Đại biểu Quốc hội: Xã hội hóa mà sao sách giáo khoa ngày càng tăng giá?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về sách giáo khoa, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu nghịch lý “xã hội hóa lẽ ra sách giáo khoa phải hạ giá nhưng thực tế càng ngày lại càng tăng giá”.

Sáng 8/11, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về đổi mới sách giáo khoa, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thừa nhận việc xã hội hóa nhằm thu hút nhân tài, các chuyên gia, nhà khoa học biên soạn sách giáo khoa, phát triển trí não của học sinh.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn với nghịch lý “xã hội hóa lẽ ra sách giáo khoa phải hạ giá nhưng thực tế càng ngày lại càng tăng giá”. Theo vị đại biểu đoàn Đồng Tháp, Nghị quyết 88 và 122 của Quốc hội không quy định Bộ GD-ĐT không được biên soạn sách giáo khoa.

“Phụ huynh nói vui là mỗi năm đến hè học sinh man mác buồn, nhưng mỗi năm đến trường là phụ huynh man mác buồn, vì sách giáo khoa tăng giá”, ông Hòa bày tỏ.

Đại biểu Quốc hội: Xã hội hóa mà sao sách giáo khoa ngày càng tăng giá? ảnh 1

ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Như Ý

Từ đó, đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị Bộ GD-ĐT nên biên soạn sách giáo khoa để cạnh tranh với các đơn vị khác. Trong trường hợp cần thiết Nhà nước định giá, trợ giá cho bộ sách giáo khoa. “Tiến tới Nhà nước có thể không thu phí sách giáo khoa, không thu học phí", ông Hòa đề nghị.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, giá sách giáo khoa khi xã hội hóa chưa rẻ như mong muốn. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm thẩm định về mặt chuyên môn, còn vấn đề tài chính thì duyệt giá trên cơ sở kê khai của các nhà xuất bản.

Về vấn đề biên soạn sách giáo khoa của Nhà nước, Bộ trưởng cho biết đã bày tỏ đầy đủ quan điểm về vấn đề này trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại Kỳ họp.

Trước đó, trong phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội, việc Bộ GD&ĐT có nên biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không trở thành một chủ đề “nóng” gây nhiều tranh luận giữa các các đại biểu Quốc hội.

Tại cuộc tranh luận này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhắc lại nội dung trong Nghị quyết 88 và khẳng định đó là nghị quyết gốc và yêu cầu Bộ GD&ĐT làm một bộ SGK. “Cần phải có một bộ SGK để chúng ta hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống”, bà Hoa nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khẳng định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không hề có khái niệm nghị quyết gốc, và cũng không phân biệt cấp độ các nghị quyết của Quốc hội. Bà Thúy cho rằng, thay vì tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thì Bộ GD-ĐT nên tập trung chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Trước các tranh luận trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng của các sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới. “Còn vấn đề được giao, chúng tôi sẽ có nghiên cứu đề xuất và cố gắng trong 1, 2 năm tới, khi chu trình đổi mới sách được hoàn tất, sẽ có những đánh giá sâu và đề đạt phương án với Quốc hội”, Bộ trưởng cho hay.

MỚI - NÓNG