồng.

Ngày qua ngày, Cộng đồng Dork Dance Đà Nẵng ngày càng thu hút, đến nay, có khoảng 50 thành viên thường xuyên tham gia đều đặn vào chiều thứ Sáu và Chủ nhật mỗi tuần. Dork Dance Đà Nẵng còn tổ chức nhiều hoạt động khác như vẽ tranh, tư vấn tâm lý, kết bạn…

Ethan đã trở lại Mỹ, Cộng đồng Dork Dancing Đà Nẵng được những người bạn của anh tiếp tục phát triển.

MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.