Cuộc sống là một món quà: Tết em về rẽ qua phố chợ

Cuộc sống là một món quà: Tết em về rẽ qua phố chợ
HHT - Những gì má mua ở chợ Tết, dù là ít mứt gừng hay mấy cái bánh thuẫn thơm phức, chính là sự tỉ mỉ và dịu dàng của má cho những người xung quanh.

Chợ nằm ngay dưới chân, tôi chỉ cần đi hết cầu thang khu chung cư cũ - nơi đang thuê một phòng nhỏ - là tới ngay, nhưng cả năm nay hầu như tôi chẳng mấy lần ghé chợ. Chả bù cho một năm trước, khi còn ở chung với mấy cô bạn gái thời sinh viên, ngày nào cũng phải ghé chợ đôi ba bận. Ghé chợ sớm là vì phải đi học buổi sáng, mới mua được xôi cô bán đầu chợ, uống sữa đậu nành của bà bán bên hông chợ - những nơi tôi tự cho là bán ngon nhất. Ghé chợ trưa là phải mua thức ăn về nấu bữa cơm. Ghé chợ chiều là mua ít trái cây để ăn lúc cả bốn đứa nằm dài mở laptop xem phim Hàn Quốc.

Bây giờ tôi chẳng còn thói quen ghé chợ nữa vì hầu như chỉ ăn ngoài, nếu cần gì thì ghé siêu thị mua vài thứ nhỏ gọn là xong. Chợ ngay dưới chân mà tôi bỏ quên. Lối vào nhà có chạy ngang qua chợ cũng bỏ qua, chỉ toàn rẽ qua con đường nhỏ bên hông chợ, để có thể chạy vù vù chứ không phải nhích từng chút vì chợ lúc nào cũng đông.

Rồi một hôm không tài nào ngủ được, tôi cứ thế thức đến tận sáng, mới tinh mơ đã chạy tót xuống chợ, định mua ít quýt đường để ăn, mua hộp xôi và sữa đậu nành cho bữa sáng. Tinh mơ mà chợ vẫn đông. Dường như chợ sinh ra là để đông vậy. Chợ nhỏ ở quê vẫn kín người, chợ to thành phố vẫn kín người, ngay cả chợ ven đường với đôi ba cái rổ đựng mớ rau mớ tép vẫn rôm rả người mua người bán. Hôm nay chợ lại còn đặc biệt hơn hẳn mọi khi với hoa đầy ắp các xô nhựa, tràn cả ra vỉa hè. Trái cây đầy ắp, xếp đầy các kệ bán. Thì ra hôm nay ngày chợ bán hoa quả cúng rằm. Thế là tôi đành bỏ ý định mua quýt đường, vì trái cây ngày này đắt lắm. Tôi chỉ đi dạo chợ buổi sớm một chút, rồi bỗng dưng thấy nhớ chợ Tết quê mình, vì cái không khí này giống quá.

Cuộc sống là một món quà: Tết em về rẽ qua phố chợ ảnh 1

Chợ mấy ngày gần Tết lúc nào cũng đặc biệt đông hơn hẳn mọi khi, cả người lẫn hàng hóa. Hoa đầy khắp nơi, trái cây đầy ắp kệ và cần xé, bánh mứt la liệt các quầy, và chỉ có chợ Tết mới thấy củ kiệu và dưa hấu quả tròn là đổ đầy hai bên đường. Nhiệm vụ của tôi là chở mẹ đến chợ, rồi xách cái giỏ theo chân mẹ, chen chúc giữa người và người trong lối đi nhỏ hẹp mỗi khi mẹ mua đồ. Đôi lúc đường đi đông đến mức tôi phải cầm cái giỏ giơ hai tay cao hơn đầu thì mới lách qua được mà không làm trái cây hay hoa bị dập úa. Lần nào tôi cũng toát cả mồ hôi, thế mà má cứ đi phăng phăng từ hàng này đến hàng khác rất tài.

