Đặc sắc chiếc khăn Chăm

Phụ nữ Chăm quấn khăn che kín mặt. Ảnh: Hòa Hội
Phụ nữ Chăm quấn khăn che kín mặt. Ảnh: Hòa Hội
TP - Chiếc khăn quấn quanh đầu phụ nữ Chăm trở thành biểu tượng, nét đẹp đặc trưng văn hóa của đồng bào Chăm không chỉ của An Giang nói riêng mà cả vùng Nam Trung bộ.

Đến làng Chăm Đa Phước ở xã Đa Phước (An Phú, An Giang) vào buổi sáng sớm hay chiều mát bắt gặp nhiều người ở ven hai bên đường buôn bán, sinh hoạt… đặc biệt là phụ nữ Chăm, mỗi người mỗi vẻ với trang phục đầy màu sắc và chiếc khăn che kín phần tóc, cổ, chỉ để lộ những khuôn mặt trắng ngần, đôi mắt to tròn, nụ cười e ấp luôn nở trên môi. Chị Sa Ly hah ở xã làng Chăm Đa Phước, quấn khăn che kín đầu đẩy xe bánh mì đi bán quanh xóm. Chị cho biết, đó là phong tục, không chỉ phụ nữ mà ngay cả có chồng vẫn phải đội mũ che tóc, quàng khăn vì nếu để người đàn ông khác nhìn thấy, coi như mang tội với chồng. Còn chị Ây Sah cho biết thêm, chiếc khăn choàng không cảm thấy khó chịu mà ngược lại mang vẻ đẹp riêng của dân tộc mình, hơn nữa còn giúp tránh được nắng nóng.

“Phụ nữ khi đi ra đường càng kín đáo thì càng được người khác quý trọng. Còn nếu người phụ nữ không có khăn che mặt, tóc bị coi là có tội”.

TS. Phú Văn  Hẳn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ

(Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam)

TS. Phú Văn  Hẳn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, chiếc khăn choàng quấn quanh đầu phụ nữ Chăm hay còn gọi là chiếc khăn Ma om. Người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên phụ nữ Chăm là trung tâm lưu giữ nét văn hóa đặc sắc, trong đó có áo dài Chăm truyền thống với chiếc khăn choàng. Với phụ nữ Chăm, chiếc khăn giúp che trọn mái tóc dài đen óng, tạo nên vẻ kín đáo cho phụ nữ Chăm mộc mạc, duyên dáng. “Phụ nữ khi đi ra đường càng kín đáo thì càng được người khác quý trọng. Hơn nữa, danh dự người phụ nữ phụ thuộc vào phẩm giá, tiết hạnh của mình. Vì thế, phụ nữ phải ăn mặc hết sức kín đáo nơi công cộng. Còn nếu người phụ nữ không có khăn che mặt, tóc bị coi là có tội”, TS Hẳn nói.

Ông Đoàn Bình Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết, người Chăm sống hòa thuận với cộng đồng người Kinh, Hoa, Khmer. Họ sinh hoạt, học tập để phát triển kinh tế nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Hiện nay, phụ nữ còn phải lo kinh tế, cần sự gọn gàng trong giao tiếp nên tiến bộ hơn, chỉ cần đội nón, choàng khăn… che đi mái tóc của mình là được, không nhất thiết phải trùm kín hết.

Thứ trưởng Bộ VH&TTDL Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, văn hóa dân tộc Chăm là bộ phận không thể tách rời của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chăm luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm bảo tồn và phát huy. Các lễ hội đặc sắc gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, lao động sản xuất được duy trì và phát huy trong cộng đồng, trở thành nét đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc Chăm.

MỚI - NÓNG