Nhiều năm qua, dòng phim cổ trang Hoa ngữ chưa bao giờ giảm nhiệt, cho thấy nhu cầu xem phim cổ trang của khán giả vẫn rất lớn. Nhưng chất lượng của phim cổ trang Hoa ngữ thì trồi sụt, tác phẩm thực sự chất lượng không nhiều. Có nhiều bộ phim cổ trang xem nhẹ tiểu tiết, được thực hiện khá chiếu lệ như thể biên kịch cho rằng tất cả khán giả đều là đồ ngốc, dễ bị đánh lừa.
Đạo cụ sơ sài như có như không
Bộ phim Gia Nam Truyện (tên cũ: Mộ Nam Chi) mà Cúc Tịnh Y tham gia đóng vai nữ chính đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, chủ yếu là về ngoại hình của “Mỹ nữ 4000 năm”. Cúc Tịnh Y “trung thành” với kiểu trang điểm đậm, môi đỏ từ phim này sang phim khác dần trở nên nhàm chán. Trong Gia Nam Truyện, Cúc Tịnh Y còn dùng mũ miện và phụ kiện tóc diêm dúa, tuy đẹp nhưng rườm rà và lạc quẻ với các nhân vật khác trong phim.
Tạo hình đẹp nhưng rườm rà của Cúc Tịnh Y trong Gia Nam Truyện. |
Các nhân vật nữ khác trong Gia Nam Truyện lại khá đơn giản. |
Cảnh cưỡi ngựa của Cúc Tịnh Y trong Gia Nam Truyện cũng bị chỉ trích là quá sức giả trân. Vấn đề cưỡi ngựa giả không có gì mới, nhiều bộ phim và diễn viên vẫn sử dụng “kỹ thuật” này thay vì cưỡi ngựa thật, nhưng vấn đề là con ngựa của Cúc Tịnh Y giả đến khó chấp nhận. Con ngựa có đôi mắt to và mi cong, khán giả hài hước bình luận như thể con ngựa đã học được kiểu trang điểm của người cưỡi là Cúc Tịnh Y.
Trước đây, trong Như Ý Phương Phi, Cúc Tịnh Y bị bắt cóc và bị nhét giẻ vào miệng để khỏi kêu cứu, nhưng thực tế nhân vật chỉ… ngậm một miếng vải nhỏ gấp gọn. Khán giả xem đến đấy phải chép miệng đùa nhau là có thể miệng nữ chính đã bị bôi keo siêu dính nên miếng vải ấy mới không rớt ra được.
Lỗi sơ sài về đạo cụ này còn gặp trong Tân Tuyệt Đại Song Kiêu, khi Thiết Tâm Lan bị bắt đi và cũng bị nhét khăn vào miệng. Có thể thấy nữ diễn viên Lương Tịnh Nhàn phải dùng răng giữ chặt chiếc khăn, bởi nếu không thì... gió cuốn khăn bay đi mất.
Trang phục đơn điệu và không hợp logic
Trang phục và kiểu tóc của phim cổ trang ngày trước rất chăm chút, diễn viên xuất hiện với nhiều phong cách khác nhau. Nhưng ngày nay các diễn viên gần như được quấn trong những mảnh vải sơ sài và đơn điệu. Như Thiên Long Bát Bộ, phiên bản 2003 mỗi nhân vật gắn với một màu sắc riêng nhưng đều có nét riêng và rất đẹp: Mộc Uyển Thanh trang phục đen, A Châu trang phục màu hồng, A Tử có màu sắc chủ đạo là tím… Nhưng Thiên Long Bát Bộ phiên bản 2013 chỉ cho mỗi nhân vật quấn một cây vải khác màu lên người.
Thiên Long Bát Bộ phiên bản 2003. |
Thiên Long Bát Bộ 2013. |
Có những bộ phim trang phục đẹp nhưng lại không hợp logic thông thường. Vẫn trong Gia Nam Truyện, quận chúa Bảo Ninh tham gia cuộc thi chế tạo công cụ nên có cảnh ngồi làm mộc. Nhưng thay vì ăn mặc gọn gàng, Cúc Tịnh Y vẫn xiêm y lộng lẫy trông rất bất tiện khi phải làm việc.
Trong Quân Cửu Linh, khi bệnh dịch lây lan, nữ chính Bành Tiểu Nhiễm giải cứu bệnh nhân trong khi đeo một tấm màn mỏng che mặt. Vấn đề tương tự cũng xuất hiện trong Nữ Y Minh Phi Truyện, tấm màn che mặt mỏng đến mức có thể thấy rõ nhan sắc xinh đẹp của nữ chính Lưu Thi Thi.
Mặc dù không có khẩu trang y tế đúng chuẩn ở thời xưa, nhưng những tấm màn che mặt mỏng sao có thể ngăn được không khí chứa nguyên nhân gây bệnh? Khán giả phải đặt câu hỏi các thầy thuốc ngày xưa không chú trọng đến việc phòng chống dịch bệnh đến vậy?
Quân Cửu Linh. |
Nữ Y Minh Phi Truyện. |
Trong Lang Nha Bảng 2, nữ chính Trương Tuệ Văn trong vai một nữ thầy thuốc, đã lao vào khu vực lây nhiễm bệnh khi đeo một miếng vải che mặt nhỏ. Sau đó, nó được chứng minh là thực sự vô dụng, bởi vì nữ chính cũng bị nhiễm bệnh. Khán giả gật gù, có vẻ logic của Lang Nha Bảng 2 khá chặt chẽ.
Ngoài ra còn có Diên Hi Công Lược, nữ chính Ngụy Anh Lạc do Ngô Cẩn Ngôn đóng được cử đi cọ rửa thau chậu nhà vệ sinh. Nhưng nhân vật không vén tay áo cho gọn gàng trước khi làm việc, dù tay áo rất dài và màu trắng.
Vì thế, khán giả khen ngợi bộ phim Minh Lan Truyện của Triệu Lệ Dĩnh vì rất chú trọng tiểu tiết. Trong bộ phim, không phân biệt là nam hay nữ, chỉ cần bắt đầu làm việc thì họ sẽ buộc tay áo của mình bằng một chiếc thắt lưng, trông rất gọn gàng và thuận tiện cho các hoạt động tay chân.
Hiệu ứng và kỹ xảo “ba xu”
Những bộ phim cổ trang thời trước nếu hiệu ứng và kỹ xảo có giả thì cũng có thể hiểu được vì thời đó thiếu tiền, công nghệ chưa phát triển. Nhưng phim cổ trang ngày nay, vừa có tiền vừa có công nghệ hỗ trợ, mà sản phẩm làm ra vẫn “ba xu” thì khán giả khó mà chấp nhận.
Trong trailer của Ngự Giao Ký, khán giả thất vọng khi nhìn thấy tạo hình chàng tiên cá do Nhậm Gia Luân thủ vai. Ngoài cơ bắp giả có được nhờ một chiếc áo cao su có thể mua trên mạng, thì phần đuôi của chàng tiên cá được chỉ ra rất sơ sài. Chiếc đuôi giống như đang được thiết kế dở dang, hiệu ứng mờ nhạt.
Khán giả chỉ ra rằng 27 năm trước Chung Lệ Đề đã từng đóng vai nàng tiên cá trong Truyền Thuyết Nhân Ngư. Chiếc đuôi cá của Chung Lệ Đề rất chân thực là bởi đoàn làm phim đã tốn rất nhiều tiền để thiết kế. Mỗi lần nữ diễn viên mặc vào và cởi chiếc đuôi cá ra đều cần đến 2 người giúp. Cùng là quay nhân ngư, nhưng tạo hình trong Ngự Giao Ký còn thua cả một bộ phim của gần 30 năm trước khiến khán giả càng đặt câu hỏi về sự "có tâm" của đoàn phim cổ trang ngày nay.
Vấn đề kỹ xảo của Hữu Phỉ là một trong những điểm trừ lớn nhất khiến phim không đạt được thành công như mong đợi. Những viên đá nổi lên giữa dòng nước trông vô cùng giả, như dán giấy. Và rất nhiều những cảnh giả trân khác khiến Hữu Phỉ mất điểm khi không thể mang đến cảm giác hùng vĩ, hoành tráng… mà một bộ phim thiên về kiếm hiệp cần có.
Một bộ phim cổ trang có cốt truyện hay nhưng trang phục cũng phải đa dạng, đạo cụ và hiệu ứng đạt chuẩn thì khán giả mới có thể “nhập vai”. Nếu không, bộ phim sẽ tạo cảm giác giả trân khiến khán giả thưởng thức trong lúng túng, cuối cùng là họ bị kéo về thực tại khiến hiệu ứng mà bộ phim mong muốn sẽ khó lòng đạt được.