'Cuộc chiến' mưu sinh ở góc khuất thành phố

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với người lao động di cư, đặc biệt, những phụ nữ bán hàng rong, không gian công cộng không chỉ là nơi vui chơi, tập thể dục, hẹn hò như người dân đô thị, mà còn là nơi nghỉ chân trên con đường mưu sinh.

Những nữ lao động di cư rời xa những miền quê từ “Nơi tôi đi”, họ đặt chân đến những thành phố để tìm kiếm việc làm tại “Nơi tôi đến” và được giải tỏa những áp lực cuộc sống trong các không gian công cộng.

'Cuộc chiến' mưu sinh ở góc khuất thành phố ảnh 1

Triển lãm “Nơi tôi đến” thu hút sự quan tâm của người xem thủ đô

Đó là câu chuyện xuyên suốt triển lãm “Nơi tôi đến” đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Những câu chuyện được thực hiện dựa trên nghiên cứu với nhóm hơn 20 nữ lao động di cư tại địa bàn Hà Nội, từ 16-34 tuổi với đa dạng ngành nghề: từ phục vụ bàn, cắt tóc gội đầu, bán hàng thuê, đầu bếp, thu mua đồng nát hay người bán hàng rong... Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau: Sơn La, Cao Bằng, Phú Thọ, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An,… nhưng đều chọn Hà Nội là điểm dừng chân trên hành trình tìm kiếm, thực hiện ước mơ và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Nước mắt mưu sinh

'Cuộc chiến' mưu sinh ở góc khuất thành phố ảnh 2

Khách tham quan trải nghiệm công việc đánh giày cùng chị Đỗ Thị Tươi (áo trắng, thứ 2 từ phải sang)

“Mỗi ngày tôi đi bộ từ 30-40 km…”. Đó không phải là chia sẻ của một vận động viên hay một người đam mê thể dục, mà là của một người phụ nữ bán rong bánh rán. Lê Thị Hoa (SN 1992, Thanh Hóa) có dáng người thấp nhỏ, nhưng nhanh nhẹn. Hoa kể với tôi, năm 2005, cô bắt đầu lên Hà Nội đi bán hàng rong, mỗi ngày phải dậy từ 3h30p sáng để đi nặn bánh, rán bánh rồi mới rời lò bánh đi bán. Thường Hoa sẽ bán từ sáng đến 8h tối, hôm nào ế thì cố bán đến 11h đêm. Không những đi bộ 30-40km mỗi ngày Hoa còn phải cõng thêm gánh bánh rán trên đôi vai nhỏ. Công việc vất vả nhưng cũng chỉ được 3-4 triệu một tháng. “Trừ tiền ăn và tiền thuê nhà, còn lại tôi gửi về giúp bố mẹ. Những ngày đầu xa nhà và nhớ bố mẹ tủi thân nên đêm về khóc suốt”, Hoa kể.

'Cuộc chiến' mưu sinh ở góc khuất thành phố ảnh 3

Lê Thị Hoa, nữ lao động di cư giới thiệu về công việc thường ngày của mình trong không gian triển lãm

Đỗ Thị Tươi (SN 1990, Thanh Hóa) cũng ra Hà Nội từ năm 17 tuổi, làm nghề đánh giày. Tôi hỏi Tươi sao không xin làm công nhân ở các công ty, lại đi đánh giày cho vất vả, cô cười: “Mình thích đi đánh giày hơn đi làm công ty vì nó tự do, thoải mái mà thu nhập cũng khá”. Mỗi ngày ngoài công việc đánh giày, Tươi còn nhận giúp việc nhà theo giờ nên tính ra cũng kiếm được vài trăm nghìn. Trừ tiền thuê nhà trọ, thỉnh thoảng Tươi cũng gom được một khoản gửi về cho chồng trang trải tiền ăn học cho các con. “Vào dịp nghỉ hè, các con được nghỉ học, chồng mình lại đưa các cháu ra ngoài này chơi vài hôm để gia đình đoàn tụ. Khi đó anh ấy sẽ thay mình đi đánh giày, còn mình sẽ đưa các con đi chơi”.

Không chỉ ra thành phố kiếm tìm cơ hội mưu sinh như Hoa hay Tươi, nhiều chị em khác còn tìm được người bạn đời và quyết định gắn bó lâu dài với phố thị. Nguyễn Thị Thơm (SN 1990, Nam Định) lên Hà Nội từ năm 16 tuổi, xin việc vặt ở một quán cơm ở dốc Vạn Kiếp (Hai Bà Trưng). Quán cơm đông khách nên Thơm phải làm luôn tay từ 4h sáng đến 10h đêm mới được nghỉ. Cứ xong việc là lăn ra ngủ mê mệt, đến nỗi “có lần tấm ván đè lên người mà không biết”. Làm thuê được 2 năm thì Thơm lấy chồng, chồng Thơm làm nghề đạp xích lô, còn Thơm chuyển sang thu mua đồng nát. Hai vợ chồng cần mẫn làm việc, bám trụ Hà Nội, thế mà đến nay cũng đã được 15 năm.

Ở mảnh đất thủ đô phồn hoa đô hội, cuộc sống mưu sinh dẫu vất vả nhưng là nơi họ đã lựa chọn. Nơi họ có thể kiếm được đồng tiền dễ dàng hơn ở quê nhà, và có thể giúp gia đình đỡ khó khăn, nuôi dưỡng con cái, nuôi dưỡng những ước mơ.

“Học hết lớp 9 là em nghỉ học vì không thi đỗ cấp 3. Nhà em không có ruộng cấy, bố mẹ em chỉ đi đánh cá, hôm nào trời mưa sẽ không có thu nhập. Vì vừa mới xây nhà nên gia đình em hiện đang nợ mấy trăm triệu. Em phải lên Hà Nội đi làm phụ bố mẹ trả nợ” (Trương Thị Hoài Sương, SN 2007, Hà Tĩnh).

“Em ra Hà Nội từ năm 2014 và bán hàng từ đó đến nay. Bán lâu rồi nên có nhiều khách quen, thu nhập cũng khá. Hai vợ chồng em chi tiêu cũng đủ tiền thuê nhà, nuôi con ăn học và đã mua được một mảnh đất. Chúng em định hướng cho các cháu ở đây, còn mình sẽ về quê” (Trịnh Thị Hương, SN 1991, Thanh Hóa).

Những ước mơ giản dị

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, theo kết quả Tổng điều tra năm 2019, phụ nữ vẫn chiếm số đông hơn trong những người di cư (55,5%). “Rõ ràng phụ nữ di cư là lực lượng lao động rất quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của các thành phố và các khu công nghiệp. Tuy nhiên, họ cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản ở nơi đến, cả về công việc và cuộc sống gia đình hơn nam giới”, bà Nguyễn Thị Minh Hương nói.

Theo báo cáo tại Hội thảo khoa học “Nhóm phụ nữ di cư” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2022 cho thấy phụ nữ di cư bên cạnh nhu cầu kinh tế, tăng thu nhập; dạy nghề tạo việc làm cũng mong muốn được cải thiện môi trường sống ở nơi di cư, trong đó có các không gian công cộng.

“Nữ thanh niên di cư ít có cơ hội sử dụng không gian công cộng hơn nam giới. Do đặc thù nghề nghiệp, một số làm giúp việc gia đình, họ không có thời gian ra ngoài. Một số khác khi ra những nơi công cộng dễ bị quấy rối, họ thường mặc cảm với vẻ bề ngoài của mình, dễ tổn thương bởi những lời bình phẩm. Họ luôn khao khát những không gian công cộng an toàn, thân thiện và bình đẳng”, bà Danielle Labbé, PGS Trường Quy hoạch Đô thị và Kiến trúc Cảnh quan, Đại học Montreal (Canada) chia sẻ tại buổi khai mạc triển lãm “Nơi tôi đến”.

'Cuộc chiến' mưu sinh ở góc khuất thành phố ảnh 4

Cả ngày lang thang đánh giày nên Đỗ Thị Tươi cũng chỉ thuê một chỗ trọ rất bé, hơn 1m2 để ở và chỉ trả tiền theo ngày, mỗi tối là 20.000 đồng. “Mình đi từ sáng đến tối nên không gian sống của mình chủ yếu là nơi công cộng như vườn hoa, ghế đá công viên”, Tươi chia sẻ.

“Tôi và chồng làm việc giao hàng (shipper) này đã được vài năm. Công việc bận rộn. Thời gian nghỉ ngơi của tôi cũng chính là khi dừng xe tại nơi giao - nhận. Những nơi đó thường là dưới một tán cây, trên ghế đá hoặc đơn giản là vỉa hè bên đường” (Thùy Dung, SN 1990, Bắc Giang).

Rong ruổi cả ngày trên những con đường, ngõ ngách Hà Nội để bán bánh rán, những lúc mệt, Lê Thị Hoa thường tìm đến những bóng cây ven đường để nghỉ ngơi. “Mình không thể nghỉ trước cửa hàng cửa hiệu hay cửa nhà người khác vì sẽ bị đuổi đi ngay”, Hoa kể. Vì thế, Hoa mong Hà Nội sẽ có nhiều không gian công cộng hơn nữa, để cô không còn phải lo nghĩ tìm kiếm chỗ dừng chân.

Ước mong một ngày nghỉ thảnh thơi để đến phố đi bộ, nhu cầu có chiếc ghế đá để ngồi trong công viên hay cần một không gian chung gần nơi ở… để thư giãn, giải tỏa căng thẳng sau một ngày vất vả, với người khác là bình thường nhưng với những nữ lao động di cư lại là điều xa xỉ. Có nhiều lý do khiến họ không thoải mái, dễ dàng khi sử dụng các không gian này như: thiếu thời gian, tiền bạc, sức khỏe… đôi khi là sự mặc cảm bản thân. Vì thế, “Không gian công cộng cho tất cả mọi người”, một không gian dễ tiếp cận, miễn phí, an toàn, bình đẳng, ở đó những nữ lao động di cư không gặp phải rào cản về văn hóa, kinh tế, khoảng cách… chính là một trong những thông điệp mà “Nơi tôi đến” hướng tới.

Triển lãm “Nơi tôi đến” kéo dài đến 24/4, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

MỚI - NÓNG