Dân mua đồ tích trữ, Tổng cục Quản lý thị trường lên tiếng

Sáng sớm 7/3, chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), cách phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) khoảng 10km, người dân đổ ra chợ mua sắm thực phẩm để tích trữ.
Sáng sớm 7/3, chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), cách phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) khoảng 10km, người dân đổ ra chợ mua sắm thực phẩm để tích trữ.
TPO - Ngày 7/3, Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, sau khi có thông tin về trường hợp thứ 17 nhiễm Covid-19, tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố gần Hà Nội có hiện tượng nhiều người dân mua tích trữ các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, với tình trạng mặt hàng vật tư, thiết bị y tế bảo vệ sức khỏe dùng cho việc phòng, chống dịch bệnh như nước sát trùng, dung dịch rửa tay... đặc biệt là khẩu trang y tế vẫn khan hiếm, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân kéo theo hiện tượng thu gom, mua vét, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Để góp phần ổn định cung cầu thị trường, bảo đảm quyền lợi của người dân, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo các Cục QLTT địa phương khẩn trương chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu.

Theo đó, các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh trong điều kiện thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh covid-19 sẽ được ưu tiên giám sát.

Việc kiểm tra sẽ được chú trọng tại Cục QLTT các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc.

Lực lượng QLTT địa phương cũng sẽ đặc biệt chú trọng việc phát hiện kịp thời để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng là hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh.

Trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

MỚI - NÓNG
Bình luận