Mùa khô bắt đầu là khi mớ bụi đỏ trên những con đường quê bám chặt vào những thân cây, chỉ chực tung lên mỗi khi có xe tải lớn đi qua. Đồng mía xanh rì dần dần chuyển sang màu đất. Ẩn dưới lớp lá xù xì những cây mía mập mạp trữ lượng đường bắt đầu cao lên. Lá khô quấn hờ hững bên ngoài thân cây. Chỉ cần bóc lớp lá đó đi, một thân hình mập mạp của cây mía hiện ra, trăng trắng bụi phấn, đen vài lớp bồ hóng nhưng căng tròn và đầy hấp dẫn.
Ở quê, mùa mía đường đúng vào mùa khô nên mỗi lần đi học về, chúng tôi đều đi chậm rãi trên con đường làng nhặt những cây mía bị rớt lại mang về nhà lóc ăn. Mía đường thường cứng nhưng ngọt lịm, đi đâu về mệt chỉ cần vài khúc mía là tỉnh hẳn.
Mùa thu mua mía, xe tải chảy ì ầm qua đường làng vào nông trường. Những người thợ cắt mía dậy từ hai ba giờ sáng, dở đụn cơm, bình nước rồi ra ruộng sớm. Những cây mía mập mạp nằm ngay ngắn trên ruộng chờ người tới.
(Ảnh minh họa: Phim Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh)
Ngọt ngào nhất là mùi mía đường khi qua lò tinh luyện. Mỗi ngày đi học về tôi đều đạp xe qua nhà máy. Tầm cỡ bốn năm giờ chiều, mùi mía thơm ngào ngạt bay ra. Cái mùi thơm ngòn ngọt, dịu dịu, giống như mật mía được nấu lên. Nó làm cho cảm giác thèm thuồng tứa lên tận miệng.
Để có những bao đường cát trắng tinh luyện, đến được tay người tiêu dùng là bao nhiêu công đoạn trải qua. Từ khâu chọn lựa mía, đến khâu làm sạch, lên cân, ép mía, luyện trong nồi lớn, làm trắng.
Mùi mía ngầy ngậy, beo béo quện trong làn khói chiều êm ả đó là khi cái bụng rỗng của những đứa trẻ từ trường về nhà. Không hiểu sao mùi luyện mía cứ ngọt ngào đi vào kí ức của chúng tôi. Mỗi ngày đi qua nhà máy nếu không nán lại mươi mười lăm phút để hít hà cái mùi dịu ngọt ấy thì không thể chịu được. Cứ như thể nó là một phần đẹp đẽ của kí ức mỗi đứa trẻ quê.
Mùa mía được mùa là khi xe tải tấp nập đi vào nông trường, tiếng người chặt mía gọi nhau ý ới. Công nhân bốc dỡ mía làm việc hăng say. Nhưng cũng có mùa mía thất thu, bà con nông dân hiu hắt. Dưới lớp lá khô, những cây mía nhỏ xíu quay quắt. Đã thế có năm nhà máy đường cũng thu mua với giá rẻ mạt, bà con lao đao trong cái nắng, cái gió và chạy ngược chạy xuôi lo cho vụ mùa sau, lớp lo thiếu nhà cung cấp phân bón, lớp lo đầu ra, lớp lo kiếm thêm tiền đóng học cho lũ trẻ.
(Ảnh minh họa: Phim Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh)
Bà con nông trường, quanh năm chỉ bám vào cây mía, được ăn cả, ngã về không. Tôi nhớ có năm mất mùa, ba ngồi hàng tiếng đồng hồ bên đám rẫy, nhìn xa xăm không chớp mắt. Nửa muốn bán đi nhưng nửa lại muốn để lại. Bao nhiêu mía cứ phất phơ dưới nắng chờ bàn tay của chủ nhân. Có đợt gay gắt hơn là đột nhiên mía bị cháy mà không rõ nguyên nhân. Trong đám rẫy, vài ba ruộng mía tự nhiên cháy ngùn ngụt, bà con lao động khóc không thành tiếng.
Ngọt ngào nhất vẫn là mật mía từ bàn tay khéo léo của mẹ. Năm nào mẹ cũng dành những cây mập mạp, gọt sạch sẽ, ép nước rồi nấu thành mật. Trên bếp than hồng rực, bàn tay mẹ thoăn thoăn. Nồi mật mía thơm lừng, mẹ làm xong để nguội, rồi rót vào chai cho cả nhà dùng dần. Mật mía như một gia vị nấu ăn thông dụng. Mẹ dùng để kho cá, nấu chè, nấu bánh ngào, kho các loại thức ăn mà khi quẹo lại để được cả tuần mà không bị hư.
Bởi thế mà dù đi đâu xa nhà, mùi mật mía, mùi thơm ngọt dịu ấy chẳng bao giờ phai nhạt trong kí ức của mỗi chúng tôi.
(Ảnh minh họa: Phim Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh)
Bạn có tin nhắn:
Sau khi đăng tải các bài viết dự thi lọt qua vòng sơ khảo trên Hoa Học Trò Online, BTC sẽ tiến hành chấm điểm và thông báo kết quả 10 giải khuyến khích vào đầu tháng 5/2020. Mời bạn đón đọc kết quả sẽ được đăng trên Hoa Học Trò Online và fanpage Trà sữa cho tâm hồn. Riêng 3 bài dự thi xuất sắc nhất sẽ được đăng tải riêng trên ấn phẩm Trà sữa cho tâm hồn phiên bản đặc biệt, phát hành cuối tháng 4/2020. Cảm ơn bạn đã tham gia, hẹn bạn ở những cuộc thi sắp tới nhé!