Công nghệ tạo vaccine cúm gia cầm từ thực vật

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với những kết quả nghiên cứu từ "Công nghệ tạo vaccine cúm gia cầm từ thực vật", nhóm tác giả mong muốn thúc đẩy, tăng quy mô quá trình sản xuất kháng nguyên HA từ thực vật hướng tới mục tiêu cuối cùng là có được công nghệ phù hợp để sản xuất vaccine cúm gia cầm hiệu quả.

Theo thống kê của Tổ chức Thú y Thế giới, riêng Việt Nam giai đoạn 2003-2020, có trên 2.000 điểm bùng phát dịch cúm do virus cúm gia cầm A/H5N1, hàng chục triệu gia cầm bị chết hoặc bị thiêu hủy.

Tiêm phòng vắc xin được xem là biện pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe người và vật nuôi chống lại virus cúm A. Sách Công nghệ tạo vaccine cúm gia cầm từ thực vật đưa ra những nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này, đặc biệt tập trung vào loại vắc xin gốc thực vật.

Công nghệ tạo vaccine cúm gia cầm từ thực vật ảnh 1

Năm 2022, cuốn sách Công nghệ tạo Vaccine cúm gia cầm từ thực vật đã đạt Giải B - Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ V.

Cúm gia cầm do virus cúm A/H5N1, A/H7N9 gây ra là bệnh truyền nhiễm cấp tính có tốc độ lây lan nhanh với tỷ lệ gây chết cao trong đàn gia cầm bị bệnh. Dịch cúm gia cầm liên tục tái phát hàng năm với tốc độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp.

Do đó, nếu chủ động được nguồn vắc xin sẽ giúp giảm chi phí cho nền kinh tế và đáp ứng kịp thời nhu cầu khi có các biến chủng virus mới xuất hiện tại Việt Nam.

Trong nhiều phương cách chế tạo vắc xin, hướng nghiên cứu sản xuất từ thực vật dựa vào công nghệ biểu hiện tạm thời (agroinfiltration) đang được xem là hướng tiềm năng với nhiều ưu thế vượt trội như dễ rút ngắn quá trình sản xuất, tăng quy mô sản xuất, giảm công sức, chi phí và cung cấp kịp thời số lượng lớn trên diện rộng.

Công nghệ tạo vaccine cúm gia cầm từ thực vật ảnh 2

Việt Nam là nước có nguy cơ bùng nổ dịch cúm gia cầm cao.

Cuốn sách Công nghệ tạo vaccine cúm gia cầm từ thực vật ra đời cung cấp cho bạn đọc các kiến thức có hệ thống và chuyên sâu về công nghệ sản xuất kháng nguyên tái tổ hợp từ cây trồng.

Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm của nhóm GS.TS Chu Hoàng Hà và các đồng nghiệp tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hợp tác với nhóm nghiên cứu của GS.TS. Udo Conrad tại Viện Di truyền Thực vật và Nghiên cứu cây trồng (IPK), CHLB Đức trong hơn 15 năm.

Cuốn sách gồm 8 chương cung cấp những kiến thức tổng hợp từ nhiều nghiên cứu trước của nhóm, với nội dung chuyên sâu về các nghiên cứu thiết kế, biểu hiện, đánh giá hoạt tính sinh học và tính sinh miễn dịch, khả năng bảo hộ gà của kháng nguyên HA tái tổ hợp định hướng tạo vắc xin thế hệ mới phòng chống virus cúm A.

GS. TS. Chu Hoàng Hà sinh năm 1969, tốt nghiệp đại học chuyên ngành hóa sinh tại Khoa Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1992, nhận học vị tiến sĩ chuyên ngành sinh học phân tử tại Đại học Tổng hợp Martin-LutherHalle-Wittenberg, Halle, CHLB Đức năm 2001. Ông được phong hàm Giáo sư năm 2021.

Ngày 10/4/2020, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Các nghiên cứu của ông hướng về việc ứng dụng công nghệ gen trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản và y sinh học, vật liệu nano sinh học.

GS.TS. Chu Hoàng Hà có nhiều công trình khoa học đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín, trong đó có nhiều công trình đăng tải trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI có chỉ số trích dẫn cao, có 4 bằng giải pháp hữu ích.

MỚI - NÓNG