Cựu chiến binh cụt hai chân chinh phục đỉnh Everest

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một cựu chiến binh bị mất cả hai chân sau khi phục vụ trong quân đội Anh hy vọng sẽ trở thành người đầu tiên leo lên đỉnh đỉnh núi cao nhất thế giới vào mùa hè này.

Ông Hari Budha Magar được giải ngũ khỏi Trung đoàn Hoàng gia vào năm 2010 và hiện đang hợp tác với một nhóm người Nepal để cố gắng chinh phục đỉnh núi Everest vào tháng Năm. Để tránh bị tê cóng, ông sẽ được trang bị một đôi chân leo núi đặc biệt có gắn máy sưởi chạy bằng pin, nhưng về cơ bản, người đàn ông 43 tuổi này sẽ trèo lên đỉnh Everest bằng hai tay.

Ông Budha Magar ước tính ông sẽ mất nhiều thời gian hơn ba lần so với những người leo núi khác để lên tới đỉnh cao 8.848 mét, thế nhưng ông tự tin rằng mình sẽ nhanh hơn mức trung bình ở các đoạn dốc vì sức mạnh phần thân trên vượt trội của mình. Hai nhà leo núi bị cụt dưới đầu gối đã từng lên tới đỉnh Everest trước đây. Nhưng để leo núi mà không có đầu gối là một thử thách khó hơn nhiều.

Cựu chiến binh cụt hai chân chinh phục đỉnh Everest ảnh 1

Ông Budha Magar thử bộ đồ leo núi, được đặt làm riêng cho ông

Ông Budha Magar, một người đàn ông vui vẻ và lạc quan, mô tả dáng đi của mình “giống như một chú chim cánh cụt”, được đẩy đi phần lớn nhờ hông. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói đùa về những lợi thế của việc sống không có chân, chẳng hạn như “không phải đi những đôi tất có mùi” và “có thể nằm trên những chiếc ghế sô pha rất nhỏ”.

Cùng với việc thúc đẩy cơ thể của chính mình, ông Budha Magar muốn thay đổi nhận thức về khuyết tật. “Ngay cả bây giờ, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa, người khuyết tật vẫn bị coi là “gánh nặng của thế giới”, khuyết tật bị coi là nghiệp chướng từ kiếp trước”, ông cho biết.

Vào năm 2017, ông Budha Magar đã trở thành người cụt trên cả hai đầu gốiđầu tiên lên đến đỉnh Mera, đỉnh leo núi cao nhất của Nepal (6.476 mét). Ông cũng đã leo lên đỉnh Mont Blanc (4.810 mét) ở biên giới Pháp – Ý và Kilimanjaro (5.895 mét) ở Tanzania. Năm ngoái, ông đã từ bỏ nỗ lực leo lên một ngọn núi của dãy Himalaya, núi Himlung (7.126 mét), sau khi một người trong nhóm của ông đổ bệnh và cả đoàn gần như bị chôn vùi trong tuyết.

Sinh ra trong một chuồng bò ở một vùng xa xôi của Nepal, ông Budha Magar kết hôn năm 11 tuổi, trở thành cha ở tuổi 17. Ông rời Nepal năm 19 tuổi, là một trong 230 người Nepal được chọn gia nhập quân đội Anh từ 10.000 ứng viên, sau khi bị thu hút bởi mức lương hấp dẫn.

Ông đã phục vụ trong 15 năm nhưng khi đang tuần tra ở Afghanistan vào tháng 4/2010, ông đã giẫm phải một thiết bị nổ tự chế. Vụ nổ đã khiến ông bị cụt chân, ông đã trải qua ít nhất 18 tháng trầm cảm, thậm chí còn có ý định tự tử. Rồi một ngày, một tổ chức từ thiện dành cho cựu chiến binh (Battle Back), cho ông cơ hội trải nghiệm nhảy dù. “Đó là bước ngoặt lớn đối với tôi, đặc biệt là đối với sự tự tin của tôi”, ông nói.

