Bạn kiên quyết không làm gì khác ngoài chuyên môn của mình và công việc mình được giao
Bạn chỉ làm đúng việc mình được giao theo thỏa thuận ban đầu trong bản hợp đồng lao động: Bạn là kế toán thì chỉ làm phần việc của kế toán, bạn làm biên tập viên thì chỉ làm biên tập viên, bạn là nhân viên của phòng marketing thì chỉ làm đúng việc của một nhân viên marketing… Không sai! Nhưng nếu sếp giao thêm việc cho bạn, ở mảng nào đó mới mẻ và bạn chưa từng làm, bạn lập tức từ chối vì e ngại mình không đủ khả năng hay sợ sếp “bóc lột” là bạn đang từ chối việc trau dồi thêm kĩ năng cho bản thân mình. Và điều đó cũng có nghĩa là bạn đã từ chối cơ hội để sếp thấy bạn không ngại dấn thân, không ngại học hỏi, không ngại cầu tiến.
“Tại sao tôi lại phải giúp đỡ hay làm giúp phần việc của người khác trong khi lương của họ họ được hưởng trọn vẹn mà?”
Bạn luôn thắc mắc trong ấm ức như vậy, nhưng lại không chịu đi tìm câu trả lời. Tại sao bạn phải hỗ trợ người khác và phần việc ấy không được tính lương? Vì khi bạn gặp trục trặc hay khó khăn, chắc chắn đồng nghiệp sẽ hỗ trợ bạn mà không đòi chia lương chi tiết. Tại sao bạn phải làm giúp phần việc của người khác khi họ đi vắng hoặc không có khả năng đảm nhiệm? Vì đó là cơ hội để bạn “nâng cấp” bản thân, vượt qua giới hạn mà bấy lâu nay bạn luôn tự đặt ra cho chính mình.
Bạn vì sợ thiệt thòi mà chỉ nhìn thấy bất công, không nhận ra cơ hội, luôn từ chối tất cả những công việc được mặc định là “Không phải việc của mình”. Và thế là cơ hội thăng tiến cũng rời xa. Tại sao sếp phải thăng tiến cho bạn khi chính bạn đã liên tục từ chối cơ hội để lên một vị trí khác cao hơn?
Hãy làm việc với một tư duy và một trái tim cởi mở
Đừng biến công sở thành cái hộp kín mít và tự nhốt mình trong đó, cũng đừng quá hoài nghi và bất an khi cho rằng bạn đang bị trục lợi, bị bóc lột… Khi còn trẻ, hãy nhiệt tình để ai đó “bóc lột” bạn. Tùy vào góc nhìn của bạn thôi. Hãy tìm ra cái bạn học được, thay vì chỉ săm soi vào những cái bạn bị mất đi. Trên đời này chẳng có bài học nào là miễn phí cả, bạn đều phải trả phí bằng cách này hay cách khác, bằng cái này hay cái khác. Có “phí” tính bằng tiền bạc, có “phí” tính bằng thời gian, có “phí” tính bằng mồ hôi, có “phí” tính bằng chất xám… Đừng so đo, toan tính quá nhiều. Có nhiều cơ hội bạn không thể nhìn thấy được đâu, nếu bạn không gật đầu nhận làm và đôi chân không chịu bước.
Cho nên, bạn có thể thay thế câu hỏi “Tại sao sau bao năm đi làm, tôi mãi dậm chân tại chỗ?” bằng câu hỏi “Tại sao bao năm đi làm, tôi không chịu “nâng cấp” bản thân?”. Nên nhớ, mọi vấn đề chủ yếu đều xuất phát từ phía bạn. Cơ hội không bao giờ chịu đến với những người luôn mở miệng nói “Xin lỗi, đó không phải việc của tôi”.