Thành phố Đà Lạt xưa nay vẫn được xem là "độc" nhất Việt Nam với tên gọi “thành phố 3 không”: Không máy lạnh, không xích lô và đặc biệt nhất là không đèn giao thông.
Chính nhờ nét độc đáo này cùng bầu không khí mát mẻ pha màu sắc hoài cổ trong cảnh quan mà Đà Lạt luôn đứng trong Top 3 địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam.
Tuy vậy, nhiều năm gần đây, Đà Lạt luôn trong tình trạng ùn tắc giao thông gần như mỗi ngày vì lượng du khách đổ về ngày càng đông đúc, đặc biệt là trong các ngày lễ và mùa du lịch.
Chính vì vậy, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đang đề xuất kế hoạch lắp đèn giao thông tại những địa điểm dễ bị ùn tắc để đảm bảo trật tự và an toàn cho cả người dân lẫn du khách. Ý kiến này hiện đang dấy lên nhiều luồng ý kiến trái ngược. Có người ủng hộ vì “an toàn giao thông” của Đà Lạt, nhưng có người lại phản đối với lý do: Cần “giữ nét đẹp riêng” cho thành phố mộng mơ.
Những bạn phản đối nêu ý kiến: “Mình đã quen với nếp sống không đèn giao thông trước giờ nên không thích chuyện này lắm!” - Băng (15 tuổi, người Đà Lạt).
Trinh (24 tuổi, người Đà Lạt) thì cho rằng với địa hình Đà Lạt, lắp đèn giao thông thậm chí có thể gây nguy hiểm: “Nếu phải dừng đèn đỏ ngay dốc mà không thắng kịp thì không hay, là xe hơi thì lại càng “chết” nữa. Đà Lạt không nên lắp đèn giao thông.”
Đa phần các ý kiến phản đối đều không muốn Đà Lạt sẽ trở thành một phiên bản "đô thị lớn" như TP.HCM, Hà Nội; từ đó mất đi nét đẹp đặc trưng của phố núi. “Việc khách du lịch đã đông nay lại còn lắp thêm đèn giao thông khiến Đà Lạt trông chẳng khác gì Sài Gòn thường ngày.” - Chính, 23 tuổi chia sẻ.
“Mình cảm thấy người Đà Lạt chạy xe bình thường và hay nhường nhau. Chỉ có khách du lịch mới hay đi kiểu “khác người” thôi. Không cần thiết đèn giao thông làm gì mà nên xử lý nghiêm người đi sai luật thì hơn.” - Trân (23 tuổi, người Đà Lạt) cho biết.
Trong khi đó, không ít bạn ủng hộ việc lắp đèn giao thông, nhưng chỉ nên lựa chọn một số điểm thực sự cần thiết. “Mỗi lần mình đi học về rất hay bị kẹt xe ở gần trường Bùi Thị Xuân (gần vòng xoay Ngã 5 Đại Học). Lắp cũng hay.” - Duy (15 tuổi, người Đà Lạt) cho biết.
“Nên lắp ở các bùng binh lớn, nhưng chỉ nên bật vào giờ cao điểm thôi.” Châu (22 tuổi, người Đà Lạt) phản hồi quan điểm của bạn Duy.
Là một du khách, Uyên (23 tuổi, đến từ Huế) cảm thấy việc lắp đèn giao thông tại Đà Lạt là cần thiết: “Không chỉ lưu lượng xe nhiều mà cả việc khách du lịch đông đúc qua đường cũng gây hỗn loạn giao thông nữa. Nội thời gian chờ khách du lịch qua đường thôi cũng như chờ đèn đỏ rồi. Có đèn đỏ thì vẫn an toàn hơn.”
Loạt ý kiến trên cho thấy, ý tưởng lắp đèn giao thông tại thành phố yên bình này còn đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, không chỉ từ những du khách yêu Đà Lạt mà còn chính từ những người dân địa phương vốn đã quen nếp sống yên ả thường ngày. Tuy nhiên bên cạnh đó, ý tưởng này cũng được chính rất nhiều người Đà Lạt ủng hộ để tránh tình trạng hỗn loạn giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Tình trạng giao thông nhức nhối hiện nay tại Đà Lạt là việc quá tải xe ô tô. Không chỉ những chiếc xe khách lớn hay lượng xe taxi tăng vọt để phục vụ nhu cầu đi lại của khách du lịch mà cả việc ngày càng nhiều người sử dụng “xế hộp” riêng hoặc xe máy cá nhân để di chuyển tới Đà Lạt, gây tăng đột biến lưu lượng phương tiện giao thông di chuyển tại thành phố nổi tiếng với những con đường nhỏ thơ mộng này.
Thêm vào đó, rất nhiều du khách vô ý thức đi xe ngược chiều, không theo trật tự hoặc đi bộ tràn ra lòng đường khiến tình hình giao thông trở nên ngày một tồi tệ, nhất là vào khoảng thời gian chiều tối.
Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì rất có thể, kế hoạch lắp đặt đèn giao thông tại Đà Lạt sẽ thực sự được thi hành nhằm bảo đảm an toàn cho cả người dân địa phương và khách du lịch. Tuy nhiên, thực tế triển khai thế nào chắc chắn đòi hỏi các cơ quan chức năng xem xét kỹ lưỡng vì lý do địa hình (nhiều dốc, diện tích đường đi hẹp, nhiều khúc cua nguy hiểm) cũng như yếu tố bảo tồn nét đẹp riêng có của thành phố ngàn hoa.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến phản biện đáng xem xét như, kế hoạch này không thực sự cần thiết nếu ban lãnh đạo thành phố có một hướng đi khác thỏa đáng hơn để giải quyết tình trạng nhức đầu trên mà không làm mất đi nét văn hóa “3 không” đặc trưng của Đà Lạt. Và để làm được như vậy, không chỉ mỗi các lãnh đạo cần hành động mà tự các du khách cũng nên “kiềm chế” sự “ham vui” tới mức “vô ý tứ” lại nếu không muốn mất đi vẻ mộng mơ mà họ yêu thích của thành phố.