Cuộc sống là một món quà: Tết em về rẽ qua phố chợ ảnh 2

Má có rất nhiều thứ để mua ở chợ. Thường trước Tết gần cả tháng má đã đi “khảo sát” chợ trước và mua một ít thứ. Từ đó cho đến mấy ngày cận Tết, cứ mỗi lần đi chợ má lại mua về một ít đồ “dự trữ” trong bếp. Chưa đến Tết, nhưng lúc nào tôi và em gái cũng có thể ăn được hạt dưa, vài miếng mứt bánh cất trong tủ. Buổi sáng tưởng má đã mua đủ, buổi trưa tôi nằm ngủ thiu thiu thì thấy má cù chân: “Dậy chở má đi chợ mua thêm ít mứt gừng cho ba đi, sợ nhiêu đó ba mày ăn không đủ”. Dường như đối với má, càng đến gần Tết, cái gì cũng thiếu, cũng cần phải mua thêm. Đu đủ, củ cải, cà-rốt, củ kiệu đã chế biến và đem đi ngâm tới tận hai hũ, chỉ đợi dùng nhưng má vẫn mua thêm để lại về cắt, phơi khô, ngâm tiếp một hũ nữa. Má nói Tết ăn nhiều thịt ngán, cứ phải có ít dưa món củ kiệu mới ngon miệng. Ăn trưa cũng được, ăn tối cũng xong, mà tuyệt nhất là ăn với lát bánh tét buổi sáng. Rồi má mua thêm một hũ kim chi để tôi có cái ăn kèm với mì tôm những tối ngồi xem phim trên laptop. Tủ lạnh nhất định phải có trứng và xúc xích vì nếu cậu dì với anh chị em họ tôi từ thành phố về thì thích ăn mì tôm với hai món đó vào lúc khuya. Mua hoa quả rồi nhưng vẫn chạy lên mua thêm một ít trái này quả kia để chiều ba có thêm nhiều lựa chọn bày mâm cho đẹp. Mua gì cũng phải mua dư để mang một ít xuống cho bà nội…

Năm nào tôi cũng phải chở má đi qua ba cái chợ mới mua hết những thứ má cần. Vì hoa phải mua của người này, trứng mua của người kia, trái cây của người nọ… chứ không được khác. Như bánh thuẫn - một loại bánh làm từ trứng và bột, khi chín bánh nở bung vàng ươm như hoa mai - nhất định phải mua của một chú bán gần bãi giữ xe của chợ. Bánh thuẫn tôi thích ăn phải hơi ướt và mềm ở bên trong khi cắn, không được quá xốp vì như vậy thì bánh hơi khô. Chỉ có bánh của chú ấy mới đúng vị yêu thích của tôi, cũng là nơi ngon nhất, khách luôn đứng đợi mua rất đông. Lần đầu tiên tôi đưa mẹ đi chợ Tết, phải đứng đợi mỏi cả chân mới đến lượt mà lấy hai mươi cái bánh thuẫn mang về. Đó là lần đầu tiên tôi biết thì ra để mỗi năm trong bếp có được một hộp bánh thuẫn thì mẹ phải đợi rất lâu.

Cuộc sống là một món quà: Tết em về rẽ qua phố chợ ảnh 3

Ngoài xách đồ, tôi thường đứng cạnh im như thóc nghe má trả giá với cô bán hàng. Gọi là trả giá mà tôi cứ tưởng má với cô đang tâm sự trò chuyện với nhau, chuyện gia đình, chuyện học hành con cái, chuyện buôn bán... Trả giá kiểu gì mà má bớt được vài ngàn rồi lại được cô cho thêm một trái quýt vào túi trái cây, rồi má đưa cho cô một phong bì đỏ bảo lì xì cho đứa nhỏ ở nhà.

Những gì má mua ở chợ Tết, dù là ít mứt gừng hay mấy cái bánh thuẫn thơm phức, chính là sự tỉ mỉ và dịu dàng của má cho những người xung quanh. Má cẩn thận tính toán để ai trong nhà cũng có Tết đủ đầy cho mình, có những thứ yêu thích mình ăn trong chạn bếp. Có lần tôi định hỏi má Tết mà má không mua gì cho mình sao, rồi chợt hiểu đó là Tết của má rồi. Tết của má là bận rộn tất tả đi chợ một ngày vài bận, để trò chuyện với mấy người bạn chợ, để Tết đầy ắp trong bếp cho cả nhà.

