Đào tạo song bằng sẽ thành xu thế?

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Theo ĐHQG TP. HCM, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng cạnh tranh gay gắt, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cũng cao hơn, đòi hỏi kiến thức liên và đa ngành vì vậy hình thức đào tạo song bằng sẽ là một xu thế mà đơn vị này hướng đến.

Từ năm 2020, ĐHQG TP. HCM bắt đầu triển khai cho sinh viên học song ngành ở 2 trường khác nhau trong hệ thống.

Học 4 năm nhận 2 bằng

Lợi điểm của hình thức này là giúp người học rút ngắn thời gian đào tạo chỉ mất 4 năm học nhưng nhận được hai bằng với hai chuyên ngành khác nhau, tăng cường kiến thức và phát huy hết tiềm năng học thuật. Học song bằng cũng giúp sinh viên có cơ hội “sửa sai” vì “nhầm nghề” nhưng vẫn muốn duy trì học ngành cũ và không mất thời gian để xét tuyển lại.

Tại Hội nghị thường niên vừa qua, PGS. TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG TP. HCM cho biết, trong giai đoạn 2022 - 2025, cùng với những thay đổi về tuyển sinh, đơn vị sẽ mở rộng và phát triển hình thức đào tạo song bằng trong các trường thành viên.

Để theo học song ngành, sinh viên phải đáp ứng những điều kiện đầu vào theo quy định chung và quy định riêng tùy ngành. Theo đó, sinh viên trình độ ĐH chính quy tập trung phải hoàn thành tối thiểu 1 năm của chương trình đào tạo tại các trường thành viên của ĐHQG TP. HCM. Đồng thời, sinh viên phải hoàn thành khối lượng kiến thức đào tạo của năm thứ nhất với số tín chỉ tối thiểu tích lũy là 25 tín chỉ, có điểm trung bình đạt từ 7,0 và không bị kỷ luật từ mức Cảnh cáo trở lên.

Đào tạo song bằng sẽ thành xu thế? ảnh 1

Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) đào tạo song bằng 5 ngành, từ năm học 2021 - 2022.

Khi đăng ký theo học chương trình đào tạo thứ hai, sinh viên phải chọn ngành đào tạo khác ngành đang theo học. Sinh viên được chuyển đổi các môn học tương đương giữa hai chương trình đào tạo và phải học chương trình đào tạo thứ hai tối đa là 80 tín chỉ. Thời gian tối đa được phép học đối với sinh viên học cùng lúc hai chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình đào tạo thứ nhất.

Sinh viên đảm bảo các điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ đầu ra theo từng ngành đào tạo và các chứng chỉ tự tích lũy như giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng theo quy định của nhà trường.

Mức học phí các tín chỉ của chương trình đào tạo thứ hai (không tính các tín chỉ trùng nhau hoặc được công nhận tương đương giữa hai chương trình) được áp dụng mức học phí tín chỉ của cơ sở đào tạo quản lý chương trình đào tạo thứ hai.

Sinh viên nên bắt đầu từ năm thứ 3?

Hiện nay, trong hệ thống ĐHQG TP. HCM thí điểm đào tạo song bằng. Tại trường ĐH KHXH&NV TP. HCM, từ học kỳ I năm học 2021 - 2022, sinh viên thuộc các đơn vị trong hệ thống ĐHQG TP. HCM sẽ được học thêm một trong 5 ngành tại trường gồm: Báo chí (40 chỉ tiêu), Tâm lý học (40), Quan hệ quốc tế (40), Ngôn ngữ Anh (90), Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành (90). Đối với hai ngành Ngôn ngữ Anh và Quan hệ quốc tế, sinh viên có tổ hợp xét tuyển đầu vào ngành đào tạo thứ nhất lần lượt phải là khối D1 và phải có môn tiếng Anh.

Trường ĐH Kinh tế - Luật, từ năm 2012, trường đã ban hành quy định đào tạo song ngành nhưng chỉ trong nội bộ. Kể từ năm 2020, trường chính thức tiếp nhận sinh viên theo học song bằng với các trường thành viên khác, với các ngành gồm: Kinh tế quốc tế, Quản trị Kinh doanh, Luật Kinh tế.

Đào tạo song bằng sẽ thành xu thế? ảnh 2

Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP. HCM) đã đào tạo song bằng từ năm 2020.

Tương tự, tại trường ĐH Bách khoa, từ năm 2020 bắt đầu tuyển sinh chương trình đào tạo song bằng với hai ngành Kỹ thuật hàng không và Kỹ thuật tàu thủy với 60 chỉ tiêu, xét tuyển tổ hợp A00 và A01. Còn tại trường ĐH Quốc tế, từ năm 2022 trường sẽ tiếp nhận sinh viên theo học hình thức song bằng với các ngành liên kết với ĐH KHXH&NV và Khoa Y.

Theo ThS Nguyễn Thị Bích Hà - Phó Phòng Đào tạo, trường ĐH KHXH&NV, ngoài những lợi ích, sinh viên theo học hình thức song bằng: Cơ hội việc làm tăng lên, sở hữu hai bằng cử nhân với hai chuyên ngành khác nhau sẽ tăng khả năng làm việc, người học cũng có những áp lực. Do thời hạn ra trường của cả hai ngành đào tạo đều không thay đổi trong khi khối lượng kiến thức khá nặng (khoảng 80 tín chỉ) nên người học sẽ gặp khá nhiều thách thức. Bên cạnh đó, sinh viên chỉ được công nhận xét tốt nghiệp ngành đào tạo thứ hai khi ngành đào tạo thứ nhất cũng đủ điều kiện tốt nghiệp.

Là một trong những gương mặt gây tiếng vang vì học song bằng, năm 2019, ThS Tống Chí Thông tốt nghiệp loại Giỏi cùng lúc 2 ngành: Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng và Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp của trường ĐH Quốc tế.

ThS Thông chia sẻ: “Năm thứ 3, khi trường có chương trình đào tạo song bằng, nhận thấy mình có sở thích với máy móc và làm khá tốt việc thiết kế mô hình, sản phẩm thực tế, tôi quyết định đăng ký học thêm ngành thứ hai. Mục tiêu không phải là bằng cấp mà muốn đạt đến khả năng cao nhất của mình và tận dụng hợp lý thời gian”.

Đưa ra lời khuyên về học song bằng, ThS Thông cho rằng: “Sinh viên nếu học song bằng tốt nhất hãy bắt đầu từ năm thứ 3, khi đó sẽ có trải nghiệm toàn vẹn hơn, biết mình có phù hợp với ngành và có đủ năng lực để sắp xếp thời gian, biết năng lực học của mình đến đâu để đạt hiệu quả cao nhất”.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Chuyên gia Tâm lý mách nước cho các bạn trẻ nhận biết ‘hội chứng Over thinking’

Chuyên gia Tâm lý mách nước cho các bạn trẻ nhận biết ‘hội chứng Over thinking’

SVVN - ThS Tâm lý Phan Thị Mai Quyên - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM đã có buổi chia sẻ với các bạn học sinh tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Q. 5, TP. HCM) về chủ đề “Over thinking của GenZ: Làm sao để vượt qua?”. Chương trình do báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trường ĐH Mở TP. HCM và Ngân hàng Nam Á tổ chức ngày 15/5.