Đắk Lắk - điểm đến đặc sắc, hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không chỉ đặc biệt quan trọng về vị trí địa lý, chiến lược, Đắk Lắk còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc thù, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong đó có Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đắk Lắk - điểm đến đặc sắc, hấp dẫn ảnh 1
Văn hóa cồng chiêng tại Đắk Lắk được chú trọng bảo tồn, phát huy. Ảnh: N.T

Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn

Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt (Quyết định 1747/QĐ-TTg), trong đó xác định phát triển du lịch toàn diện cả về phạm vi, quy mô, chất lượng nhân lực và dịch vụ, đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế.

Phương châm phát triển du lịch Đắk Lắk là “Ba quốc gia, Một điểm đến”. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan dựa trên nền tảng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia.

Theo Quy hoạch, Đắk Lắk sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo cấu trúc không gian “Một trọng điểm - Ba cực - Ba hành lang - Ba tiểu vùng”. Trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Lắk, vùng Tây Nguyên, đô thị đi đầu trong phát triển các ngành kinh tế mới, chuyển đổi số gắn với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, bản sắc trên nền tảng ứng dụng công nghệ số và quá trình chuyển đổi, tái cấu trúc các ngành kinh tế đô thị hướng vào chất lượng, bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.

Quy hoạch nêu rõ: Thành phố Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê của thế giới”, trung tâm đô thị vùng, trung tâm văn hóa, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào - Việt Nam, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp quốc tế.

Phát huy bản sắc văn hóa để phát triển du lịch

Trong năm 2023, du lịch trở thành điểm nhấn, gam màu sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh với tổng số khách đón tiếp đạt 1.295.000 lượt khách, tăng 29,56% so cùng kỳ 2022.

Đắk Lắk là mảnh đất sở hữu đa dạng văn hóa truyền thống vùng miền với 49 dân tộc anh em. Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể nổi tiếng, các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc bản địa, nơi đây còn là vùng đất của những lễ hội đặc trưng, đặc biệt Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã được công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia được tổ chức 2 năm một lần.

Cùng sở hữu Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh, nhưng Đắk Lắk là tỉnh duy nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên, đến nay đã có 5 nghị quyết của HĐND tỉnh, trong đó có 4 nghị quyết chính thức và 1 nghị quyết kéo dài thêm. Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt và cụ thể của HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đối với văn hóa cồng chiêng.

Đắk Lắk - điểm đến đặc sắc, hấp dẫn ảnh 2

Ban Mê ơi!” - Chương trình thời trang thổ cẩm đặc sắc của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk. Ảnh: N.T

Cụ thể, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 13/7/2007 và Nghị quyết số 63/2012/NQ-HĐND ngày 6/7/2012 về Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2007-2015. Trên cơ sở kết quả đạt được của hai nghị quyết này, ngày 30/8/2016, HĐND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục ban hành Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND về Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 với nhiều nội dung, giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện cam kết trong hồ sơ đệ trình UNESCO... Nghị quyết 16/2020/NQ-HĐND Về việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 30/8/2016 của HĐND tỉnh về Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND, ngày 17/12/2021 của HĐND tỉnh về Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022-2025.

Từ những nghị quyết trên, đặc biệt là hai Nghị quyết 05 và 10, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra những phương hướng, kế hoạch cụ thể, các địa phương, ban ngành bắt tay triển khai thực hiện một cách tích cực, hiệu quả.

Năm 2023, tăng trưởng và quy mô nền kinh tế của tỉnh cơ bản ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 60.792,3 tỷ đồng, tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực dịch vụ là điểm sáng nhất với tốc độ tăng trưởng 4,41%, đóng góp lớn nhất 1,90 điểm phần trăm. Điều đó thể hiện sự đóng góp tích cực của dịch vụ du lịch Đắk Lắk vào thành tựu chung của tỉnh.

MỚI - NÓNG