Phải đối diện hằng ngày với kẻ bạo hành - điều đáng sợ hơn cả COVID-19

HHT - Cả thế giới đang "ở nhà" vì COVID-19, nhưng nhiều người trong số đó bị ngược đãi trong suốt thời gian cách ly toàn xã hội, hằng ngày đối diện với kẻ bạo hành, họ chính những "nạn nhân kép" trong đại dịch lần này.

Khi COVID-19 buộc thế giới bước vào giai đoạn cách ly toàn xã hội, mọi người lần lượt trở về nhà. Nhưng khi những cánh cửa khép lại, không phải ai cũng được an toàn.

Theo chia sẻ của Giám đốc điều hành Erica Fischer-Kaslander, Tòa án quận Passoms (Mỹ), số cuộc gọi đến các tổ chức bạo lực gia đình đã tăng lên đáng kể. Tính từ thời điểm chính quyền quy định người dân nên ở nhà, cô Shelley DeVito - một giám sát viên tại trung tâm Haven Hill (Mỹ), người từng là nạn nhân của bạo lực gia định - ước tính số cuộc gọi báo cáo về tình trạng này đã tăng gấp đôi.

Không chỉ riêng tại Mỹ, sau khi có lệnh phong tỏa, số cuộc gọi báo cáo về bạo lực gia đình đã tăng lên gấp 3 tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) và hơn 30% ở Pháp. Đáng buồn hơn, một phụ nữ sống tại Tây Ban Nha đã bị chồng sát hại trước mặt con mình chỉ 5 ngày sau khi quốc gia này thực hiện lệnh cách ly.

Phải đối diện hằng ngày với kẻ bạo hành - điều đáng sợ hơn cả COVID-19 ảnh 1 Ảnh: Lydia Ortiz

Trước tình trạng cách ly, phong tỏa khẩn cấp tại nhiều quốc gia, cách chạy trốn vốn đã không dễ dàng, nay càng khó khăn hơn bao giờ hết đối với các nạn nhân bị ngược đãi trong chính ngôi nhà của mình. Nếu bạn đang gặp khủng hoảng bởi chính những người chung nhà trong giai đoạn “tiến thoái lưỡng nan” này, những chia sẻ sau đây của tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Forrest Talley sẽ giúp bạn lập nên một kế hoạch tự giải cứu. Với 20 năm kinh nghiệm của mình, ông sẽ vạch thêm nhiều phương án hiệu quả khác bên cạnh cách chạy trốn truyền thống.

Bí mật trang bị vật bất ly thân

Tiến sĩ Talley khuyên bạn nên gói ghém một số nhu yếu phẩm một cách kín đáo, cụ thể như xếp quần áo cùng bàn chải đánh răng trong một chiếc túi nhỏ và cất sẵn ở một nơi mà người bạn đang trốn tránh không thể tìm thấy. Ngay khi nhận thấy được sự đe dọa, bạn đã sẵn sàng để tìm cơ hội tự cách ly theo cách sạch sẽ nhất!

Thổ lộ với người thân thiết với bạn

Trở thành nạn nhân của bạo hành không đồng nghĩa với việc bạn bị tước hết “vũ khí”. Tiếng nói đủ sức giúp bạn giải vây cho chính mình khi sử dụng chúng như những lời cầu cứu. Bạo hành chưa bao giờ là lỗi của người bị bạo hành, nên dù cảm thấy xấu hổ hay ngần ngại đặt niềm tin, bạn vẫn nên thử mở lời với những người thật sự thân thiết.

“Hãy bắt đầu với việc nói rằng bạn muốn họ giữ bí mật điều này”, tiến sĩ Talley nhắn nhủ. Ông khuyên mọi người không nên nói ngay việc mình đang bị ngược đãi, và gợi ý hãy thử tâm sự như: “Mình đang phải trải qua một khoảng thời gian khó khăn. Ba thường xuyên bia rượu và nhiều lúc đối xử tệ bạc với mình”. Cách họ đáp lại sẽ chứng minh tất cả. Cảm thông, xem nhẹ hay phớt lờ, bạn có thể dựa vào đó để quyết định việc mở lòng thêm nữa về những chuyện riêng tư.

Phải đối diện hằng ngày với kẻ bạo hành - điều đáng sợ hơn cả COVID-19 ảnh 2 Ảnh: Isaac Claramunt - UN Woman

Chuyển đến nhà “gương mặt thân quen”

Nếu bạn ở độ tuổi 20 và hiện đang thực hiện cách ly xã hội tại nhà riêng, chuyển đến ở cùng người bạn thân có thể là lựa chọn tốt nhất lúc này. Nhưng nếu bạn còn trong độ tuổi thiếu niên và hiện ở cùng ba mẹ trong đại dịch, tiến sĩ Talley khuyên bạn nên tìm đến những người lớn khác thay vì gửi gắm niềm tin vào những người bạn đồng trang lứa với mình. Trong 36 kế, kế bên người mình có thể tin tưởng nhờ cậy mới là thượng sách.

Trực tuyến để luôn sẵn sàng “tốc biến”

Tại thời điểm khó khăn này, kết nối với nhau trên mạng xã hội giúp chúng ta trở nên gắn kết hơn bao giờ hết. Cách ly xã hội khiến những nạn nhân của bạo hành phải nghĩ đến những lời kêu cứu online, bởi lẽ họ không thể tự trốn thoát hay tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào gần đó. Các nhà trị liệu rất tâm lý và nhanh nhạy, họ sẽ lên kế hoạch cùng các nạn nhân bạo hành và gọi ngay khi những kẻ ngược đãi rời nhà.

Phải đối diện hằng ngày với kẻ bạo hành - điều đáng sợ hơn cả COVID-19 ảnh 3 Ảnh: UN Woman

Đúng người, đúng thời điểm

Sau tất cả các cách trên, nếu bạn vẫn chưa tìm thấy sự an toàn, đường dây nóng chống bạo lực gia đình quốc gia, những tổ chức bảo vệ nhân quyền, chống bạo lực hôn nhân - gia đình vẫn sẵn sàng bảo vệ bạn khỏi sự ngược đãi. Bạn có thể liên hệ trực tuyến hoặc qua điện thoại bất cứ khi nào và cung cấp một vài thông tin cơ bản giúp họ tìm thấy bạn. Thậm chí, nếu bạn không có nơi để ở trong thời gian chạy trốn khỏi những trận bạo hành, họ cũng sẽ hỗ trợ tìm kiếm.

Cách ly xã hội vô tình đã làm tăng mức độ gặp nguy hiểm của những nạn nhân bị bạo hành, ngược đãi trong gia đình gấp 10 lần. Thế nhưng, “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Cô Shelley DeVito nhắn nhủ rằng những nạn nhân nên “hiểu” người có hành vi ngược đãi với mình để có cách đối phó phù hợp.

Nếu bạn đang gặp khủng hoảng do người thân hay bạn bè gây ra, trước tiên hãy thử gọi điện và nhờ những người quen của họ mà bạn quen biết để thử xoa dịu tình hình. Tiến sĩ Talley thì tiết lộ những kẻ ngược đãi thường tấn công vào mục tiêu có sẵn gần nhất, vì vậy bạn tốt nhất nên “cố thủ” trong phòng riêng của mình.

Phải đối diện hằng ngày với kẻ bạo hành - điều đáng sợ hơn cả COVID-19 ảnh 4 Ảnh: UN Woman

Việt Nam đang ở giai đoạn 3 của cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Ở khoảng cách tối thiểu 2 mét, chúng ta có thể không nhìn thấy được những vết bầm trên người nhau, hay những giọt nước mắt đã rơi thầm kín. Nhưng hãy luôn lắng nghe những người xung quanh mình, và gửi lời kêu cứu của họ đến cơ quan chức năng gần nhất.

Nhà là nơi để về, để được bảo bọc khỏi những mối ngọn nguồn nguy hiểm, nhưng một khi nơi bạn ở không còn là “nhà”, hãy mạnh dạn rời đi và tìm đến những nơi bạn cảm thấy được an toàn. Hãy nhớ rằng, bạo lực gia đình không phải là cuộc chiến của riêng bạn, đây là mối nguy hại mà cả cộng đồng cùng chung tay loại bỏ. Đừng sợ hãi, mọi người sẽ cùng ở đây để giúp đỡ bạn!

Hãy liên hệ tới các số điện thoại sau nếu bạn đang là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình:

111 - Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (do Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH quản lý)

1900.54.55.59 - Đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội Trẻ em TP.HCM (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM).

1800.90.69 - Đường dây nóng của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.

Theo TeenVouge
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm