Đầu năm 2020, nhiếp ảnh gia và nhà quản lý sự kiện người Philipines Deej Fabian đã phải trở về quê nhà Manila do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, Fabian không thể làm gì hơn ngoài “giết thời gian” vào các thiết bị điện tử.
Ảnh hưởng của dịch cúm đã bào mòn thể chất và tinh thần của anh, anh kiệt sức ngay cả với những hoạt động thể chất bình thường. Sau khi lệnh giãn cách được nới lỏng, Fabian cảm thấy mình cần phải làm một điều gì đó để ngăn điều tồi tệ này tiếp diễn...
“Tôi nhận ra sức khỏe của mình ngày càng kém đi. Thật kinh khủng. Sau đó, tôi xốc lại tinh thần và nói, được rồi, mình phải bắt đầu lại thôi!” - nhiếp ảnh gia người Philipines chia sẻ với VICE. Đó cũng là lúc, hành trình đến với xe đạp của anh chính thức bắt đầu.
“Kể từ đấy, tôi chủ động đạp xe theo nhóm và nhận thấy sức bền của mình dần tăng lên qua từng chặng đi. Không những thế, tôi cũng bắt đầu tập ngủ đủ giấc và cảm thấy mình tươi trẻ, sung sức hơn, tâm trạng thì luôn bình thản”.
Mỗi ngày, Fabian cùng với nhóm bạn đạp xe qua các tỉnh lân cận để rèn luyện sức khỏe, nhiều người trong số họ thâm chí mới trở lại với xe đạp vào năm 2020.
Đại dịch COVID-19 khiến thế giới chịu nhiều tổn thương, mất mát. Tuy nhiên, nó cũng “vô tình” biến đạp xe trở thành hình thức thể dục được nhiều người “tin dùng” nhất vào năm 2020. Chỉ với một chiếc xe đạp, bạn không chỉ nâng cao sức khỏe, tận hưởng thiên nhiên, mà còn có thể tập luyện cùng với bạn bè nhờ vào tính “giãn cách”, chạy theo hàng ở một cự ly đủ an toàn khi di chuyển trên các tuyến đường.
Bên cạnh châu Âu, một số nước châu Á cũng được coi là “vương quốc” xe đạp. Ví dụ như ở Trung Quốc, Nhật Bản, phần lớn người dân đều chọn xe đạp là phương tiện di chuyển. Tại Philipines, giới trẻ cũng đang có xu hướng đạp xe nhiều hơn.
“Tôi chọn xe đạp đơn giản vì muốn vừa tập thể dục, vừa ngắm nhìn Manila trong thời gian cách ly xã hội” - kiến trúc sư Felix Imperial nói với VICE.
Tháng 6 năm ngoái, Jakarta chứng kiến sự gia tăng đột biến số người dùng xe đạp, với hơn 500% so với năm 2019. Là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng của COVID-19 nặng nề nhất, người dân nhận thấy rằng duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần là tối quan trọng đối với họ.
Nếu ở Indonesia hay Philipines, xe đạp đơn thuần là một phương tiện thay thế trong mùa dịch, thì ở Malaysia, người dân coi đạp xe như một hình thức thể dục thay thế cho những bộ môn thể thao khác, vốn bị hạn chế do tác động của COVID-19.
“Tôi đã sống ở Malaysia được 5 năm, nhưng ban đầu, đạp xe không phải là môn thể thao tôi lựa chọn. Tôi thích bóng rổ và chơi game hơn, nhưng hiện tại tôi nghĩ rằng, tôi sẽ tiếp tục đạp xe đến khi dịch bệnh kết thúc” - Efrem Gabriel, một nhân viên IT chia sẻ với VICE.
“Trước kia, tôi không thích xe đạp lắm đâu vì Kualar Lumpur nóng quá, nhưng sau đó, tôi đã thử đạp xe và thích nó từ lúc nào không hay” - chuyên viên phát triển phần mềm Darius Reyes cho biết.
Không chỉ ở Đông Nam Á, phong trào đạp xe, hay biking tour còn phát triển mạnh mẽ ở Nhật. Ở Tokyo, thành phố mà người dân đã quen với di chuyển bằng tàu lửa, giờ cũng đã dần chuyển hẳn sang sử dụng xe đạp để đảm bảo an toàn sức khỏe trong mùa dịch.
Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích người dân đi xe đạp trong năm 2020 bằng cách thiết lập những làn đường dành riêng cho loại xe này, bên cạnh ban bố thêm một số quy định mới. Trong đó, đáng kể nhất là mức phạt 50.000 Yên (khoảng hơn 10 triệu đồng) cho những trường hợp vi phạm.
“Đạp xe mỗi ngày sẽ giúp sức khỏe thể chất và tinh thần chúng ta tốt hơn. Nó cũng rất hữu ích trong đời sống thường nhật nữa. Với chiếc xe đạp, bạn có thể đi được dài hơn khi chạy bộ và dừng lại ở bất cứ nơi nào bạn muốn” - ông Kuwata, chủ một cửa hàng xe đạp cho biết.