Cựu chiến binh cụt hai chân chinh phục đỉnh Everest ảnh 2

Ngoài việc thúc đẩy cơ thể chính mình, ông Budha Magar muốn thay đổi nhận thức về khuyết tật

“Tôi nghĩ: Một nửa cơ thể của tôi đã biến mất, nếu nửa kia cũng ra đi thì đã làm sao. Trong quân đội, chúng tôi có câu nói: “Thà chết còn hơn làm kẻ hèn nhát”, vì vậy tôi không thể hèn nhát. Và khi chúng tôi đáp xuống mặt đất, tôi nhận ra rằng ngay cả khi không có chân, bạn vẫn có thể làm được rất nhiều điều”.

Ông Budha Magar nhận ra rằng chính tâm trí lại là thứ đang kìm hãm ông. “Tôi không hề biết tâm trí có sức mạnh như thế nào. Tôi từng nghĩ mọi thứ đều xoay quanh sức mạnh thể chất. Nếu chúng ta chuyển hướng suy nghĩ, cơ thể của chúng ta sẽ làm theo”, ông chia sẻ.

Ông bắt đầu chơi thể thao - chèo thuyền kayak, chơi gôn, bắn cung, bóng bàn - trước khi chuyển hướng sang leo núi. Không lâu sau, giấc mơ thời thơ ấu được leo lên đỉnh Everest lại trỗi dậy và ông bắt đầu tập luyện một cách nghiêm túc để chinh phục đỉnh núi vào năm 2018. Nhưng, vào cuối năm 2017, Bộ du lịch Nepal đã cấm những người leo núi một mình, người mù và người cụt hai chân leo lên đỉnh Everest với mục đích giảm số người thiệt mạng trên núi.

Ông Budha Magar đã dẫn đầu một chiến dịch lật ngược lệnh cấm, đến Geneva để phát biểu trước Liên hợp quốc và trích dẫn Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. “Bạn không thể lấy đi quyền của bất kỳ ai chỉ vì họ khác biệt”, ông nói.

Nhưng liệu ai cũng có quyền leo lên đỉnh Everest, nơi đang trở nên đông đúc đến mức nguy hiểm và ngày càng nhiều rác trong mùa leo núi ngắn ngủi? “Đúng vậy. Mọi người đều nên có quyền”, ông Budha Magar khẳng định. Ông tin rằng điều quan trọng là sự chuẩn bị và đảm bảo rằng ông không khiến bất kỳ ai khác gặp nguy hiểm. “Tôi cần đảm bảo rằng mình không làm chậm mọi người cùng đoàn”, ông nói.

Hiện đang sống ở thành phố Canterbury (Anh) cùng vợ và hai con trai của họ, cũng như cô con gái 26 tuổi từ cuộc hôn nhân đầu tiên, ông Budha Magar đã được quyên góp hơn 200.000 Bảng (5,6 tỷ VND) cho nỗ lực chinh phục đỉnh Everest của mình. Nếu ông có thể tìm được 100.000 Bảng (2,8 tỷ VND) tài trợ khác, ông sẽ tới Nepal vào mùa xuân cùng với cựu vận động viên leo núi Krishna Thapa, trưởng đoàn thám hiểm của ông.

Họ sẽ đi cùng với tám người Sherpa để mang theo bình dưỡng khí và các thiết bị khác, thay vì một hoặc hai người như thông thường, và lên kế hoạch cho năm hoặc sáu trại giữa đường, thay vì bốn trại như thông thường. Như thế này không phải là quá nhiều, ông Budha Magar nhấn mạnh. “Ông Edmund Hillary và ông Tenzing Norgay có 10 trại và 500 người khuân vác”, ông nhắc vê những người đàn ông đầu tiên leo lên đỉnh Everest.

Theo headtopics.com
MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.