“Đại dương cuối đường làng”: Thế giới nơi không ai thực sự là người lớn của Neil Gaiman

“Đại dương cuối đường làng”: Thế giới nơi không ai thực sự là người lớn của Neil Gaiman
HHT - “Thật ra thì không có người lớn nào hết. Không một ai, trên khắp thế giới rộng lớn này.” Trích từ “Đại dương cuối đường làng”.

Neil Gaiman là một tác giả được mệnh danh là “ngôi sao nhạc rock” của văn học thiếu nhi thế giới. Tác phẩm đạt nhiều giải thưởng nhất của ông là Coraline - đã từng được dựng thành bộ phim hoạt hình cùng tên. Đại dương cuối đường làng là cuốn tiểu thuyết dành cho người lớn đầu tiên của ông sau gần một thập kỉ.

“Đại dương cuối đường làng”: Thế giới nơi không ai thực sự là người lớn của Neil Gaiman ảnh 1

Ảnh Tumblr: cat-thecatlady.

“Công thức” viết yêu thích của Neil Gaiman có thể mường tượng như thế này: một chút ma thuật, một chút thực tế, một chút triết lý, nhưng không có phần nào nhiều hơn phần nào, để tác phẩm không quá mơ mộng, cũng không quá khô cứng, và không quá giáo điều. Thêm một xíu sắc màu kinh dị, nhưng cũng không được quá tay, để độc giả cảm thấy một chút phấn khích, hơi căng thẳng, là đủ. Nghe thì dễ, mỗi nguyên liệu một tí là được, nhưng thực tế phong cách của Neil Gaiman rất khó sao chép, rất riêng biệt, và hết sức mê hoặc. Coraline đã được tạo ra thành công bởi công thức đó, và Đại dương cuối đường làng cũng vậy.

“Đại dương cuối đường làng”: Thế giới nơi không ai thực sự là người lớn của Neil Gaiman ảnh 2

Ảnh Tumblr: trinareadsbooks.

“Đó chỉ là một cái ao vịt nằm phía sau trang trại. Nó không lớn lắm.

Lettie Hempstock gọi nó là đại dương, nhưng tôi biết gọi như thế thì thật ngớ ngẩn. Cô bé nói họ từng từ vùng đất xưa vượt đại dương đến đây.

Mẹ Lettie nói cô bé nhớ không đúng vì chuyện đó xảy ra đã lâu, mà dù sao thì vùng đất xưa ấy cũng đã chìm rồi.

Bà Hempstock, bà của Lettie, nói cả hai người đều sai, chỗ bị chìm đó không phải là vùng đất xưa đích thực. Bà nói bà còn nhớ vùng đất xưa đích thực.

Bà nói vùng đất xưa đích thực nổ tung rồi.”

Đại dương cuối đường làng đã mở đầu một cách đầy hư ảo như thế. Để dẫn dụ người đọc vào một câu chuyện khó quên. Nơi mà vào một ngày xám xịt vẫn có những bông thủy tiên vàng sáng, hoa lăng ba tiên tử, hoa loa kèn đậm. Nơi mà bên cạnh bọn sâu mọt khiến ta kinh sợ, vẫn có một trang trại khiến ta an tâm. Nơi mà bóng tối và ánh sáng đều ở trên một cái cân vô hình, thứ này giữ cho thứ kia tồn tại.

“Đại dương cuối đường làng”: Thế giới nơi không ai thực sự là người lớn của Neil Gaiman ảnh 3

Ảnh Tumblr: thewhisperingpages.

Nhân vật chính của câu chuyện là một người đàn ông đã vào tuổi tứ tuần. Ông có việc trở lại vùng quê nơi mình đã từng sống thời còn bé. Và ông lái xe trong vô thức về cuối làng, để đến trang trại nhà Hempstock. “Tôi có cảm giác như đang chạy xe ngược dòng thời gian. Con đường làng vẫn hệt như tôi nhớ khi mà những thứ khác thì không.”

Kí ức tuổi thơ dường như mờ nhạt đi khi người ta đã trưởng thành. Có rất nhiều chuyện không thể giải thích được, rằng điều đó đã thực sự xảy ra khi người ta còn bé; hay vì do chuyện đó xảy ra khi người ta còn bé nên nó chỉ là một giấc mơ hư ảo, được thổi phồng lên, được tô vẽ bởi thứ gọi là tưởng tượng. Nhân vật chính đã giữ sự hoang mang đó trên suốt hành trình lái xe, cho đến khi ông đến trước trang trại Hempstock, cho đến khi ông ngồi bên trong căn nhà. Và rồi ông nhớ lại rất rõ ràng mọi chuyện, một chuyến phiêu lưu kì quái khi ông còn là một cậu bé.

