Đánh giá học sinh kiểu mới: Khó phá bỏ những rào cản cũ

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh:N.H
Ảnh:N.H
TPO - Thông tư 22 đánh giá học sinh phổ thông chính thức đi vào thực tế. So với quy định hiện hành, Thông tư này thổi vào giáo dục một luồng gió mới. Tuy vậy, dưới góc nhìn của giáo viên, nhà quản lý, để đạt được hiệu quả như mong muốn còn rất nhiều rào cản phía trước. 

Là giáo viên dạy Ngữ văn tại một trường THCS thuộc huyện Vụ Bản, Nam Định, cô N.T.T cho hay, những quy định về đánh giá học sinh phổ thông tại Thông tư 22 có nhiều điểm giống với những quy định được đưa ra năm 2006.

Với cách đánh giá như Thông tư 22 quy định, cô N.T.T cho hay sẽ giảm tải chấm bài đối với giáo viên. Nhưng có bất lợi là giáo viên sẽ vất vả hơn trong việc đánh giá học sinh qua các bài kiểm tra để kịp thời uốn nắn và có hướng khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm của học sinh.

Bên cạnh đó, cô N.T.T cho rằng cách đánh giá của Thông tư 22 sẽ khiến học sinh giỏi thiệt thòi vì không có sự phân hóa rõ rệt. Tất cả các môn đều có bài kiểm tra nhưng số bài giảm, học sinh không có cơ hội gỡ điểm, và quan trọng hơn với 8 môn có điểm tổng kết, các môn khác chỉ cần Đạt sẽ tạo sự công bằng giả tạo giữa các môn. Cô T cũng nhìn nhận, từ những năm học trước, giáo viên đã tiến hành nhận xét học sinh.

Tuy nhiên, thực tế, một giáo viên khác bật mí, các giáo viên đều chia học sinh thành 4 đối tượng. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có những nhận xét cụ thể và nhận xét trên phần mềm. Như vậy, dù lớp đông hay ít thì công việc của nhận xét của giáo viên cũng không cần “động não” nhiều. Trừ trường hợp đặc biệt, giáo viên sẽ có nhận xét riêng.

Những điều kiện tiên quyết

Theo PGS.TS. Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Thông tư 22 có cơ hội tạo ra sự thay đổi lớn, tích cực cho giáo dục trung học nói riêng, giáo dục phổ thông nói chung.Để thực hiện được những quy định của thông tư, chúng ta cần đạt được những điều kiện nhất định.

Đó là năng lực triển khai của hệ thống giáo dục, trong đó đặt trọng tâm vào các giáo viên, là đối tượng cần được hướng dẫn, cần thay đổi nhất cho quá trình thực hiện thông tư này.

Hiện nay, dù rất cố gắng, nhưng không ít giáo viên vẫn chưa được tập huấn về các công cụ đánh giá trên lớp, vận dụng cụ thể vào môn học của họ. Đồng thời, việc triển khai chương trình hiện nay khiến tài liệu dạy học, nội dung dạy học,… chưa được cập nhật cùng với cách đánh giá một cách đồng bộ. Đó là những trở ngại cho giáo viên.

Bên cạnh đó, việc giáo viên bộ môn vừa đánh giá bằng nhận xét, vừa đánh giá bằng điểm cũng có thể gây ra sự lúng túng hoặc quá tải bước đầu nếu họ không được hướng dẫn kỹ. Vì thế, cần phải có sự đầu tư và thực thi hiệu quả hơn nữa cho việc hướng dẫn giáo viên, để họ có được sự nhuần nhuyễn trong giảng dạy kết hợp với đánh giá quá trình học tập của học sinh.

Mặt khác, các điều kiện kỹ thuật bao gồm điều kiện lớp học, cơ sở vật chất… Để triển khai được các nội dung trong quy định của thông tư, bắt buộc phải có sự đầu tư về hạ tầng, về các điều kiện lớp học.

Hiện tượng lớp học quá đông học sinh, thiếu các mô hình, kỹ thuật hỗ trợ đánh giá, điều kiện triển khai dạy các môn được đánh giá bằng nhận xét sẽ gặp khó khăn, có thể gây ra tính trạng lạm phát sổ sách, đánh giá hình thức.

Những vấn đề thuộc về tâm lý của phụ huynh, học sinh và cộng đồng. Thông tư 22 có nhiều đổi mới, trong khi nề nếp, suy nghĩ muốn ổn định, thói quen cũ vẫn đang phổ biến,… Đây là rào cản lớn không dễ phá vỡ trong thời gian ngắn.

Thông tư sẽ gây ra ảnh hưởng và đòi hỏi sự thay đổi toàn diện từ việc đánh giá trên lớp học đến sử dụng kết quả đánh giá như thế nào khi chuyển cấp, chuyển lớp, chuyển trường,…

Đây có thể coi là một thách thức rất lớn, đòi hỏi các kỹ thuật để khắc phục được cả sự “hiểu sai, lạm quyền” của giáo viên, đến bệnh thành tích của trường học, của địa phương, tính thiếu tin cậy sẽ gây ra những hệ lụy khi sử dụng kết quả học tập cho các cấp học/tuyển sinh về sau.

Bên cạnh đó, thông tư 22 cũng đòi hỏi quá trình tự đánh giá của người học, phối hợp đánh giá giữa các giáo viên, giữa gia đình và nhà trường,… do đó, công tác quản lý và điều hành cũng gặp nhiều thách thức.

Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá học sinh THCS, THPT vừa được Bộ GD&ĐT ban hành có nhiều điểm mới so với các quy định hiện hành.

Trong đó có 5 môn học không chấm điểm chỉ đánh giá bằng nhận xét: giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng nhận xét theo một trong 2 mức: đạt, chưa đạt.

Thông tư 22 cũng không còn phân loại học sinh theo 4 mức: giỏi, trung bình, yếu kém như hiện nay. Thay vào đó, kết quả học tập của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt. Đáng chú ý, để đạt ở mức "tốt", quy định mới khắt khe và đòi hỏi cao hơn so với yêu cầu về "học sinh giỏi" như hiện nay.

Nếu theo quy định đang áp dụng, học sinh đạt học lực giỏi phải có ít nhất 1 trong 3 môn toán, văn, ngoại ngữ đạt 8,0 trở lên, thì quy định mới, để đạt được mức tốt: mỗi học sinh được xếp loại tốt thì các môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức đạt, các môn đánh giá cho điểm kết hợp nhận xét phải đạt mức 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 8,0 trở lên.

MỚI - NÓNG