“Cùng nhau vào đại học” - Khám phá bộ bí kíp chinh phục kì thi Đánh giá năng lực!

HHT - Chưa bao giờ con đường vào Đại học của teen lại "chông gai" như năm nay bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiểu được những lo lắng đó của "đàn em", Thanh Hải đã chia sẻ trên Facebook album "Cùng nhau vào đại học" - trọn bộ "tuyệt chiêu" giúp teen "vượt lũ".

Profile “xịn sò”:

Họ và tên nhân vật: Lê Thanh Hải

Hiện là sinh viên năm nhất ngành Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM

“Bảng vàng” thành tích:

- Top <5% thí sinh có điểm Đánh giá Năng lực cao nhất của Đại học Quốc Gia TP.HCM năm 2019 với số điểm 2 đợt thi là 973 và 966.

- Trúng tuyển Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngành Nhật Bản học và Đại học Khoa học Tự nhiên ngành Công nghệ sinh học bằng hình thức Ưu tiên xét tuyển.

- Giải Nhì Học sinh giỏi Quốc Gia môn Ngữ Văn.

“Cùng nhau vào đại học” - Khám phá bộ bí kíp chinh phục kì thi Đánh giá năng lực! ảnh 1 Chân dung chàng trai "bảng vàng" Lê Thanh Hải

"Múa bút" cho bài luận cộp mác "by me" 

Một trong các phương thức các bạn có thể tham khảo đó là ưu tiên xét tuyển nè. Đương nhiên là có rất nhiều điều kiện khác nhưng với mình, bài luận là một trong những yếu tố tiên quyết.

Một bài luận hoàn chỉnh nhất cần đảm bảo ba yếu tố:

  • 1. Thể hiện cái tôi nhưng vẫn đảm bảo sự thiện mỹ: Đừng cố gắng bẻ hình tượng chính mình theo bất kì một khuôn mẫu nào cả. Nhưng cũng tránh thể hiện cái tôi quá cao sẽ gây mất thiện cảm.

  • 2. Thể hiện được mong muốn và sự phù hợp của mình với ngành: Để làm được điều này, ít nhất các bạn phải có những nhận thức dù chung nhất về ngành mình thật sự đam mê theo đuổi, chứ không phải là những lí do thời thế, xã hội.

  • 3. “Cộp mác” thương hiệu cá nhân đặc trưng: Các bạn nên kể tất cả những gì khiến bản thân tự hào nhất từ trước đến nay (có liên quan hoặc ít liên quan đến ngành học đó), những thành tích, sở trường, năng khiếu... đến những điều nhỏ nhặt nhưng cũng đặc biệt nhất để có thể ghi lại dấu ấn cá nhân nơi người đọc

  • “Cùng nhau vào đại học” - Khám phá bộ bí kíp chinh phục kì thi Đánh giá năng lực! ảnh 2 Tập trung vào nội dung nhưng nhất định không để sai chính tả nha!

Ngoài ra,các bạn nên tránh một số lỗi mà với mình là “ba điều cấm”: Sai chính tả, thái độ kiêu ngạo, và sự rập khuôn. Bên cạnh đó, hãy cố gắng đưa vào bài luận yếu tố cảm xúc để dễ “lấy lòng” giám khảo hơn nhé!

"Chiến thuật" chinh phục kì thi Đánh giá năng lực

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng muốn đạt được điểm cao trong kì thi này thì phải giỏi đều tất cả các môn nhưng theo mình thật ra chỉ cần bạn nắm vững kiến thức của những môn học theo chương trình phổ thông và rèn cho mình khả năng đọc hiểu lẫn tư duy logic thật tốt. 

“Cùng nhau vào đại học” - Khám phá bộ bí kíp chinh phục kì thi Đánh giá năng lực! ảnh 3 Đừng học hết mọi thứ, hãy học thật thông minh!

Hiểu rõ yêu cầu riêng của từng môn

  • Dành thời gian để tổng hợp tất cả nội dung chính của bài học. Nhớ viết thật đầy đủ nhưng phải ngắn gọn nhất có thể để tiện xem lại mỗi lúc ôn bài.

  • Với môn Văn chú ý kiến thức về cấu trúc câu, biện pháp tu từ, lỗi sai chính tả, kiến thức về các tác phẩm (kể cả đọc thêm), thể thơ,... trong sách giáo khoa từ lớp 10 đến 12. Còn với môn Tiếng Anh, mình ôn thật kĩ ngữ pháp và làm dựa theo đề thi THPT Quốc gia.

  • Với các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh mình nắm chắc các khái niệm cũng như bài tập cơ bản trong chương trình học. Ngoài ra mình nghĩ các bạn nên tìm làm thử những bài Toán có tính suy luận, Toán logic để tăng “nếp nhăn” cho não vì nếu không quen với dạng bài này bạn sẽ gặp bối rối khi làm bài thi thật.

  • Đối với Sử, Địa thì kiến thức tập trung phần lớn ở chương trình 12 nên mình chỉ ôn kĩ kiến thức có trong chương trình.

Và một mẹo nhỏ để bạn đỡ stress đó chính là chỉ cần ôn kĩ một môn ở tổ hợp nằm ngoài sở trường của mình thôi. Ví dụ bạn theo tổ hợp xã hội, thì chỉ cần học chắc môn Hóa (theo mình là dễ nhất) ở tổ hợp tự nhiên thôi. Sau khi ôn xong hãy lấy đề thi thử Đánh giá năng lực để tập làm quen với format đề thi nhé!

“Tra nhớt” cho đoạn về đích vượt trội

Và sẽ thật là đáng tiếc nếu bạn ôn rất nhiều nhưng lại không biết bí kíp “về đích” trong phòng thi:

  • - Những môn thuộc thế mạnh mình cố gắng làm được đúng nhất có thể và chỉ làm trong 30 phút.

  • - Tổ hợp không phải sở trường của bản thân, mình đã dành thời gian cho nó gấp đôi so với tổ hợp mình “an tâm” nhất.

  • - Trong phần bài đọc hiểu, mình luôn giữ bình tĩnh, đọc kĩ câu hỏi và gạch chân dưới những số liệu, dữ kiện cho sẵn. Phần này không khó nên chỉ cần cẩn thận, bình tĩnh bạn sẽ dễ dàng vượt qua

"Hãy nghiêm túc với mọi ước mơ mình đã đặt ra"

Cuối cùng, dù lựa chọn cho mình ngành nghề nào hay phương thức/ lộ trình ôn luyện nào, các bạn hãy cố gắng hết mình và làm như chính nó là quan trọng nhất chứ đừng trọng tâm vào cái này nhưng bỏ quên cái khác hoặc làm cho có nhé! Vì cơ hội chỉ đến một lần cho người biết nắm bắt thôi đấy!

Hy vọng với chia sẻ từ Thanh Hải, teen nhà Hoa sẽ có đủ "vũ khí" để chinh phục ngọn núi mơ ước của mình nhé!

Theo (Nhân vật chia sẻ)
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm