Những ngày may mắn “sống sót” giữa tập thể toàn “siêu anh hùng” của tớ

Những ngày may mắn “sống sót” giữa tập thể toàn “siêu anh hùng” của tớ
HHT - Tớ, cô nhóc may mắn nhận được suất tài trợ toàn phần tham gia chương trình Yale Young Global Scholars tại Bắc Kinh, đã đi từ ngưỡng mộ sang tự tin khi sống trong một tập thể toàn những tài năng đúng nghĩa “con nhà người ta” trong truyền thuyết.

Đại bản doanh của hội “con nhà người ta"

Yale Young Global Scholars là một chương trình học thuật đào tạo khả năng lãnh đạo dành cho học sinh trung học được tổ chức bởi Đại học Yale (Mỹ). Mỗi mùa Hè, các học sinh từ 125 quốc gia sẽ cùng tham gia vào một môi trường học tập toàn cầu.

Lịch trình mỗi ngày của tớ rất dày đặc, kéo dài từ 9 giờ sáng đến 8 giờ rưỡi tối. Buổi sáng tụi tớ nghe diễn giả diễn thuyết một tiếng rưỡi, sau đó sẽ tập hợp theo nhóm nhỏ (breakout session) để bàn luận sâu hơn về nội dung bài nói. Ăn trưa xong, tụi tớ đi học lớp nguyên cứu chuyên đề (seminar) hai tiếng, và được giải lao một tiếng rưỡi. Đúng 4 giờ chiều, tụi tớ phải tập trung về nhóm capstone để thực hiện dự án, nôm na là nghiên cứu về một vấn đề và tìm ra giải pháp mới toanh cho nó. Cuối cùng, sau bữa ăn tối, tụi tớ lại tụ về nhóm gia đình (family group) để xả stress trước khi trở về khách sạn.

Những ngày may mắn “sống sót” giữa tập thể toàn “siêu anh hùng” của tớ ảnh 1

Đa dạng văn hóa là ấn tượng đầu tiên trong tớ khi đến YYGS 2019. Chưa hết, các bạn đều rất giỏi. Ngày đầu tiên học tập, mọi người, ngay cả những bạn hay vui vẻ nói chuyện tếu trên xe buýt, đùng một cái biến thành những chuyên gia học thuật thật sự. Vì quá “choáng ngợp”, tớ chọn cách im lặng trong các cuộc bàn luận vì sợ những điều mình nói ra nghe có vẻ “trẻ con”. Cuối cùng, vì quá bấn loạn nên tớ đã không hoàn thành phần viết proposal và cả nhóm bị nộp bài trễ.

Trong số những chị em thân thiết, có một người chị sau khi nghe tớ tâm sự đã bật cười và khuyên tớ là: “Có sao đâu. Em cứ nói những điều bình thường, em sẽ khác biệt”. Nghe theo chị, tớ lấy hết can đảm nói ra những điều mình nghĩ. Điều bất ngờ là mọi người tỏ ra vô cùng hứng thú với câu chuyện về tuổi thơ “cày” Tây Du Kí hay chuyện té xe khi chạy xe máy đi học của tớ.

Thấy được hiệu quả, tớ như được tiếp thêm tự tin và ngày càng hăng say đóng góp ý kiến dưới góc nhìn của một teen Việt. Ở lớp học về chương trình thực tế, tớ lấy kinh nghiệm “cày” Next Top Models, Chạy Đi Chờ Chi ra để trình bày về việc các show truyền hình ảnh hưởng thế nào lên đời sống của teen. Trong buổi thảo luận về nữ quyền, tớ đã mở màn chủ đề bằng câu nhận xét các nghệ sĩ nữ US-UK thường tỏ ra mạnh mẽ, trong khi những ca sĩ nam Hàn Quốc thường ngọt ngào, dễ thương.

Sống trong một tập thể đủ màu sắc, tớ nhận ra mình không cần gồng lên để tỏ ra khác biệt vì là chính mình cũng đã là một sự khác biệt rồi.

Networking cũng là một nghệ thuật

Trong một hoạt động của chương trình, tụi tớ đã được tham gia buổi networking với các tiền bối từng tham gia YYGS. Để chuẩn bị cho buổi tối đó, Justin, trưởng nhóm gia đình của tớ đã hướng dẫn tụi tớ một số mẹo networking mà anh đã đúc kết được qua 4 năm học ở Đại học Georgetown và 2 năm ở Đại học Yale.

Những ngày may mắn “sống sót” giữa tập thể toàn “siêu anh hùng” của tớ ảnh 2

Điều đầu tiên, đừng nói Good to meet you mà hãy nói Good to see you vì từ meet thể hiện bạn đã từng quen biết người đối diện. Nếu buổi networking có phục vụ đồ ăn, hãy cầm đồ ăn/ thức uống ở tay trái vì tay phải thường được dùng cho việc bắt tay. Khi đứng, hãy dồn trọng tâm lên đều hai chân. Một dáng đứng tự tin là khi ngực hơi đẩy về phía trước, đầu thẳng, hai tay đan vào nhau và để phía trước (nếu không cầm gì).

Khi bạn đang nói và có ai đó cố tình cắt ngang, hãy “bơ” kẻ đó và tiếp tục nói. Những kẻ này thường chọn lúc bạn chần chừ để nhảy vào, nên trước khi trình bày, bạn hãy hoạch định trong đầu những điểm sẽ đề cập. Ngoài ra, những từ nối như like, uh thường được dùng trong lời nói hằng ngày, nhưng trong môi trường chuyên nghiệp bạn nên cố gắng hạn chế và thay bằng những khoảng im lặng mở (nhưng nhớ đừng im lặng lâu quá nếu không muốn bị người khác cắt ngang). Khi nói, đừng lên giọng ở cuối mỗi câu và điều này khiến bạn trông như không chắc chắn (fun fact: phe XX có thói quen này nhiều hơn phe XY).

Ngoài ra, Justin còn chỉ tụi tớ những mẹo “chữa cháy” khi bạn lỡ quên tên người đối diện. Bạn có thể hỏi người ta What’s your name again?, và sau khi nhận được câu trả lời hãy nói No, I mean your last name để người ta không nghi ngờ bạn có “não cá vàng”. Tương tự, một cách khác là hãy hỏi họ tên đầy đủ của người đối diện. “Chiêu cuối” là hãy giới thiệu một người bạn quen với người đó, và người đó sẽ phải nói tên của mình cho người bạn quen, bạn chỉ cần đứng ngoài lắng nghe là xong!

Bạn có muốn tới YaleYoung Scholars Global?

Vì đã “rớt đài” khi nộp đơn tham gia năm ngoái, tớ đã rút được một “rổ” kinh nghiệm trong lần chuẩn bị hồ sơ năm nay. Và kết quả, tớ nhận được gói hỗ trợ tài chính toàn phần cho hai tuần ở Bắc Kinh.

Những ngày may mắn “sống sót” giữa tập thể toàn “siêu anh hùng” của tớ ảnh 3

- Bắt đầu sớm, đặc biệt là khi bạn cần hỗ trợ tài chính. Tin tớ đi, có RẤT NHIỀU điều lẻ tẻ bạn cần làm đấy! Bạn sẽ không muốn 28 Tết còn lóc cóc đi công chứng bảng điểm với giá gấp đôi như tớ đâu!

- Có chiến thuật. Ví dụ như tớ chọn chương trình Asia in the 21st Century ở Bắc Kinh, tớ đã chắt lọc những thông tin xoay quanh châu Á để đưa vào hồ sơ. Tớ nhờ cô giáo dạy Văn viết thư giới thiệu vì chương trình lớp 11 có Văn trung đại Việt Nam và Trung Quốc, bài luận tớ cũng viết về việc người châu Á trọng da trắng và những người da ngăm (như tớ) thường bị “phân biệt” như thế nào.

- Mẹo viết bài luận: Hãy nói về bạn! Dù bạn phân tích về điều gì, hãy liên hệ đến bản thân vì điều mà hội đồng muốn biết thông qua hồ sơ chính là CON NGƯỜI của bạn!

Sắp tới tớ sẽ tổ chức một buổi nói chuyện nho nhỏ cho những bạn nào quan tâm đến chương trình YYGS. Nếu bạn hứng thú, hãy chờ thông tin trên Instagram @ngan.ho6 của tớ nhé!

Theo Hoa Học Trò
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm