Siêu anh hùng trong đại dịch

Muốn cứu nhà, siêu anh hùng trong World War Z phải cứu nước trước
Muốn cứu nhà, siêu anh hùng trong World War Z phải cứu nước trước
Đại dịch zombie hẳn được khán giả ưa chuộng khiến cho dòng phim này khá phát triển. Nhưng nhiều phim hay ỷ lại vào đặc tính kỳ quái của căn bệnh để dựng kịch bản một cách dễ dãi. Tuy nhiên vượt lên trên sự đeo bám của zombie, một vài phim cũng dựng lên những hình tượng siêu anh hùng cá tính.

MỘT MÌNH CHỐNG LẠI XÁC SỐNG

Trong tình cảnh hậu tận thế, Robert Neville có cuộc sống có thể nói là ung dung tự tại. Tuy nhiên anh chỉ có thể làm chủ New York khi mặt trời chưa lặn. Zombie trong I am Legend (Tôi là huyền thoại) vẫn có chút nhân tính, biết tổ chức tập thể. Ngoại hình của họ khá ghê rợn nhưng không đến nỗi nhầy nhụa như các phim zombie khác. Ấy là vì họ vẫn biết yêu. Họ là những người sống sót sau một đại dịch toàn cầu bùng phát từ thuốc trị ung thư làm từ virus sởi đã bị biến đổi gen. Thuốc này giết 90% nhân loại, biến số còn lại thành ma cà rồng ăn thịt sống gọi là darkseeker (kẻ tìm tối).

Robert Neville bẩm sinh miễn nhiễm với virus này. Anh cũng là chuyên gia hàng đầu về virus của quân đội Mỹ. Như hầu hết các nhân vật trong phim hậu tận thế, anh sống bằng đồ hộp (kể ra đồ hộp cung cấp một giải pháp tuyệt vời cho dòng phim này, và nói chung chả thấy phim nào về thời “hậu hết đát đồ hộp”), tuy nhiên cũng bắt đầu trồng trọt, và có thể săn mấy con xổng từ chuồng thú ra.

Anh đầy đủ điều kiện về trí tuệ, thể chất và vật chất để có thể sống một mình. Tuy nhiên như nhiều tay súng khác trong phim hành động Mỹ, anh cũng hơi hoang phí số đạn chắc chắn có hạn. Hoặc đó là tín hiệu của sự bất cần, vì trước sau gì thì anh cũng chết. Có sống chắc cũng đến lúc phát điên vì quá cô độc. Nhưng đó cũng là một động lực khiến anh tiếp tục nghiên cứu tìm phương thuốc để biến các xác sống trở lại thành người.

Trong tiểu thuyết gốc ra mắt năm 1954 của Richard Matheson, người ma cà rồng phát triển tới mức thiết lập một xã hội mới và Robert phải chịu án tử vì tội diệt chủng. Anh trở thành huyền thoại vì chính là tiền thân của giống người ma cà rồng. Như vậy tiểu thuyết này đã 3 lần được dựng phim, hai lần trước vào 1964 và 1971. Phiên bản 2007 có hai kết, đều khác truyện. Một cái kết vẫn trên tinh thần darkseeker đáng bị tiêu diệt, cái kia thừa nhận họ như một giống loài song tồn với người.

THẾ CHIẾN CUỐI CÙNG

Bác sĩ Wagner - Jauregg, chủ nhân Nobel Y học năm 1927 suốt đời theo đuổi cách chữa bệnh lấy độc trị độc gọi là “liệu pháp lửa”, gây sốt nhân tạo để điều trị bệnh tâm thần. Nguyên lý này cũng được áp dụng để gây miễn dịch với zombie trong phim World War Z (Thế chiến Z, 2013). Ghê hơn, nhân vật tìm ra giải pháp ngang tầm Nobel này lại không phải bác sĩ.

Phải nói phim của đạo diễn Marc Forster có được những chi tiết sáng tạo đơn giản mà đắt. Chẳng hạn để ngăn zombie cắn, nhân vật chính Gerry Lane (Brad Pitt)- điều tra viên của Liên Hiệp Quốc chỉ việc lấy cuốn tạp chí thời trang cuộn vào cánh tay. Hay để cứu đồng sự khỏi bị nhiễm zombie khi bị cắn vào tay (cũng do không được bọc tạp chí thời trang), anh cắt luôn phần tay đó. Các phim zombie khác mà như thế cứ phải khử ngay. Tức là người hùng trong phim này có tư duy chứ không chỉ cơ bắp. Vì sức mạnh sẽ là vô dụng khi đối đầu với zombie.

Zombie trong phim sẽ thức dậy và tấn công nếu nghe thấy tiếng động. Đồng sự đã phải trả giá đắt để Gerry thấm nhuần đặc điểm này. Nhưng người Israel thì không biết, hồ hởi lạc quan cầu nguyện và múa hát bên bức tường mà họ đã dựng lên bằng cả sự lo xa và khôn ngoan để bảo vệ Jerusalem. Từ đó dẫn đến cảnh biểu tượng cho World War Z: bầy zombie dùng chiến thuật biển người kéo nhau vượt cả tường hoặc đu lên trực thăng.

Nước nào khi đã làm phim đại dịch toàn cầu thì đều phải khẳng định vị thế của mình. Trong phim này, Gerry Lane đi khắp các điểm nóng trên thế giới để thu thập thông tin rút ra bài học kinh nghiệm để về cứu nước Mỹ. Có cứu được nhân loại không còn phải xét, vì lây lan kiểu zombie thì một khi đã vỡ trận coi như toang hẳn. Tất nhiên phim vẫn có những cảnh thể hiện sự gắn kết của Mỹ với các nước như cậu bé Mexico nhập cư cứu mạng Gerry, rồi người sát cánh bên anh đến cuối là lại nữ chiến binh Israel.

Điểm mạnh của World War Z là những chi tiết thông minh và rất đời, qua đó thể hiện tính nhân văn vượt lên các phim cùng đề tài. Chứ bây giờ mà cứ tầng tầng lớp lớp xác sống nhao lên với cái mồm đỏ nhoe nhoét khéo khiến khán giả muốn chạy khỏi rạp thật, khỏi mua vé.

MỚI - NÓNG