Trung Thu này, lẽ nào những chiếc lồng đèn lấp lánh đang bị chúng ta lãng quên?

HHT - Chỉ cần nhìn thấy lồng đèn treo trước nhà, lòng đã thấy háo hức khi một mùa Trung Thu nữa lại về. Thế nhưng vì dịch COVID-19, những chiếc lồng đèn dường như đang bị lãng quên.

Những khung đèn “chơ vơ”

Xóm lồng đèn Phú Bình (Q.11, TP.HCM) được hình thành bởi những người dân Nam Định di cư vào Sài Gòn, đến nay đã hơn nửa thế kỉ làm lồng đèn truyền thống. Cách đây hơn chục năm, lồng đèn giấy kiếng từng bị “lãng quên” khi trên thị trường xuất hiện lồng đèn giấy, lồng đèn điện tử với vô số mẫu mã bắt mắt.

Trung Thu này, lẽ nào những chiếc lồng đèn lấp lánh đang bị chúng ta lãng quên? ảnh 1

Vẫn còn những nghệ nhân miệt mài uốn khung, dán giấy, vẽ màu, tạo nên hàng nghìn chiếc lồng đèn ngày càng tinh xảo và độc đáo.

Thế nhưng, trong những con hẻm của xóm đèn lồng, vẫn còn những nghệ nhân miệt mài uốn khung, dán giấy, vẽ màu, tạo nên hàng nghìn chiếc lồng đèn ngày càng tinh xảo và độc đáo. Dù luôn gặp phải sự cạnh tranh với lồng đèn Trung Quốc nhưng lồng đèn giấy kiếng không bị mai một mà trái lại, nét đẹp truyền thống này vẫn đang được gìn giữ và hồi sinh.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ hai tại Việt Nam, xóm lồng đèn cũng liêu xiêu vì nỗi lo mưu sinh. Dọc những con hẻm nhỏ bên trong xóm lồng đèn thiếu vắng những sắc màu xanh đỏ rực rỡ của giấy kiếng, vốn là nét đặc trưng tại đây mỗi dịp Trung Thu.

Trung Thu này, lẽ nào những chiếc lồng đèn lấp lánh đang bị chúng ta lãng quên? ảnh 2 Dọc những con hẻm nhỏ bên trong xóm lồng đèn thiếu vắng những sắc màu xanh đỏ rực rỡ của giấy kiếng

“Giờ này năm ngoái trong nhà đã ngập đèn, nhiều đến nỗi phải thuê hẳn 2-3 người dán giấy. Nhưng giờ chỉ treo khung không ở đó, ai đặt mình lấy xuống làm chứ chưa dám dán sẵn lên. Thà để khung không như vậy thì sang năm có cái dán tiếp, còn nếu lỡ dán giấy rồi mà ế thì phải mang hết đi cho” - cô Hà, một nghệ nhân làm lồng đèn trong xóm lồng đèn Phú Bình chia sẻ.

Mọi năm, một nghệ nhân làm lồng đèn tại đây sản xuất trung bình từ 3.000 - 4.000 cái theo đơn đặt hàng. Để đảm bảo cung ứng được số lượng này, các công đoạn để tạo ra chiếc lồng đèn hoàn chỉnh đã bắt đầu từ 3 - 4 tháng trước Trung Thu.

Trung Thu này, lẽ nào những chiếc lồng đèn lấp lánh đang bị chúng ta lãng quên? ảnh 3 Mọi năm, một nghệ nhân làm lồng đèn tại đây sản xuất trung bình từ 3.000 - 4.000 cái theo đơn đặt hàng. 

Nói về số lượng lồng đèn cho Trung Thu năm nay, một gia đình làm lồng đèn trên đường Trịnh Đình Trọng (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho hay: “Số lượng đèn làm ra năm nay so với năm ngoái ít hơn phân nửa. Mọi năm làm chừng 2.000 đến 3.000 con (cách gọi đặc trưng của người làm lồng đèn), năm nay chỉ làm tầm nghìn con thôi nhưng từ đầu mùa đến giờ còn chưa bán được phân nửa”.

“Năm nay giá nào cũng bán”

Để tạo nên chiếc lồng đèn hoàn chỉnh, người nghệ nhân phải rất tỉ mỉ và khéo léo trong từng công đoạn như vát tre, uốn kẽm, tạo khung, đến dán giấy, vẽ màu... Theo chia sẻ của những nghệ nhân lồng đèn tại xóm Phú Bình, vào tháng 3 âm lịch, họ đã tìm mua tre, vát mỏng để bắt đầu uốn, tạo khung và dán giấy kiếng dần dần. Không chỉ vậy, họ luôn phải sáng tạo trong từng hoa văn, nét vẽ để mỗi năm, lồng đèn làm ra đều mang được dấu ấn riêng. Mỗi chiếc lồng đèn như vậy khi cung cấp cho các đại lý sẽ có giá từ 15.000 - 20.000 đồng tùy kích thước.

Trung Thu này, lẽ nào những chiếc lồng đèn lấp lánh đang bị chúng ta lãng quên? ảnh 4 Để tạo nên chiếc lồng đèn hoàn chỉnh, người nghệ nhân phải rất tỉ mỉ và khéo léo trong từng công đoạn

Thế nhưng Trung Thu năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã khiến giá lồng đèn giảm nhiều so với những năm trước đó. Khi tụi mình ghé thăm, chú Văn Quyền, người gắn bó với nghề làm lồng đèn hơn 30 năm vừa luôn tay uốn khung tre vừa bộc bạch: “Con đèn ông sao này năm ngoái bỏ sỉ cho đại lý 17.000 đồng/ con, người ta không lấy thì thôi. Năm nay xuống còn 15.000 đồng, có khi 12.000 - 13.000 đồng, ai hỏi mà thấy hợp lí thì mình đẩy luôn chứ không dám ém giá như trước. Mùa này giá nào cũng bỏ, miễn không lỗ vốn là mừng lắm rồi”.

Còn gia đình nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình với truyền thống 3 đời theo nghề làm lồng đèn Trung Thu, chuyên sản xuất và cung cấp những chiếc lồng đèn cỡ lớn cho biết: “Những năm trước, lồng đèn cỡ lớn phải trên 80.000 đồng/ con, năm nay hạ giá tới mức chỉ cần kéo vốn về là được. Mọi năm 5 - 7 mối đặt làm không trở kịp tay, năm nay giảm xuống còn 50.000 - 60.000 đồng rồi đó nhưng tới giờ vẫn chưa bán đi được bao nhiêu”.

Trung Thu này, lẽ nào những chiếc lồng đèn lấp lánh đang bị chúng ta lãng quên? ảnh 5 Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã khiến giá lồng đèn giảm nhiều so với những năm trước đó.

Trên thực tế, nghề làm lồng đèn chỉ “thịnh” mỗi năm một lần vào mùa Trung Thu. Vì vậy những nghệ nhân ở đây buộc phải tìm những công việc khác để mưu sinh bên cạnh việc cố gắng duy trì nghề truyền thống. “Bình thường chú chạy xe ôm, nhưng gần đến Trung Thu là ngừng chạy để tập trung vô làm đèn” - chú Văn Quyền tâm sự.

Mùa Trung Thu là dịp để các nghệ nhân thể hiện tất cả những tinh hoa của nghề truyền thống. Có lẽ bởi thế mà bất kể giá cả và tình hình sản xuất lồng đèn gặp phải nhiều khó khăn, người nghệ nhân vẫn đặt trọn vẹn tâm huyết và tình cảm vào “đứa con” của mình. Nhìn đôi tay khéo léo của người thợ vẫn đều đặn “múa cọ” trên lớp giấy kiếng căng bóng kia, tôi cảm nhận được niềm tự hào mà nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành chia sẻ: “Chỉ cần người làm có tâm thì giá cả có tăng hay giảm như hiện tại cũng sẽ không làm chất lượng lồng đèn thay đổi”.

Trung Thu này, lẽ nào những chiếc lồng đèn lấp lánh đang bị chúng ta lãng quên? ảnh 6 Trên thực tế, nghề làm lồng đèn chỉ “thịnh” mỗi năm một lần vào mùa Trung Thu.

Dẫu tình hình năm nay có khó khăn, trong những con hẻm nhỏ của xóm lồng đèn Phú Bình, đôi tay khéo léo của người nghệ nhân vẫn cứ cần mẫn tạo ra những chiếc lồng đèn lấp lánh...

Trung Thu này, lẽ nào những chiếc lồng đèn lấp lánh đang bị chúng ta lãng quên? ảnh 10
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm