Công khai thu chi trước khi tuyển sinh lớp 10

HS trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam Ảnh: Quý Hiên
HS trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam Ảnh: Quý Hiên
TP - Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay tại Hà Nội sẽ diễn ra ngày 22- 6- 2011. Tất cả trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên phải thực hiện ba công khai, trong đó có các khoản thu chi từng năm học, học phí lương giáo viên… thì mới được duyệt chỉ tiêu tuyển sinh.
HS trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam Ảnh: Quý Hiên
HS trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam. Ảnh: Quý Hiên.

Tại hội nghị giao ban giữa Sở GD&ĐT Hà Nội với các trường THPT được tổ chức hôm qua, ông Ngô Văn Chất, Phó trưởng phòng Quản lý Thi và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên năm nay vẫn thực hiện phương thức thi kết hợp với xét tuyển.

Căn cứ để xét tuyển là điểm THCS (mỗi năm học ở cấp THCS của học sinh được chấm điểm tương ứng học lực, hạnh kiểm) và điểm thi hai môn Ngữ văn, Toán. Ngày thi hai môn Ngữ văn, Toán được tổ chức vào 22- 6- 2011, kết quả thi của hai môn này được nhân hệ số 2.

Tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên sẽ thực hiện theo phương thức thi tuyển. Học sinh thi vào chuyên sẽ thi hai môn Ngữ văn, Toán cùng với học sinh không chuyên; ngoài ra sẽ thi thêm môn Ngoại ngữ và môn chuyên vào hai ngày 23, 24- 6. Điểm xét tuyển sẽ là điểm thi các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ (đều hệ số 1) và điểm môn chuyên (hệ số 2).

Từ 1- 3 đến 9- 3- 2011, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ duyệt kế hoạch tuyển sinh cho 194 trường THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên trên toàn thành phố. Theo hướng dẫn của Sở, các trường phải thực hiện ba công khai, mới được duyệt chỉ tiêu tuyển (cam kết chất lượng và công khai thông tin chất lượng; công khai thông tin về cơ sở vật chất và công khai thông tin về đội ngũ; công khai về thu chi tài chính).

Các trường công lập phải mô tả tình hình tài chính của cơ sở mình; học phí và các khoản thu khác từ người học (mức thu học phí và các khoản thu khác theo từng năm học và dự kiến cho 2 năm học tiếp theo); các khoản chi theo từng năm học.

Trong các khoản chi theo từng năm học, trường phải mô tả cụ thể các khoản chi lương, chi bồi dưỡng chuyên môn, chi hội họp, hội thảo, chi tham quan học tập trong nước và nước ngoài; mức thu nhập hằng tháng của giáo viên và cán bộ quản lý (mức cao nhất, bình quân và thấp nhất); mức chi thường xuyên/học sinh; chi đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị.

Theo dự báo về dân số Hà Nội của Tổng cục Thống kê, số dân số trong độ tuổi THPT trong 5 năm tới giảm. Ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho rằng đây là một cơ hội với hệ thống giáo dục THPT Thủ đô, bởi quy mô lớp học/ trường cũng như quy mô học sinh/ lớp nhìn chung giảm thì các trường sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc nâng cao chất lượng dạy học.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với nhiều trường THPT ngoài công lập do sẽ phải cạnh tranh gay gắt trong việc tuyển sinh với các trường THPT công lập - những nơi vốn dĩ có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn.

Năm ngoái, toàn thành phố Hà Nội tuyển mới được gần 75.000 học sinh lớp 10, trong đó các trường THPT công lập tuyển được gần 59.000 học sinh. Đặc biệt, các trường THPT ngoài công lập được giao tuyển mới khoảng 20.000 học sinh lớp 10 nhưng chỉ tuyển được hơn 14.000 học sinh.

Theo một cán bộ phòng Quản lý Thi và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, việc các trường ngoài công lập tuyển sinh khó khăn có nguyên nhân từ điều kiện cơ sở vật chất thấp (80% cơ sở vật chất của các trường là thuê mướn nên phòng học tạm bợ, không ổn định); học phí một số trường thu quá cao so với điều kiện sống của người dân trong khu vực.  

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG