Đề xuất “học THPT như Đại học“: Teen hào hứng nhưng vẫn lăn tăn về điều này

HHT - Một thành viên trong Hội đồng Quốc gia và phát triển nhân lực đã đề xuất chuyển đổi chương trình học THPT sang hệ tín chỉ trong 5 năm tới. Tức là học sinh sẽ học liên tục từng môn rồi thi hết môn thay vì trải đều các môn học như hiện nay.

Nhiều quốc gia đã áp dụng từ lâu

Trong cuộc họp của Hội đồng Quốc gia và Phát triển nhân lực, ông Trần Đức Cảnh - thành viên hội đồng - đã nêu ý kiến, sau 5 năm không nên thi tốt nghiệp nữa mà nên chuyển sang hệ tín chỉ. Với hình thức này, học sinh học môn nào thi môn nấy, đủ môn (gồm cả môn bắt buộc và tự chọn). Khi số lượng tín chỉ và điểm trung bình đủ theo quy định thì học sinh sẽ được tốt nghiệp.

Đề xuất “học THPT như Đại học“: Teen hào hứng nhưng vẫn lăn tăn về điều này ảnh 1 Ảnh minh họa

Phương thức đào tạo theo tín chỉ đã được nhiều trường trên thế giới áp dụng từ bậc THPT. Nhưng ở Việt Nam, đào tạo tín chỉ mới chỉ dành cho sinh viên các trường đại học. Khác biệt lớn nhất của phương thức này so với với hệ thống đào tạo theo niên chế, là người học được chủ động sắp xếp lịch học của mình bằng cách đăng ký các môn học theo một trật tự quy định.

Theo hình thức này, học sinh, sinh viên sẽ học và thi liên tục trong suốt kỳ học, không có chuyện học dồn, thi dồn nhiều môn cùng lúc như chương trình phổ thông hiện nay. Điều này khiến học sinh luôn ở tâm thế chủ động trong việc học thay vì thụ động như hiện tại, chỉ chờ tới lúc thi mới bắt đầu học. 

Học sinh nắm quyền chủ động học gì, học thế nào, học khi nào

Bạn Nguyễn Hải (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Điện Biên) chia sẻ: “Mình rất đồng tình nếu chuyển sang cách học tín chỉ ở bậc THPT. Vì mình có thể lựa chọn các môn học bản thân hứng thú, phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau này và có thêm kiến thức chuyên sâu về nó ngay từ bậc THPT. Còn như cách học hiện nay ở bậc THPT thì sẽ bắt học sinh phải giỏi toàn diện, điều này dẫn tới áp lực rất lớn cho bọn mình”.

Bên cạnh đó, theo bạn N.A (THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định), cách học theo tín chỉ sẽ giúp đánh giá toàn diện năng lực học tập của các bạn học sinh, thay vì chỉ dựa trên điểm thi so với hình thức học theo niên chế: “Mình nghe các anh chị đại học nói là điểm một môn sẽ được tính bằng điểm chuyên cần khi đến lớp, điểm điều kiện giữa kỳ và điểm thi cuối môn. Ngoài ra nếu tích cực trong học tập thì cũng sẽ được cộng thêm điểm. Việc đánh giá như vậy sẽ tạo ra kết quả xứng đáng cho những người thực sự chăm chỉ và nỗ lực”.

Đề xuất “học THPT như Đại học“: Teen hào hứng nhưng vẫn lăn tăn về điều này ảnh 2 Học tín chỉ ở bậc THPT là hình thức đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Lớp học sẽ không còn không khí gắn kết?

Tuy vậy, việc học theo tín chỉ nếu áp dụng ở bậc THPT vẫn còn nhiều vấn đề cần được bàn đến. Hình thức này đề cao vai trò chủ động của người học, giảm thời gian lên lớp, tăng thời gian tự học, tự nghiên cứu. Trong khi đó, nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn chưa có thói quen làm việc độc lập. 

Bạn Thu Hiền (sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Nếu bạn không phải là một người chủ động và chăm chỉ trong học tập, thì mình thấy học theo tín chỉ sẽ là một bất lợi. Vì bạn hoàn toàn là người quyết định học môn học nào, thời gian nào, nên không quản lý tốt thời gian và nghiêm túc nhắc nhở bản thân sẽ dẫn đến chất lượng học tập kém, phải kéo dài thời gian học tập tại trường”.

Cũng theo Thu Hiền, việc đăng ký tín chỉ sẽ khá bất lợi với những bạn không có máy tính. Việc đường truyền mạng không tốt, dẫn đến đăng ký muộn cũng khiến nhiều sinh viên không chọn được những lớp có giảng viên mình muốn học.

Bên cạnh đó, nhiều bạn học sinh THPT cho rằng sẽ khó có thể gắn kết các thành viên trong lớp khi học theo từng lớp tín chỉ khác nhau. Trong khi 3 năm cấp 3 lại là khoảng thời gian đáng nhớ nhất để tạo nên những kỷ niệm đẹp cùng bạn bè.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm