Cuộc thi Khoa học kỹ thuật gặp nhiều tranh cãi, có nên bỏ tuyển thẳng học sinh có giải?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Teen đã quen thuộc với cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia được tổ chức mỗi năm, nhưng liệu có thấy gần gũi với các dự án dự thi mang tầm cỡ... nhà nghiên cứu?

Mới đây, Lễ trao giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) quốc gia học sinh trung học năm học 2020 - 2021 vừa diễn ra tại Huế. 91 giải thưởng được trao, trong đó có 12 giải Nhất chia đều cho 12 lĩnh vực, nhưng điểm chung của các dự án là đều khiến nhiều người phải ngỡ ngàng khi có độ khó "khủng".

Đặc biệt ở lĩnh vực Hóa sinh, Hóa học, các bạn học sinh nhắm tới vấn đề điều trị ung thư, quá trình phân giải thuốc bọc, phân lập hợp chất... Đây đều là những đề tài đòi hỏi phải nghiên cứu sâu, có dữ liệu rộng mà các bạn học sinh không dễ dàng tiếp cận được.

Một số khác lại đòi hỏi khả năng công nghệ thông tin và sự ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống. Những đề tài như Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ, Cảnh báo sớm các rủi ro trong môi trường nuôi tôm bằng trí tuệ nhân tạo... ghi điểm vì có tính ứng dụng cao, nhưng cũng không hề dễ nghiên cứu chút nào.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật gặp nhiều tranh cãi, có nên bỏ tuyển thẳng học sinh có giải? ảnh 1

Dự án "Giường bệnh thông minh".

Không chỉ vậy, đề tài về giường bệnh thông minh của teen Ninh Bình còn gặp phải tranh cãi khi tương tự một đề tài khác trong cuộc thi KHKT của tỉnh Ninh Bình: Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân. Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình đã nhanh chóng giải thích với báo chí rằng 2 đề tài này có cùng một giáo viên hướng dẫn, nhưng đề tài năm 2019 điều khiển bằng máy tính, năm 2021 điều khiển bằng giọng nói và bổ sung các tính năng khác. Dù vậy, độ khó của đề tài khiến dư luận thắc mắc rằng liệu có phải dự án do chính giáo viên hướng dẫn thực hiện (?!).

Năm nay không phải là lần đầu tiên các đề tài trong cuộc thi KHKT quốc gia gặp tranh cãi. Vài năm gần đây, các đề tài khó về ung thư, phân tích vi khuẩn thường xuyên xuất hiện. Bạn Mai Trang (Hà Nội) bình luận: "Có những đề tài tính ứng dụng cao, nhưng chỉ xuất hiện trong cuộc thi rồi lặn mất tăm, vậy khác nào cuộc thi chỉ mang tính hình thức?".

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật gặp nhiều tranh cãi, có nên bỏ tuyển thẳng học sinh có giải? ảnh 2

Học sinh hưởng ưu tiên trong quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, các bạn học sinh đoạt giải trong cuộc thi KHKT cấp quốc gia được tuyển thẳng vào trường ĐH phù hợp với nội dung đề tài dự thi. Điều này khiến dư luận, đặc biệt là các bạn học sinh THPT và các bậc phụ huynh càng quan tâm đến kết quả cuộc thi. "Suất tuyển thẳng ở nội dung này dù ít, nhưng với học sinh tụi mình thì đó vẫn là một cơ hội. Vậy nên mình hy vọng cơ hội này được sử dụng một cách ý nghĩa" - bạn Đ.H.G chia sẻ.

12 dự án đạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học:

1. Lĩnh vực Y sinh và khoa học sức khoẻ, dự án “Vi tảo biển - nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng cho ấu trùng ngao dầu”.

2. Lĩnh vực Kỹ thuật Y sinh, dự án “Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ”.

3. Lĩnh vực Hoá học, dự án “Nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ và hoạt hoá eNOS trên tế bào ECV304 từ một số bài làm thuốc thuộc chi Polygonum L. định hướng phòng và điều trị xơ vỡ động mạch” .

4. Lĩnh vực Phần mềm hệ thống; dự án “Thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát và quản lý học sinh trong trường học”.

5. Lĩnh vực Hoá sinh, dự án “Cải tiến peptit polybia-mpl để ứng dụng trong điều trị ung thư”.

6. Lĩnh vực Khoa học Vật liệu, dự án “Nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc trong Alginate chứa nano oxit sắt từ”.

7. Lĩnh vực Kỹ thuật môi trường, dự án “Nghiên cứu, định danh loài sinh vật trung gian và trực tiếp gây viêm, hoại tử vết thương trên da người ở vùng nông thôn huyện Mỏ Cày Bắc tỉnh Bến Tre và định hướng giải pháp trong phòng trị hiệu quả cho người dân”.

8. Lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí, dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần”.

9. Lĩnh vực Hệ thống nhúng, dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà”.

10. Lĩnh vực Hệ thống nhúng, dự án “Cảnh báo sớm các rủi ro trong môi trường nuôi tôm bằng trí tuệ nhân tạo”.

11. Lĩnh vực Toán học, dự án “Kích thích tư duy Toán học thông qua hệ thống bài tập hình học và trò chơi được thiết kế bằng phần mềm Scratch”.

12. Lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi, đề tài “Khó khăn tâm lý trong học tập trực tuyến của học sinh THPT trước yêu cầu đổi mới hình thức dạy học”.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật gặp nhiều tranh cãi, có nên bỏ tuyển thẳng học sinh có giải? ảnh 3
Theo Ảnh tổng hợp trên Internet
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm