Đạo sắc phong mất cắp bị đấu giá: Tích cực hồi hương bằng ngoại giao

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều đạo sắc phong quý bị kẻ gian đánh cắp bỗng xuất hiện trên sàn đấu giá tại Trung Quốc khiến những người nghiên cứu, yêu di sản đau xót. Chuyên gia, nhà nghiên cứu nhận định, cần tích cực hồi hương di sản thông qua con đường ngoại giao, hợp tác quốc tế.
Đạo sắc phong mất cắp bị đấu giá: Tích cực hồi hương bằng ngoại giao ảnh 1
Sắc phong triều vua Đồng Khánh ở đình Phú Vĩnh sau khi được tu bổ phục chế

Đau xót di sản bị rao bán

Những ngày gần đây, nhiều người yêu di sản xôn xao khi một số đạo sắc phong của Việt Nam được một trang đấu giá tại Thượng Hải (Trung Quốc) rao bán với giá khởi điểm từ 2.800 đến 3.500 nhân dân tệ (9,5 triệu đến khoảng 12 triệu đồng).

Theo thống kê, số lượng bị rao bán lần này lên tới gần 100 đạo sắc phong, khoảng niên đại từ thời Lê Trung hưng đến triều Nguyễn. Ông Tạ Đình Hạp, thành viên Ban Quản lý di tích đền Quốc tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, Phú Thọ) bày tỏ nỗi đau xót và trăn trở. Nhiều đạo sắc phong của đền Quốc tế bị mất trộm hai năm trước, nay lại thấy một trang đấu giá cổ vật có địa chỉ tại Thượng Hải (Trung Quốc) rao bán.

“Ngay khi phát hiện sắc phong ở đền Quốc tế bị đánh cắp, BQL di tích đã báo lên chính quyền huyện, tỉnh. Hai chuyên án của công an thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ được lập nhưng chưa có manh mối. Dân làng chỉ biết trông chờ vào Nhà nước. Nghe tin nhiều bộ, ngành đã vào cuộc, chúng tôi hy vọng, và mong mỏi hồi hương sắc phong”, ông Tạ Đình Hạp chia sẻ với Tiền Phong.

Xác định việc mua lại trong phiên đấu giá với giá cao là con đường khó khăn, ông kỳ vọng có thể đưa sắc phong trở lại Việt Nam thông qua những quy định của pháp luật. Ông Hạp đã liên hệ với một số kiều bào ở Trung Quốc, kêu gọi giúp đỡ bằng nhiều con đường.

Đền Quốc tế vẫn đang giữ một số bản đồ cổ, thần tích, thần sắc và một số bản sao sắc phong. Ban quản lý lên kế hoạch gìn giữ cẩn thận.

“Một số sắc phong có tuổi đời mấy trăm năm bị rách góc, tự huỷ, chúng tôi nhờ Phòng lưu trữ I của Bộ Nội vụ phục chế, dán giấy dó lại. Sau phục chế, chúng tôi sao chép và in màu, dịch ra chữ Quốc ngữ. Rất may hai quyển in còn giữ lại được”, ông Hạp nói thêm.

Đạo sắc phong mất cắp bị đấu giá: Tích cực hồi hương bằng ngoại giao ảnh 2
Những đạo sắc phong được rao bán trên sàn đấu giá là những di sản bị đánh cắp tại đền Quốc tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ)

Mong muốn lớn nhất của người dân Dị Nậu (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) là hồi hương được những đạo sắc phong bị mất.

“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là lấy lại những đạo sắc phong đã mất. Đây là những báu vật, linh hồn của làng. Tôi mong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan chức năng vào cuộc, sớm giúp chúng tôi lấy lại những đạo sắc phong quý này”, ông Hán Danh Ban, thủ từ đền Quốc tế chia sẻ.

Sau khi hồi hương được những đạo sắc phong đã mất, ông Ban cho rằng, cần thay đổi các biện pháp bảo quản và lưu trữ tại đền để những di sản này không bị đánh cắp lần nữa, đặc biệt nơi lưu trữ cần được giữ bí mật tuyệt đối.

Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy nêu quan điểm, chọn con đường ngoại giao văn hóa, hợp tác quốc tế nhịp nhàng để xác định nguồn gốc, đưa hiện vật bị đánh cắp trả lại cho cộng đồng sở hữu. “Chúng tôi đề nghị xác minh thông tin xem đó là sắc phong thật hay giả. Trường hợp sắc phong thật, chúng tôi đề xuất Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải (Trung Quốc) can thiệp để ngăn chặn tình trạng bán đấu giá tài sản của Việt Nam trên mạng. Công an địa phương báo cáo Bộ Công an để thống nhất phương án hợp tác quốc tế trong việc xử lý hiện vật bị đánh cắp”, ông Nguyễn Đắc Thủy nêu.

Nỗ lực hồi hương di sản

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, tình trạng trộm cắp, mua bán cổ vật trái phép xảy ra khá nghiêm trọng.

Năm 2013, trong báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Cục Di sản văn hóa thừa nhận: “Hiện tượng trộm cắp cổ vật tại di tích vẫn diễn ra khá nổi cộm tại các di tích ở đồng bằng và trung du Bắc bộ”.

“Sau khi có Luật Di sản văn hóa năm 2001, đặc biệt là từ năm 2011, khi có Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó quy định chặt chẽ về hồ sơ khoa học di tích, lưu trữ hồ sơ, lý lịch di tích và các thông tin liên quan đến di tích, hiện vật trong di tích... hoạt động bảo vệ di sản mới được thực hiện một cách kỹ lưỡng hơn.

Tuy nhiên, đối với những di tích chưa xếp hạng, đây vẫn là một khoảng trống cần phải xử lý sớm nếu chúng ta không muốn bị chảy máu cổ vật”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

Ông đề xuất vận dụng các công ước của UNESCO, đặc biệt là Công ước 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa để có thể thu hồi các cổ vật theo đúng thủ tục pháp lý. PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm cần dựa vào các căn cứ pháp luật, trong đó có Luật Di sản văn hóa để xác định vai trò của Nhà nước, các cơ quan liên quan trong việc hồi hương cổ vật về di tích gốc.

Làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) hiện còn lưu hơn 40 đạo sắc cho 6 vị thành hoàng (Lục vị nhà thánh). Các sắc phong được giữ, bảo vệ theo quy trình nghiêm ngặt. Toàn bộ sắc phong được sao chép thành nhiều bản. Bản gốc sắc phong được bọc cẩn thận, cho vào một két bạc lớn, để sắc phong không bị gập. Két sắt để ở vị trí chỉ có 3 thành viên có trách nhiệm biết và cũng chỉ có các vị này biết được mật mã của két. Chuyên gia, nhà nghiên cứu muốn tiếp cận bản gốc cho mục đích công việc phải cùng ban quản lý di tích ký vào biên bản, ngày giờ mở két sắt, ghi rõ lý do mở, trạng thái các đạo…

“Dựa trên các căn cứ ấy, chúng ta mới xác định có tham gia vào đấu giá để mua lại các sắc phong này hay vận dụng pháp luật và ngoại giao. Quá trình này chắc chắn sẽ gặp khó khăn nhất định, trong đó có cả thủ tục pháp lý và nguồn lực”, ông Sơn cho biết.

Rút ra bài học từ những vụ mất trộm, PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ một số biện pháp bảo quản sắc phong tại các đền, chùa… Trong đó, ông nhấn mạnh biện pháp cất giữ bản gốc sắc phong ở nơi kín đáo, ít người biết, nếu giữ trong két sắt phải đảm bảo an toàn.

Ông gợi ý thôn làng có sắc phong cần đề ra quy định trừ trường hợp đặc biệt, tất cả nhà nghiên cứu, khách tham quan di tích không được tiếp xúc với các đạo sắc gốc, chỉ được xem bản sao.

“Đặc biệt, không cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ danh nghĩa nào, mượn, mang sắc phong ra khỏi di tích. Khi bàn giao giữa các nhiệm kỳ tiểu BQL di tích, phải ghi rõ biên bản các sắc phong còn lưu”, PGS.TS Bùi Xuân Đính chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công nhận định, đối với di tích, sắc phong giống tấm thẻ căn cước. “Nhiều di tích chỉ còn đống gạch vụn hoặc nền móng, nếu chỉ cần lưu giữ được một đạo sắc phong thôi vẫn có cơ sở để phục dựng hoặc xét công nhận di tích”, ông Hoàng Tuấn Công nói. Về phương án hồi hương, nhà nghiên cứu đề xuất, có thể dùng phương án hợp tác quốc tế hoặc đấu giá. Câu chuyện mất cắp đạo sắc phong cũng là bài học để các di tích lưu tâm, bởi đạo sắc phong ở nhiều địa phương thường được để trong hộp, bảo quản đơn sơ ngay trong di tích.

BẢO HÂN

MỚI - NÓNG