Cuộc sống là một món quà: Tết em về rẽ qua phố chợ ảnh 4

Bởi vậy, mấy ngày cận Tết, tôi vẫn chở mẹ đi chợ. Dù tôi không thích cái đông đúc chộn rộn của chợ, ngay cả những lúc bình thường chứ đừng nói là chợ Tết. Nhưng tôi thích cái ấm áp và dịu dàng của nó, của những người đang ở đó - dù là người mua hay người bán vì họ đang tất tả để chuẩn bị Tết ấm cúng cho những người thân yêu của mình. Và cũng để lúc má không để ý, tôi lặng lẽ mua một ít mứt bí đao, mứt khoai lang cho vào giỏ mang về. Tôi sẽ cất chúng lên tủ để ngày Tết bày ra, để Tết của riêng mình má cũng có món mứt yêu thích nhất mà nhâm nhi.

FUYU

* Tên bài được lấy ý từ một câu hát trong bài Phố mùa Đông: “Lối em về rẽ qua phố chợ”.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Đọc “Kì Công Diệu Nghệ”, tự hào trước những sáng tạo cực xịn của người Việt xưa

Đọc “Kì Công Diệu Nghệ”, tự hào trước những sáng tạo cực xịn của người Việt xưa

HHT - Trong "Kì Công Diệu Nghệ", hai tác giả Đông Nguyễn và hoạ sĩ Kaovjets Ngujens giới thiệu 30 kĩ thuật và công nghệ nổi trội, cả du nhập lẫn tự sáng tạo, được ông cha ta ứng dụng vào đời sống trước thế kỉ XX. Trong đó, nổi bật nhất là các phát kiến quân sự và hàng hải - khiến người đọc tự hào trước những sáng tạo đáng điểm 10 của người Việt xưa.
Cuốn Sách Hoang Dã: Hiện tượng xuất bản thế giới ra mắt độc giả Việt Nam

Cuốn Sách Hoang Dã: Hiện tượng xuất bản thế giới ra mắt độc giả Việt Nam

HHT - Kỳ nghỉ hè ngỡ như buồn tẻ và cô độc của Juan trở nên ngày một ly kỳ, thú vị, lôi cuốn hơn khi cậu bé nhận thấy những cuốn sách ở nhà bác không hề bình thường: Chúng lén lút tự di chuyển khi không ai để ý, chúng thay đổi và ăn trộm nội dung của nhau, chúng chỉ xuất hiện nếu muốn được đọc. Dường như chính những cuốn sách mới là chủ của thư viện.
"Đất rừng phương Nam" đẹp dung dị dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn Đoàn Giỏi

"Đất rừng phương Nam" đẹp dung dị dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn Đoàn Giỏi

HHT - Những trang viết của nhà văn Đoàn Giỏi dẫn dắt người đọc vào những cuộc phiêu lưu, đến với những cánh rừng đước, đầm lầy, con nước Cửu Long, lắng nghe tiếng gọi hoang dã của muông thú, và đắm mình vào đời sống của những người dân Nam Bộ - những con người dung dị và đáng mến, nhưng cũng rất anh hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
Nằm nghe tuổi thơ lớn lên qua hai tập truyện mới của nhà báo Phạm Công Luận

Nằm nghe tuổi thơ lớn lên qua hai tập truyện mới của nhà báo Phạm Công Luận

HHT - Là cây bút quen thuộc với dòng sách kể chuyện về Sài Gòn xưa cũ mà hiện đại, nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận trở lại với văn học thiếu nhi bằng hai quyển sách "Xóm thiên đường" và "Trang trại cuối rừng". Đây là hai tập truyện mở ra cánh cửa mời bạn đọc bước vào thế giới tuổi thơ ngộ nghĩnh, sống động và giàu tình yêu thương.
Bộ truyện tranh kể những chuyện ít biết về thế hệ người Việt “mắc kẹt” nơi xứ người

Bộ truyện tranh kể những chuyện ít biết về thế hệ người Việt “mắc kẹt” nơi xứ người

HHT - Hai tập truyện tranh mới ra mắt trong bộ "Kí ức kiều bào" của hoạ sĩ người Pháp Clément Baloup đã hé lộ phần nào về đời sống xa xứ của các lính thợ, các chân đăng trong giai đoạn Thế chiến II. Bộ truyện tranh đã mở ra một phần lịch sử, qua kí ức của chính những người trong cuộc.