Cùng "điều tra tung tích" những cuộc "nổi loạn" của những "bà dì Nguyệt san"

Cùng "điều tra tung tích" những cuộc "nổi loạn" của những "bà dì Nguyệt san"
HHT - Khoảng thời gian “đèn đỏ” ghé thăm đã là một “cực hình”. Vậy mà nhiều khi “bà dì” đến kéo theo những triệu chứng bất thường khiến hội chị em vô cùng lo lắng. Cùng điều tra “tung tích” của những “bà dì” mà con gái thường gặp phải nha!

“Điểm danh” những “bà dì” khó ưa

“Bà dì” la cà: “Bà dì” có thể bị “thả rông” theo hai cách, tương đương với hai loại bệnh thường bị nhầm lẫn ở con gái:

- Rong huyết: “Đèn đỏ” bỗng một ngày đẹp trời bất ngờ “ập đến” mặc dù chưa đến “lịch hẹn”. Lực lượng “quân đỏ” có thể nhiều hoặc ít tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến bệnh, không vón cục và kéo dài trên 7 ngày.

- Rong kinh: Diễn ra vào đúng “những ngày khổ ải” mỗi tháng. “Quân đỏ” cứ thế xuất hiện “rần rần” không chịu “rút quân” mặc dù “đèn đỏ” đã tới rất lâu (trên 7 ngày). Kèm theo đó là những triệu chứng như đau bụng râm ran, hiện tượng bị vón cục.

Cùng "điều tra tung tích" những cuộc "nổi loạn" của những "bà dì Nguyệt san" ảnh 1

“Bà dì” lực lưỡng - cường kinh: Lượng “quân đỏ” tràn trề hơn bình thường và kéo dài nhiều ngày (lượng “quân đỏ” bình thường có thể dao động trong khoảng 38,13 ± 24,76 ml - kéo dài từ 3 đến 5 ngày). Trong 2-3 ngày đầu của kỳ “đèn đỏ”, “thứ bí ẩn và có cánh” có thể “hết chỗ” từ 3-4 chiếc và lượng “quân đỏ” sẽ giảm dần trong những ngày tiếp theo. Tuy nhiên, nếu “bà dì” bỗng “tăng cấp” thì bạn luôn sẽ phải thay “bảo hộ” liên tục và vẫn luôn khó chịu vì “ẩm ướt” kèm theo số ngày “ròng rã” kéo dài thì bạn hãy nghĩ đến việc mình đang gặp “bà dì” mạnh mẽ này nhé!

“Bà dì” yếu ớt - thiểu kinh (hay thiếu kinh): Lượng “quân đỏ” eo hẹp. Chính vì vậy mỗi lần thay “vũ khí”, bạn luôn cần phải quan sát lượng “quân đỏ” điểm danh trên “đồ bảo hộ”. Thiểu kinh xảy ra khi lượng “đèn đỏ” rất ít và vỏn vẹn trong vòng 2 ngày là kết thúc. Mặc dù chu kỳ “than thở” bị rút ngắn nhưng đây không phải là một tin vui đâu bạn nhé!

“Bà dì” lề mề - chậm kinh: Rất thường xuyên xảy ra với phe kẹp nơ khi chu kì “đèn đỏ” không đều mỗi tháng, khi thì quá dài, khi lại quá ngắn. Điều này thường được chẩn đoán là do các nội tiết tố và hoạt động của các tuyến, bộ phận của teen nữ chưa được ổn định trong tuổi dậy thì.

Cùng "điều tra tung tích" những cuộc "nổi loạn" của những "bà dì Nguyệt san" ảnh 2

“Bà dì” mất tích - vô kinh: Đây có lẽ là tình trạng khiến teen lo lắng nhất bởi “đèn đỏ” từ lâu đã được xem là “cột mốc” đánh dấu sự trưởng thành của hội chị em bạn dì nhưng nay bỗng dưng lại biến mất. Khi trường hợp này xảy ra, cần phải xem lại “lịch sử” hành quân của “đèn đỏ” và đến gặp bác sĩ ngay và luôn để chẩn đoán nhé!

“Thấu hiểu” những “bà dì” đỏng đảnh

Khi “bà dì” gây rối cũng là lúc cơ thể, đặc biệt là những cơ quan đặc biệt của con gái đang gặp phải vấn đề. Ở tuổi dậy thì, teen thường được khuyên rằng hoóc-môn hoạt động chưa “trơn tru” nên hay gặp trục trặc. Vì vậy, nhiều bạn chủ quan về tình trạng bất thường của mình. Tuy nhiên, ngoài 70% nguyên nhân “đại trà” đó, 30% còn lại có thể do bạn đang stress, ăn uống không điều độ, thực hiện quá mức các bài tập luyện và chế độ giảm cân hoặc nặng hơn là “lời kêu cứu” từ tử cung, buồng trứng…

Các bạn nữ thường hay ngại ngùng kèm sợ hãi khi nghe nhắc đến việc phải gặp bác sĩ phụ khoa nên chỉ thường hay “Google” ra bệnh của chính mình. Nghiêm trọng hơn, có bạn còn nghe theo và tự “kê đơn” thuốc và đây là những việc cực kì nguy hiểm. Không ai có thể “phán” về trường hợp mà bạn đang mắc phải chỉ với những triệu chứng được liệt kê vu vơ.

Cùng "điều tra tung tích" những cuộc "nổi loạn" của những "bà dì Nguyệt san" ảnh 3

Bạn N.T (18 tuổi) chia sẻ: “Mình bị “trễ hẹn” một tháng và đã đi “tham vấn” ở khắp hội bạn xung quanh. Đứa thì bảo không sao đâu vì đó giờ nó toàn “chậm”. Đứa lại quýnh quáng lên bảo rằng nghiêm trọng lắm, con gái ai lại thế bao giờ khiến tớ hoang mang lại càng thêm hoang mang trước “rừng” thông tin được “bảo chứng” như thế!”. Tiền sử “đèn đỏ”, thể trạng và tình trạng sức khỏe của mỗi người khác nhau, nên cùng một triệu chứng, ở bạn A có thể là “khỏe re” nhưng với bạn B lại là bệnh không thể “xem thường”. Có rất nhiều bạn cũng đang gặp phải những rắc rối giống bạn và vẫn đến gặp bác sĩ để làm những bài kiểm tra đặc biệt nếu cần và “giải tán” cuộc nổi loạn của “bà dì”. Vì thế, bạn không phải ngại ngùng gì cả, sức khỏe của mình thôi mà! Đi cùng mẹ, người thân hoặc bạn bè sẽ giúp bạn phấn chấn lên nhiều đó!

Bay nhẹ qua những “bà dì” nặng trĩu

- Bạn cần một cơ thể khỏe: Để tránh việc “bà dì” nổi dậy, bạn cần có một cơ thể khỏe mạnh để “đàn áp”! Ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc là điều kiện tiên quyết! Những bữa ăn đủ chất, “dồi dào” rau xanh và thường xuyên “làm bạn” với thể thao sẽ giúp bạn “cường tráng” hơn mỗi ngày..

Cùng "điều tra tung tích" những cuộc "nổi loạn" của những "bà dì Nguyệt san" ảnh 4

- Uống bổ sung viên sắt: Đừng bỏ qua những “món quà” thường được phát miễn phí ngay tại trường này! Mỗi tháng bạn mất rất nhiều sắt qua đường “đèn đỏ” vậy nên nạp lại là vô cùng cần thiết!

- Đừng xem thường những thay đổi nhỏ: Một dấu hiệu “tí hin” từ những thay đổi trong “đèn đỏ” trên có thể là kết quả “truyền tin” của cả bộ máy cơ thể vì có một “thành viên” gặp trục trặc.

Hiểu rõ lịch sử bệnh án của mình là điều quan trọng nhất! Chính vì vậy, hãy luôn đếm ngày. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc “bắt bệnh” những “rối loạn”. Bạn có thể cài đặt các app (ứng dụng) theo dõi lịch hẹn với “bà dì” trên điện thoại thông minh như My Cycles, MonthPal, Clue …  Với những tính năng theo dõi thời gian của chu kì, dự báo ngày “đèn đỏ” kế tiếp, cập nhật trạng thái của bạn mỗi ngày,.. “kẹp nơ” nhà mình sẽ có những “cách đối phó” với “bà dì” tới hàng tháng này.

ROSIE - BÔNG CẢI XANH - WALE

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm