Cuộc phiêu lưu của những chiếc lá

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những người sáng tạo ra đĩa lá ép từ lá cây tra ở Phú Yên ban đầu chỉ hy vọng nó có thể thay thế cho đĩa xốp, nhựa dùng một lần để giảm thiểu rác thải cho bãi biển. Về sau, đĩa lá ép được người người hưởng ứng, họ lại nghĩ cách kéo dài vòng đời của nó để không bỏ phí thứ gì của tự nhiên.

Công năng mới của những chiếc lá tra

Ở Phú Yên và những vùng ven biển dọc dải đất hình chữ S, cây tra hay còn gọi là cây nho biển hoặc bàng biển được trồng phổ biến để chắn gió, cát và cho bóng mát, giống như cây phong ba. Gỗ cây tra thường được dùng làm nông cụ, là một vị thuốc chữa đái dầm cho trẻ con, trái để làm mứt hoặc ngâm rượu. Những tưởng cống hiến của một loại cây thế đã đủ nhiều, nhưng thời gian gần đây, lá cây tra còn được một người tận dụng làm đĩa lá ép.

Cuộc phiêu lưu của những chiếc lá ảnh 1

Đĩa lá ép được thay thế cho đĩa nhựa, xốp... dùng một lần

Người ấy là kỹ sư Nguyễn Văn Tuyến. Theo giải thích của anh Tuyến, lá tra có độ dày, độ dai tuyệt vời, ngoài ra, nó còn có một lớp tinh dầu giúp chống thấm nước, giữ được độ bền. Chưa kể, loại lá này còn không có độc, lá non ăn lại rất tốt. Với những lợi thế không thể phủ nhận kiểu này, lá tra già mà bỏ phí là có lỗi với tự nhiên, anh Tuyến khẳng định.

Để biến lá tra thành đĩa, anh Tuyến dùng một máy ép thủy lực được thiết kế riêng, hoàn toàn không dùng hóa chất. Trước đó, anh từng thử nghiệm với lá sen, lá chuối, lá bàng ta... nhưng không có loại lá nào ưu việt bằng lá tra.

Những chiếc đĩa được làm từ lá già của cây tra có hình dáng và kích cỡ không đồng nhất tùy thuộc độ lớn nhỏ tự nhiên của phiến lá, màu sắc cũng là màu đỏ, nâu, xám nhạt tự nhiên... Sự xuất hiện của những chiếc đĩa lá nhanh chóng được cộng đồng sống xanh hưởng ứng nhiệt liệt, và họ quyết định đưa nó vào danh sách thay thế cho đĩa xốp, đĩa nhựa dùng một lần. Đĩa lá ép dần trở thành đồ dùng quen thuộc ở những buổi tiệc ngọt, tiệc nướng ngoài trời, cắm trại, sinh nhật, và bắt đầu len lỏi vào quang gánh của các bà, các chị bán bán đồ chiên, nướng dọc một số bãi biển.

Cuộc phiêu lưu của những chiếc lá ảnh 2

Chị Hà (bên trái) giới thiệu đĩa lá ép

Với người dân Phú Yên, bao nhiêu năm nay lá cây tra rụng chỉ được tính là rác trong vườn. Mãi gần đây, khi được thu mua để làm đĩa, người dân tự nhiên có thêm thu nhập phụ từ một thứ bỏ đi. Cây tra có giá hẳn.

Đĩa lá ép có thể sử dụng nhiều lần nếu sau khi sử dụng người dùng mang đĩa lau sạch, khử khuẩn rồi cho vào túi zip và cất trong tủ lạnh để đĩa được hút ẩm. Một lưu ý khi muốn tái sử dụng đĩa lá ép là trong quá trình sử dụng không nên để đĩa dính nhiều nước vì nếu không đĩa sẽ duỗi ra thành một chiếc lá bình thường. Vì thế đĩa lá ép thích hợp để đựng đồ khô như hạt, mứt...

Trường hợp đĩa lá đã không còn có thể dùng để chứa, đựng, nó vẫn chưa phải là đồ bỏ bởi người ta đã nhận ra, hoàn toàn có thể dùng những thứ này để vẽ, viết, làm decor, làm đồ trang trí. Hàng chục khóa trải nghiệm vẽ trên đĩa lá đã qua sử dụng được trẻ em của nhiều trường mầm non, tiểu học ở Phú Yên chứng thực. Thay cho các sản phẩm tô màu bằng thạch cao, những chiếc đĩa lá ép qua tay các họa sĩ nhí có thể biến thành tranh tường, thư tay, hay là một chiếc mặt nạ không chút đụng hàng.

Cuộc phiêu lưu của những chiếc lá ảnh 3

Dân làng chài Phú Yên thu gom, phân loại lá tra để làm đĩa lá ép

Và sau tam tứ phen phục vụ, chiếc đĩa lá đã được sử dụng hết công suất, chỉ cần bỏ ra đất, sau ba đến năm tháng nó sẽ tự phân hủy thành chất hữu cơ có ích cho cây.

Lối kinh doanh lấy niềm vui làm lãi

Hành trình đưa chiếc đĩa lá ép từ phòng thí nghiệm đến tay người tiêu dùng không thể không nói đến công của chị Vũ Thị Thu Hà (42 tuổi), đồng sáng lập thương hiệu đĩa lá ép cùng anh Tuyến. Là một người yêu thiên nhiên, chị Hà đến Phú Yên, thành lập dự án “1 tỷ cây xanh” và phát hiện ở đây rác thải xốp nhựa dùng một lần rất nhiều, từ các hàng rong bán trên bờ biển và người dân mua đồ ăn dọc đường mang tới bãi biển ăn xong vứt tại chỗ. Suốt 5 năm đi nhặt rác ở bãi biển, nhặt mãi không hết, chị và các cộng sự nghĩ đến việc đặt thùng rác để người dân bỏ rác vào thùng, nhưng cũng chỉ hạn chế được một số địa điểm, còn lại rác thải nhựa một lần vẫn ngập tràn khắp nơi. Lúc này, chị quyết tâm cùng anh Tuyến theo đuổi dự án đĩa lá ép.

Sản phẩm vừa ra, người tiêu dùng như bắt được tín hiệu xanh, gọi nhau hưởng ứng dù giá thành của những chiếc đĩa trăm phần trăm tự nhiên này không rẻ. Hiện nay mỗi chiếc đĩa lá ép, nếu tính theo giá bán lẻ trong nước sẽ rơi vào khoảng 2.300 - 2.500 đồng/ chiếc kích cỡ vừa và nhỏ, còn xuất khẩu sẽ có giá từ 2.500 đồng, trong khi đĩa đựng pizza với kích thước lớn hơn sẽ có giá từ 2.800 - 3.000 đồng/chiếc. Theo giải thích của nhà sản xuất, sở dĩ giá thành cao là vì quá trình làm ra đĩa phụ thuộc rất nhiều vào nhân công. Từ khâu đầu tiên là thu lá phải nhờ đến bà con địa phương. Nguyên liệu dùng làm đĩa ngoài lượm lá rụng còn có thể hái cả lá già trên cây. Việc hái lá già sẽ kích thích cây ra lá non nhiều hơn.

Lá sau khi thu sẽ được rửa sạch dưới vòi nước chảy, sau đó phơi khô và phân loại. Trước khi đem ép, lá còn phải qua một công đoạn khử khuẩn. Ngay trong quá trình ép, mỗi chiếc lá cũng cần phải được điều chỉnh thủ công cho phù hợp. Ví dụ nếu lá quá khô thì người thợ phải điều chỉnh máy ở nhiệt độ ẩm phù hợp để tránh bị nứt vỡ. Bởi thế mà chị Hà cho rằng, những sản phẩm của mình đều là đồ thủ công mang tính độc bản.

Cũng theo chị Hà, mỗi một thành phẩm đĩa lá ép ngốn chi phí sản xuất tới hơn hai ngàn đồng, 35-40% sản phẩm bị lỗi ít (nứt) trong quá trình ép đều được dành để tặng các bà các chị bán hàng rong ở các địa điểm du lịch tự phát...

Vậy nên khi đăng Tik Tok, nhiều người hỏi muốn mua máy để ép lá khởi nghiệp, chị thường nói luôn, nếu có tiền để làm vì trách nhiệm với môi trường, làm vì đam mê thì hãy làm, chứ làm vì lợi nhuận thì khó có ngày thu hồi vốn. Bản thân chị và anh Tuyến làm đĩa lá ép cũng là vì thích và theo chị “thích những việc mình làm, ấy là hạnh phúc”!

Đấy cũng là lý do chị gọi những chiếc đĩa lá ép của mình là đĩa lá hy vọng: Hy vọng giảm thiểu rác thải nhựa một lần; hy vọng sản phẩm được phổ biến rộng rãi trong nước rồi mới tới xuất khẩu; hy vọng nó là sản phẩm thay thế tốt được lựa chọn, cho người dân làng chài có thêm một khoản thu nhập từ “rác” vườn nhà...

Chị gọi những chiếc đĩa lá ép của mình là đĩa lá hy vọng: Hy vọng giảm thiểu rác thải nhựa một lần; hy vọng sản phẩm được phổ biến rộng rãi trong nước rồi mới tới xuất khẩu; hy vọng nó là sản phẩm thay thế tốt được lựa chọn, cho người dân làng chài có thêm một khoản thu nhập từ “rác” vườn nhà...

MỚI - NÓNG