Rửa tay và làm sạch mặt thật kỹ trước khi trang điểm
Nhiều bạn có thói quen dùng tay tán phấn nền, kem dưỡng lên mặt thay vì dùng các dụng cụ khác như bông phấn, miếng mút... Tay không sạch tiếp xúc với bề mặt da, vô hình chung đã mang đến cả đống vi khuẩn cho cơ thể bạn rồi đấy!
Hình thành thói quen sử dụng dụng cụ mỹ phẩm
Dùng dụng cụ như chổi, cọ, mút trang điểm... sẽ giúp việc trang điểm sạch hơn, an toàn hơn. Cách này đặc biệt hữu ích với những sản phẩm dạng hũ. Bạn đừng bao giờ nhúng tay trực tiếp vào sản phẩm. Và hãy nhớ dù dùng đồ trang điểm dạng kem hay phấn bột, cũng luôn dùng chổi cọ để lấy sản phẩm và tán đều.
Kiểm tra thời hạn của mỹ phẩm
Thông thường một cây son có hạn sử dụng khá dài, tầm 3-5 năm. Nhưng khi đã mở ra rồi thì bạn chỉ nên dùng nó lâu nhất trong vòng một năm mà thôi. Ghi lại ngày “bóc tem” các đồ mỹ phẩm của mình trong cuốn sổ tay không phải là việc thừa đâu nhé!
Định kỳ làm sạch các dụng cụ trang điểm:
+ Với các loại cọ, cách an toàn nhất là dùng dung dịch làm sạch được bán trong các shop/ cửa hàng bán mỹ phẩm. Nếu không sẵn, bạn có thể sử dụng dầu gội đầu, dấm, sữa rửa mặt dạng bọt...
Các bước vệ sinh cọ từ dầu gội đầu:
Bước 1: Đổ một muỗng dầu gội vào một tô nhỏ, sau đó thêm vào nước ấm để hòa tan và tạo bọt. Nhúng từng cây cọ vào tô, khuấy nhẹ dưới đáy tô để loại bỏ các cặn mỹ phẩm. Để nguyên cọ trong tô và tiếp tục thực hiện tương tự với những cây cọ khác.
Bước 2: Ngâm cọ trong 5 - 10 giây.
Bước 3: Đặt từng cây cọ dưới nước lạnh để rửa sạch các tạp chất còn sót lại và làm mềm lông cọ.
Bước 4: Nếu cọ bị mất dáng ban đầu, bạn có thể ấn lông cọ vào giữa các ngón tay đến khi cọ trở về hình dạng bình thường.
+ Với bông phấn, ngoài nước gội đầu, bạn có thể sử dụng dung dịch rửa tay, xà bông trung tính.
+ Với cọ đánh môi: Sau mỗi lần sử dụng, nên đặt cọ môi vào trong lòng tờ giấy ăn, chuốt thật kỹ để phần son thừa lem ra giấy, không đọng lại trên cọ gây cứng cọ nữa.
Chú ý quan sát các dấu hiệu “xuống cấp” của dụng cụ trang điểm để thay kịp thời
Dễ nhận thấy nhất là khi cọ bị rụng lông, bị bết; hay màu mắt không dình vào bút/ chổi, thay vào đó rơi lem nhem xuống gò má...
Hạn chế dùng chung mỹ phẩm
Đặc biệt là dùng chung các dụng cụ trang điểm. Yếu tố, thể trạng của mỗi người không ai giống ai, nên nếu dùng chung dụng cụ trang điểm cũng như mỹ phẩm, vô hình chung, bạn có thể rước vào người những bệnh lây nhiễm, các vi khuẩn virus gây hại cho da cũng như cho cơ thể bạn.
Mỗi lần sử dụng xong, bạn hãy đóng nắp thật chặt để vi khuẩn không xâm nhập được vào và giữ gìn tuổi thọ cho sản phẩm. Việc cẩn thận là không hề thừa, kể cả đối với những chiếc chổi cọ.
THẢO ANH