Đại hội đồng AIPA-42: Việt Nam đề xuất cơ chế hợp tác, giám sát an ninh mạng

0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp Ủy ban Chính trị
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp Ủy ban Chính trị
TPO - Việt Nam đề nghị các Nghị viện AIPA thúc đẩy chia sẻ thông tin trong hoàn thiện chính sách, giám sát triển khai an toàn an ninh mạng và các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ chống lại đại dịch.

Sáng 24/8, trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA-42, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà dẫn đầu đã tham dự Phiên họp của Ủy ban Chính trị, đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất cụ thể về hợp tác an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu trong ASEAN, thúc đẩy an ninh con người, thúc đẩy ngoại giao nghị viện.

Phiên họp của Ủy ban Chính trị đã xem xét, cho ý kiến cụ thể về các dự thảo Nghị quyết: Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN; Thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN; Tăng cường ngoại giao nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN; Sự hỗ trợ của nghị viện về tình hình Myanmar.

Nêu ý kiến tại phiên làm việc, đoàn Việt Nam đề xuất thành lập các cơ chế hợp tác khu vực qua kênh nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm trong hoàn thiện chính sách, giám sát triển khai an toàn an ninh mạng và các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ chống lại đại dịch. Đồng thời tiếp tục duy trì hợp tác quốc tế, với tinh thần thống nhất nhận thức chung và hành động của cộng đồng ASEAN đối với an ninh mạng, hướng tới một khuôn khổ hợp tác khu vực để tạo thuận lợi cho phối hợp bảo đảm an ninh mạng.

Đoàn Việt Nam nêu rõ, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng (năm 2018), đặt nền móng pháp lý chính thức đầu tiên điều chỉnh các vấn đề trong lĩnh vực an ninh mạng Việt Nam cũng rất coi trọng bảo vệ quyền riêng tư của công dân trên không gian mạng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và xây dựng Chính phủ điện tử.

Việt Nam cũng có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về đảm bảo an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong ASEAN, hợp tác giữa ASEAN và các đối tác lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhờ quyết tâm chính trị và những nỗ lực của Việt Nam, Việt Nam có một hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng cơ bản đầy đủ.

Đối với dự thảo Nghị quyết về thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN, thông điệp được đặt ra là xã hội bao trùm về số phải giải quyệt được khoảng cách về số, kỹ năng giữa những người được sử dụng intenet, công nghệ và những người chưa có điều kiện tiếp cận. Do đó nghị viện có thể đóng vai trò trong vấn đề này thông qua xem xét các chính sách để điều chỉnh, có khuôn khổ để cộng đồng sẵn sàng truy cập và hưởng lợi từ kỷ nguyên số.

Về vấn đề này, đoàn Việt Nam khuyến nghị thúc đẩy hiểu biết chung về khái niệm và cách tiếp cận an ninh con người, trên cơ sở cần đảm bảo tuân thủ Hiến chương ASEAN, Tuyên bố ASEAN về nhân quyền và các văn bản khác có liên quan. Đặc biệt, trước đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến an ninh con người, Việt Nam đề nghị các Nghị viện AIPA thúc đẩy chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng chống đại dịch, kiểm soát lây lan dịch bệnh, cũng như các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Những chia sẻ dữ liệu và công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực này cũng góp phần bảo đảm an ninh con người, trong đó Việt Nam cũng có thể chia sẻ các kinh nghiệm trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ truy vết và cảnh báo, quản lý dãn cách, quản lý tiêm chủng...

Các Đoàn nghị viện thành viên AIPA cũng nhất trí cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang đặt ra những thách thức mới về bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng. An ninh mạng là động lực để các quốc gia tận dụng lợi ích của số hóa với phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ nền dân chủ và quyền con người.

MỚI - NÓNG