“Đại dương cuối đường làng”: Thế giới nơi không ai thực sự là người lớn của Neil Gaiman ảnh 4

Ảnh Tumblr: books-and-cookies.

Khi đó, ông là một cậu bé mê đọc sách. Trong làng có một người đàn ông chết. Và cậu bé đã quen cô bé Lettie Hempstock 11 tuổi, nhưng chẳng biết cô bé 11 tuổi đã được bao nhiêu năm rồi. Trang trại nhà Hempstock có một cái ao vịt, nhưng Lettie luôn gọi nó là đại dương. Trăng ở trang trại Hempstock không giống với trăng ở bên ngoài trang trại Hempstock. Cô bé Lettie đã nói cho cậu bé biết cái chết của người đàn ông đó là điềm báo của một thế lực bóng tối đang âm mưu xâm chiếm thế giới thực tại. Thế lực ấy đội lốt một cô trông trẻ xinh đẹp, được lòng người lớn, tên là Ursula Monkton. Mụ ấy đã để lại một con đường chạy trốn bên trong trái tim của cậu bé. Sự xuất hiện của lũ sâu mọt, bọn hốt dọn. Kí ức có thể bị cắt bỏ và được khâu lại, như một tấm vải mềm, nhưng phải thật khéo để mọi thứ liền một mạch…

Những điều thật hoang đường, nhưng hoàn toàn rất thật.

“Đại dương cuối đường làng”: Thế giới nơi không ai thực sự là người lớn của Neil Gaiman ảnh 5

Ảnh Tumblr: shyannigans.

Điều khiến Đại dương cuối đường làng trở nên hấp dẫn chính là ở sự hư ảo đó. Mọi chuyện dường như đều không phải là thật, nhưng đều rất thật. Mọi chuyện dường như đều không hợp logic, nhưng lại không thể bắt bẻ ngược lại. Độc giả cũng giống như nhân vật chính, thấy mình hư ảo trước khi bước vào bên trong trang trại Hempstock, như độc giả nhíu mày ở phần đầu; nhưng mọi chuyện lại hết sức rõ ràng khi ông ở trong trang trại Hempstock, như khi độc giả ở chính giữa câu chuyện. Và khi người đàn ông đó rời khỏi trang trại Hempstock, khi độc giả khép cuốn sách lại, sẽ thấy những gì đã trải qua sao giống như một giấc mộng.

Có lẽ có một lời nguyền dành cho người lớn, đó là trái tim của họ sẽ mất đi phép màu để tiếp tục tin vào những điều hoang đường, nhưng hoàn toàn có thật. Nhưng cũng rất kỳ diệu, bằng một cách nào đó, khi cần, trái tim họ sẽ lại khôi phục được phép màu đó. Như nhân vật chính luôn biết mình cần phải đi đâu để về lại trang trại Hempstock, khi ông cần, cho dù chính bản thân ông còn chẳng rõ vì sao mình biết, hay vì sao mình lại cần.

“Đại dương cuối đường làng”: Thế giới nơi không ai thực sự là người lớn của Neil Gaiman ảnh 6

Ảnh Tumblr: coffeebooksandaliens.

“Thỉnh thoảng cháu có quay lại,” bà nói. “Ta còn nhớ ngày cháu hai mươi bốn tuổi, cháu có đến đây. Cháu có hai đứa con nhỏ, và cháu rất sợ hãi. Cháu cũng lại đến đây trước khi bỏ vùng này mà đi: lúc ấy cháu, sao nhỉ, độ ba mươi mấy chăng? Ta cho cháu ăn một bữa ngon lành trong bếp, rồi cháu kể ta nghe về những ước mơ và thứ nghệ thuật cháu đang làm.”

“Con không nhớ.”

Bà hất tóc lòa xòa trên mắt. “Vậy thì dễ dàng hơn.”

MAO LƯƠNG

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

HHT - “Công xưởng xanh của Apolenka” là một cuốn sách tuyệt đẹp. Không chỉ bởi các bức tranh với sắc xanh diệu kỳ tưởng như đang ở thế giới cổ tích, mà còn vì câu chuyện được kể rất ấm áp. Không những thế, cuốn sách còn mang đến cho các bạn nhỏ những hiểu biết thú vị về một nghề truyền thống ở nước Séc xa xôi.