Trao đổi với anh Vũ Thành Trung (TP Tuyên Quang) là người đã cho biết câu chuyện về anh chàng đánh giày kia thì được biết, người đánh giày tên Tuấn (phường Tân Quang, TP Tuyên Quang). Anh Tuấn sinh năm 1986 cũng đã đánh giày từ cách đây 3 - 4 năm, nên dân văn phòng quanh đường Trần Phú (Tuyên Quang) chẳng lạ lẫm gì.
“Anh Tuấn đánh khá cẩn thận nên tôi hay gọi. Tuy nhiên gần đây, bỗng dưng Tuấn bảo tôi đừng trả tiền mặt mà thanh toán điện tử. Sau đó, Tuấn xoay cái thùng đánh giày có dán sẵn mã QR cho tôi. Anh ấy còn giải thích cặn kẽ vì sao không nên dùng tiền mặt và lấy ví dụ ở Singapore thanh toán tiền mặt còn bị phạt”, anh Trung nói.
Không phải bất ngờ, mà anh Trung tỏ ra khá sốc khi nghe anh Tuấn nói tường tận về câu chuyện công nghệ ở một đất nước xa xôi. Hơn nữa anh Tuấn cũng không nghĩ rằng, anh đánh giày này lại rành về công nghệ đến vậy.
Vẫn chưa thực sự tin là anh Tuấn thanh toán bằng cách quét mã QR. Nhưng sau khi đánh xong 2 đôi giày, anh Trung quét thử mã QR thì bất ngờ hơn là trên điện thoại có hiện lên bên nhận là “Đánh Giày”.
Thanh toán xong 2 đôi giày hết 20 nghìn đồng, anh Trung có hỏi tại sao lại quyết định sử dụng phương thức thanh toán điện tử này thì anh Tuấn chia sẻ: “Chuyển tiền vào đây còn tiết kiệm được, chứ đưa tiền mặt thì tiêu hết nhanh lắm.”
Làm ngân hàng, nên anh Trung rất ủng hộ việc thanh toán điện tử, anh cho biết: “Bản thân tôi đi đâu cũng dùng thẻ. Nên rất ủng hộ việc thanh toán điện tử. Hiện các ứng dụng thanh toán của các ngân hàng cũng rất tiện lợi.”
“Ngay cả anh đánh giày cũng có tư tưởng khá tiến bộ, thì việc ứng dụng các phương thức thanh toán điện tử để mua rau, đi chợ hay mua bán bất cứ thứ gì trong tương lai cũng không còn xa”, anh Trung cho biết thêm.