Đại hội VFF và lá phiếu thành viên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đại hội nhiệm kỳ 9 Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có thể không nóng bỏng như các kỳ trước, nhưng không vì thế việc bầu cử giảm vai trò quan trọng. Khi các ghế lãnh đạo chủ chốt hứa hẹn không nhiều bất ngờ, việc lựa chọn thành viên BCH trở nên cần thiết hơn.

Tổng cục TDTT mới đây cho biết sẽ sớm họp lấy ý kiến đồng ý với đề xuất của VFF, để quyền Chủ tịch Trần Quốc Tuấn ra ứng cử ghế chủ tịch nhiệm kỳ 9. Ông Tuấn được 100% tổ chức thành viên tín nhiệm và chỉ cần đơn vị chủ quản phê duyệt sẽ chính thức được tranh cử.

Diễn biến cho thấy ghế chủ tịch VFF sắp tới gần như không có bất ngờ nào khi ông Tuấn đang là ứng viên duy nhất, nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các tổ chức thành viên.

Bên cạnh quyền Chủ tịch Trần Quốc Tuấn, dàn lãnh đạo đương nhiệm VFF gồm Phó chủ tịch Cao Văn Chóng (truyền thông-đối ngoại), Lê Văn Thành (tài chính-tài trợ) đều sẽ tái tranh cử.

Một gương mặt khác, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú thậm chí được giới thiệu cả 2 vị trí phó chủ tịch phụ trách tài chính và phó chủ tịch chuyên môn.

Qua tham khảo một số thành viên kỳ cựu, nhiều người không khỏi lo lắng về “chất lượng” các ứng viên, đặc biệt khi nhiều nhân sự cũ có khả năng nghỉ.

Đây là điều không bất ngờ nếu nhìn thực tế bóng đá Việt Nam các năm qua gặt hái được nhiều thành tích tốt, bộ máy VFF vận hành hiệu quả, trơn tru hơn.

Trong khi đó, những gương mặt khác cạnh tranh tại đại hội 9 hoặc chưa tạo được dấu ấn, còn quá mới mẻ, hoặc lại quá cũ để có thể tạo được sức bật.

Đơn cử ở vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính, ông Lê Văn Thành thể hiện vai trò kém nổi bật so với các đời tiền nhiệm, nhưng hiện cũng không vấp phải đối thủ nào quá mạnh. Trong số các ứng viên vị trí này, bầu Tú là người có khả năng lớn nhất đánh bại ông Thành. Tuy nhiên, hiện chưa rõ bầu Tú sẽ ứng cử vị trí nào.

Đại hội VFF và lá phiếu thành viên ảnh 1

BCH VFF cần đảm bảo đại diện cho đa số, tránh bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. Ảnh: Anh Đoàn.

Khi cuộc đua vào các ghế lãnh đạo chủ chốt không còn hứa hẹn hấp dẫn, người trong cuộc có thể bỏ qua một cuộc đua khác không kém phần quan trọng, là các vị trí trong BCH. Qua tham khảo một số thành viên kỳ cựu, nhiều người không khỏi lo lắng về “chất lượng” các ứng viên, đặc biệt khi nhiều nhân sự cũ có khả năng nghỉ.

BCH VFF trên thực tế là cơ quan quyền lực lớn nhất, có trách nhiệm quyết định những vấn đề trọng đại mang tính định hình với sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Thành phần BCH VFF vì vậy cần đảm bảo được tính đại diện cho đa số. Nhiều người đã khá ngạc nhiên khi nhiệm kỳ trước, trong 17 thành viên BCH VFF có đến 2 đại diện của Ban Trọng tài. Vấn đề ở đây là BCH hoạt động theo nguyên tắc đa số, việc một đơn vị chiếm tới 2 lá phiếu, đồng thời cử 2 đại diện vào cuộc họp có thể ảnh hưởng tới kết quả.

Nếu BCH VFF không thể đại diện cho đa số, các vấn đề trọng yếu của bóng đá Việt Nam có thể bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, ảnh hưởng về mặt lâu dài. Đây là câu chuyện rất đáng lưu tâm đối với lãnh đạo VFF trong quá trình hiệp thương, chuẩn bị tổ chức đại hội.

MỚI - NÓNG