Profile “sương sương” về nhân vật
Họ tên: Đặng Thụy Thảo Vy
Cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), hiện đang trong thời gian gap year.
Một số (trong rất nhiều) thành tích: 1 trong 12 Tài Năng Trẻ của TP.HCM năm 2018; Top 3 dự án xuất sắc của Việt Nam trong Cuộc thi Thử thách thương mại Quốc tế FEDEX 2018, JA Asia Pacific; Top 8 “Én Vàng học đường”; Giải Nhất cuộc thi Khoa học Kĩ thuật cấp thành phố 2018, cấp quốc gia 2016 - 2017, 2017 - 2018; Giải Nhất cuộc thi Dấn thân vào Khoa học 2018...
Định nghĩa lại khái niệm “giỏi”
Đối với mình, “giỏi” cũng như là “đẹp” hay “ngon” vậy. Mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau và tùy vào từng thời điểm khác nhau. Mọi người bảo mình giỏi vì thành tích mình nhiều, nhưng đó chỉ là do mình luôn sẵn sàng tham gia nhiều cuộc thi thôi, mà cho dù là thi nhưng không có giải thì cũng không có nghĩa là bạn không giỏi. Từ “giỏi” có thể dành cho bất cứ ai, miễn là họ sẵn sàng, chủ động và dám làm việc đó. Ví dụ bạn thi Văn nhưng không có giải, nhưng ít nhất bạn biết được mình thích Văn, bạn dám thử khi có cơ hội và đầu tư thời gian cho niềm yêu thích đó, vậy là giỏi!
Mặc dù Vy xuất phát là một học sinh chuyên Văn, nhưng ngoài một giải Ba môn Văn thành phố, phần còn lại thành tích của Vy đều tập trung về Khoa học. Kể từ sau cuộc thi đầu tiên tại Trường Hè Khoa Học Việt Nam tổ chức ở Quy Nhơn, mình đã từ một cô bé chưa có khái niệm rõ ràng đến bước được trang bị những kiến thức nền tảng đầu tiên, được kết nối với nhiều người cùng mối quan tâm khoa học.
Đặc biệt là lần đó mình đã được trải nghiệm những điều “đầu tiên”: Chuyến bay đầu tiên, lần đầu xa nhà, lần đầu phát biểu giữa hội trường lớn... Tất cả đều là một bước ngoặt lớn cho Vy, không chỉ trong việc tìm ra niềm đam mê của mình mà còn để khẳng định: Vượt qua mọi định kiến của xã hội và bản thân, mình làm được!
Chinh chiến ở nhiều cuộc thi khác nhau không chỉ để thể hiện mình “giỏi”, mà để giúp mình giỏi hơn, đặc biệt là trong việc hiểu về bản thân mình. Dù kết quả ở mỗi cuộc thi là thắng hay thua thì mình vẫn học được rất nhiều bài học quý giá về năng lực, đam mê, hạn chế của bản thân... trong lĩnh vực nhất định. Quan trọng nhất là biết điều làm mình cảm thấy thật sự hạnh phúc!
Hãy nuôi dưỡng và yêu thương sức khỏe tâm hồn mình
Từ đầu Vy tập Yoga thật ra là vì quan tâm đến vẻ đẹp thể chất, nhìn mấy chị vừa dẻo dai, mềm mại trông lại khỏe khoắn mình rất “ghiền”. Thế nhưng càng tập, càng đào sâu, được mọi người xung quanh chỉ dẫn, mình mới hiểu hơn về ý nghĩa tinh thần và tâm linh của môn này. Từ đó cô bạn cũng quan tâm nhiều đến sức khỏe tinh thần của mình hơn. Vy nghĩ rằng những thứ tiêu cực trên đời đều bắt nguồn từ sức khỏe không tốt. Là vì sức khỏe tinh thần không tốt nên cách nhìn mọi thứ trở nên “tối tăm”, ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất. Ngược lại, có cả trường hợp vì sức khỏe tinh thần tốt đã thực sự chữa lành được vết thương thể chất đấy!
Điều thú vị nhất chính là tính lây lan của những virus cảm xúc, tinh thần của mình. Cảm xúc và sức khỏe tinh thần có thể chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nhau dù là tích cực hay tiêu cực thông qua những tiếp xúc thông thường hằng ngày, thậm chí chỉ cần ngồi kế bên nhau thôi cũng có thể cảm nhận được. Vậy cho nên đây là yếu tố cần được chăm sóc cực kì kĩ lưỡng vì những dấu hiệu “kêu cứu” nhỏ của nó rất dễ bị bỏ qua. Hành vi làm tổn hại nó đôi khi cũng không được để ý, như khi bạn vô tình so sánh bản thân mình với ai khác chẳng hạn.
Chẳng cần một đôi giày tốt, cũng không cần chiếc thẻ phòng gym xịn, sức khỏe tinh thần chỉ cần được nuôi dưỡng và yêu thương bởi những suy nghĩ tích cực, thiền, hoặc làm mọi việc hằng ngày trong trạng thái tịnh tâm nhất!
Định kiến “dễ chịu” vì tự chúng ta có thể thay đổi
Hồi lớp 10 mình từng chắc cú rằng làm gì có cơ hội thi nghiên cứu Khoa học, các bạn bên Tự nhiên giỏi hơn nhiều. Đến tận lúc mình đã có giải Nhất rồi mọi người vẫn bảo là: “Chỉ là lĩnh vực Xã hội và Hành vi thôi mà”. Hồi lớp Bốn mình đi học võ, mọi người bảo: “Con gái học võ hèn chi tính tình như con trai, dáng thì sẽ “đô” cho coi.”. Bây giờ mình tập Yoga, mọi người lại bảo: “Nhìn yếu đuối điệu hạnh vậy chắc không làm được gì”.
Đối với mình, định kiến có hai loại, gồm những điều xã hội “dán” lên trán mình và những điều mình tự đặt ra. Trong xã hội, dù mình có làm gì đi nữa thì định kiến vẫn sẽ tồn tại. Vậy nên thay vì “xù lông” lại mỗi lần gặp định kiến, điều mình không thể nào làm cả đời, mình chọn cách bớt để tâm hơn. Một vấn đề sẽ trở nên ít quan trọng nếu chúng ta không dành nhiều sự quan tâm cho nó, thay vào đó cứ chú tâm vào những điều mình cảm thấy tốt là được.
Và điều “ngốc” nhất mà một người thể làm chính là tự giới hạn bản thân. Vy đang học cách lắng nghe, yêu thương, và tin tưởng chính mình. Định kiến xã hội “dán” lên có gỡ hoài cũng chẳng hết, mà định kiến do mình tự đề ra thì dễ dẹp hơn nhiều, mà cái gì dễ thì mình làm trước vậy!
Thế nhưng những định kiến mà các bạn tự áp đặt lên mình luôn là những điều “khó chịu” nhất, bởi vì chẳng ai khó thuyết phục hơn là chính bản thân chúng ta. Đồng thời đó cũng là những điều “dễ chịu” nhất, bởi bạn biết rằng chính mình có thể tạo ra được những thay đổi bằng sự cố gắng.
Vậy nên, hãy sẵn sàng bước đi với niềm tin mãnh liệt vào chính mình, bởi vì chúng ta, ai cũng cực kì tài giỏi!