Cuốn nhật ký của cô bé 13 tuổi – tượng đài mang tên “Lương tri nhân loại”

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhân kỷ niệm 78 năm chiến thắng phát xít (5/1945 – 5/2023), nhân loại lại nhớ đến cuốn nhật ký của bé Anne Frank.

Anne Frank, tên đầy đủ Annelies Frank, sinh ngày 12/6/1929, tại Frankfurt am Main, Cộng hòa Liên bang Đức, trong một gia đình Do Thái. Bố là Otto Frank, để tránh thảm họa phát xít, mùa hè 1933, Otto Frank bắt đầu sang Hà Lan, chuẩn bị cho cuộc di cư của gia đình, trong lúc đó vợ ông, bà Edith Aachen và hai con vẫn sống tạm tại Đức một thời gian. Tháng 12 năm 1933, bà Edith và chị của Anne là Margot sang Amsterdam, Hà Lan trước, đến tháng 2/1934, Anne và bố mới sang Hà Lan cùng gia đình. Tại đây, Anne theo học lớp mẫu giáo tại trường Montessori.

Năm 1940, Hà Lan bị Đức Quốc xã chiếm đóng, Anna Frank cùng gia đình ẩn náu trong một căn phòng kín, của ngôi nhà 263 phố Princegracht - Amsterdam là sở hữu của gia đình Anne Frank từ tháng 9/1942, với sự giúp đỡ về lương thực, thực phẩm của một vài người bạn Hà Lan. Gia đình Anne Frank sống an toàn cho đến ngày 4/8/1944, khi mật vụ Gestapo được bọn chỉ điểm báo, đã phát hiện ra căn phòng bí mật. Anne Frank và gia đình bị chúng bắt đưa đến trại tập trung Westerbork - Hà Lan. Sau đó chúng đưa họ đến trại tập trung Auschwitz, Ba Lan và cuối cùng đưa đến Bergen - Belsen vào tháng 9/1944. Tại đây mẹ của Anne chết vào tháng 1/1945. Còn Anne Frank và chị gái Margot chết vào tháng 3/1945, chỉ một vài tuần trước khi trại này được giải phóng.

Cuốn nhật ký của cô bé 13 tuổi – tượng đài mang tên “Lương tri nhân loại” ảnh 1

Những trang nhật ký bị thiếu trong nhật ký của Anne Frank, được công bố

Cha của Anne Frank, ông Otto Frank được Hồng quân Liên Xô cứu sống ở trại tập trung Auschwitz ngày 27/4/1945. Sau đó trở lại Hà Lan, ông Otto Frank được những người quen biết trao lại tập nhật ký do Anne Frank viết lúc 13 tuổi, được tìm thấy trong căn phòng bí mật, sau khi cả gia đình bị bắt.

Vào lần sinh nhật lần thứ 13, ngày 12/6/1942, bé Anne Frank được bố tặng một cuốn sổ nhỏ màu đỏ. Kể từ ngày đó, cô bé giàu cá tính, hoạt bát và đầy nghị lực đã quyết định kể lại cuộc đời mình. Bé nói: “Bằng mọi giá tôi phải viết lại bằng được cuộc đời tôi”. Và thế là cứ mỗi ngày cô viết một lá thư cho một nhân vật ảo có tên là Ketty vào trong cuốn sổ do cha tặng, giống như cách viết nhật ký. Những ngày đầu sự việc không có gì đặc biệt. Nhưng rồi ngày tháng dần trôi qua…Và cuối cùng thế chiến giới thứ hai bùng nổ lan đến Hà Lan, nơi gia đình Anne Frank sinh sống.

Cuốn nhật ký của cô bé 13 tuổi – tượng đài mang tên “Lương tri nhân loại” ảnh 2

Bé Anne Frank

Vì gia đình Anne Frank là người Do Thái, nên bọn phát xít ra sức truy lùng, săn đuổi để tiêu diệt, nhất là ông bố O. Frank, một người lính, một chủ nhà băng được nhiều người biết đến. Vì thế ông phải chuyển gia đình mình sang sinh sống ở Amsterdam, Hà Lan. Họ dọn đến một nơi mà Anne gọi là “Ngôi nhà phụ bí mật” để lẫn trốn những kẻ săn lùng, với sự giúp đỡ của 4 người bạn Hà Lan thân tín.

Nhật ký Anne Frank vượt lên trên giá trị của những ghi chép thông thường. Cuộc sống của Anne, tiếng nói của Anne còn đậm nét hơn toàn bộ chứng cứ buộc tội chế độ phát xít và đánh thức nhân loại khỏi sự vô cảm đang gặm nhấm dần lương tri.

Cuốn nhật ký đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Hà Lan năm 1947, sau đó được dịch ra Anh ngữ với tựa đề “The Diary of a young girl”.

Cuốn nhật ký được viết dưới ngòi bút của một bé gái 13 tuổi, với cái nhìn trong sáng, thánh thiện về cuộc sống, con người, nỗi sợ hãi chiến tranh cũng như niềm tin vào cuộc sống, đã nhanh chóng chinh phục được độc giả trên toàn thế giới và được dịch ra trên 50 thứ tiếng.

Nhật ký Anne Frank đã trở thành một tác phẩm kinh điển về lương tri và khát vọng hòa bình của con người. Nhật ký Anne Frank không chỉ mang lại cho người đọc những tư liệu lịch sử quý giá, sống động mà còn mang đến những tình cảm thật sự, những suy nghĩ rất trẻ con mà cũng rất già dặn của Anne Frank.

Với tất cả những gì bé trình bày trong đó, Anne Frank đã biểu tượng hóa sức mạnh của cuốn sách. Cuốn nhật ký được viết năm 1944, trên một căn gác bí mật của một nhà kho tại Amsterdam, Anne Frank trở thành nhân vật đáng nhớ nhất trong thế chiến thứ II. Nhật ký Anne Frank tràn đầy tính nhân đạo và chính điều này đã giúp cho thế giới lưu lại được câu chuyện về một bé gái nổi tiếng nhất trong lịch sử.

Cuốn nhật ký của cô bé 13 tuổi – tượng đài mang tên “Lương tri nhân loại” ảnh 3

Hòn đá tưởng niệm Anne Frank

Bé Anne Frank với đôi mắt cương nghị, hiền dịu, vui vẻ đã tác động tới tất cả những ai đọc qua cuốn sách của bé.

Trong một bài báo đánh giá cao quyển sách như một cuốn Thánh kinh và tác giả đã đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: Anne Frank thuộc về ai? Niềm say mê mà cuốn sách đã tạo nên cho chúng ta biết rằng bé thuộc về tất cả mọi người, rằng bé đã vượt lên trên tất cả sự tàn phá, hủy diệt đối với dân Do Thái, với tuổi thơ và đã trở thành một hình ảnh tượng trưng của đức tin trong thế giới hiện đại, một thế giới mà trong đó những ý tưởng đạo đức cá nhân luôn bị ám ảnh bởi sự tàn phá của máy móc nhưng luôn luôn đấu tranh cho quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc và hy vọng vào tương lai của con người.

Năm 1942, gia đình Otto Frank và gia đình Van Pel đã quyết định đi lánh nạn. Trong hai năm họ đã phải sống chui lủi trong các căn phòng bí mật cho tới khi bị bắt, nhưng Anne lại có được cả một thế giới tự do để ghi nhật ký. Ngay trang đầu, bé viết: “Tôi mong quyển sách này sẽ là niềm an ủi, sự trợ giúp lớn lao đối với tôi”. Bé khi ấy, không biết sự trợ giúp ấy lớn lao đến đâu, nhưng dường như nhận thức về sức mạnh trong bé ngày càng lớn lên theo thời gian. Một năm trước khi chết vì bệnh sốt phát ban tại trại tập trung Bergen-Belsen, bé viết: “Tôi muốn mình là người hữu ích, là người mang lại niềm vui cho mọi người xung quanh, thậm chí cả những người chưa thực sự biết tôi là ai. Tôi muốn tiếp tục được sống ngay cả khi tôi đã chết”.

Lý do cho sự bất tử của Anne Frank thật dễ hiểu. Em là một cây viết thật đặc biệt trong mọi thời đại. Chất lượng trong những trang viết của em là kết quả trực tiếp từ khuynh hướng tả thực đến độ tàn nhẫn, khiến hàng triệu con tim đã rung động trước những đoạn văn trong sáng trong tập nhật ký của em (được bố cho xuất bản lần đầu). Và bản in năm 1995 (kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít), lại làm rung động trái tim triệu triệu độc giả với việc tôn vinh em như một hiện tượng của sự trong sáng. Em không đơn giản là người sinh ra đã được Chúa ban tặng cho tính hào phóng. Em phải đấu tranh để có được nó theo cách riêng của mình, rất kiên trì, không khoan nhượng, tất cả nhằm thử thách phẩm chất của một ý tưởng: “Dù sự thật có tồi tệ đến đâu thì tôi vẫn tin rằng trong sâu thẳm trái tim mỗi người, cái thiện vẫn luôn luôn tồn tại”. Nhưng đoạn văn sau đó, em lại cho chúng ta thấy: “Đơn giản là tôi không thể xây dựng những ước mơ trên nền tảng của sự lộn xộn, nghèo khổ và cái chết. Tôi thấy thế giới đang dần biến thành sa mạc hoang tàn. Tôi nghe thấy sấm sét đang đến gần và nó sẽ hủy diệt chúng ta. Tôi có thể cảm nhận được hàng triệu con người đang rên xiết vì đau khổ. Và khi nhìn lên thiên đường, tôi nghĩ rằng mọi việc rồi sẽ ổn, rằng tội ác sẽ chấm dứt và hòa bình, nhịp sống bình lặng sẽ quay trở lại. Tôi luôn luôn ủng hộ cho ý tưởng của mình bởi một lúc nào đó, tôi có đủ năng lực để thực hiện nó”.

Quyển nhật ký của em không chỉ cho chúng ta biết con người tốt đẹp như thế nào mà còn cho thấy sự cần thiết đôi khi phải thỏa hiệp với lương tâm trong mỗi con người, có lẽ là trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất.

Cùng với mẹ và chị gái, Anne mãi mãi ra đi ở tuổi 15 đã để lại cho thế giới này cuốn nhật ký của em như một tuyên ngôn bất tử về niềm tin và điều thiện.

Ở Việt Nam, ảnh hưởng cuốn nhật ký của Anne Frank (the Diary of Anne Frank) cũng rất lớn. Nhất là từ khi Bửu Ý dịch cuốn nhật ký của Anne Frank từ tiếng Pháp ra tiếng Việt trong thập niên 1960. Nhà báo Thu Thủy, trong một lá thư gửi cho Anne viết:

“Nếu có một tượng đài mang tên “Lương tri nhân loại”, tôi hình dung nó là hình ảnh của em trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình tại trại tập trung Bergen-Belsen, đó là một cô bé gầy gò, tiều tụy, người đứng thẳng với đôi mắt sáng lạ lùng, đó là một cô bé dịu dàng như điều thiện, hồn nhiên như hoa cỏ, nhưng cũng cứng cỏi như chân lý, bên cạnh đó sẽ là lời nhắn nhủ cuối cùng của Julius Fucik: “Hỡi loài người, hãy cảnh giác”.

Đặc biệt năm 2006, Đặng Kim Trâm, em gái liệt sỹ Đặng Thùy Trâm, dịch cuốn nhật ký này từ tiếng Anh, khiến người ta thường ví nhật ký em bé Do Thái Anne Frank với nhật ký Đặng Thùy Trâm. Bởi cả hai sống và ghi nhật ký, tuy ở hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng rõ ràng bé 13 tuổi và bác sỹ Việt Nam 27 tuổi đều có chung sức mạnh nội tâm. Đó là tình yêu cuộc sống và khát vọng tự hoàn thiện bản thân mình và cả hai đều căm giận bè lũ xâm lược, diệt chủng.

MỚI - NÓNG