Môn Toán: Không khó như đề năm 2018
Thầy giáo Nguyễn Quốc Chí rằng, với bộ môn Toán nhìn vào đề ta có thể thấy ngay được đề thi năm nay đúng như Bộ GD&ĐT đã công bố phần kiến thức vào chương trình lớp 12 .
Đề thi năm nay không khó hơn đề năm trước. Cụ thể là hợp lý hơn rất nhiều về kiến thức và phân bố thời gian hợp lý để học sinh thực hiện bài thi
Đề năm nay phân hóa rõ ràng từ câu hỏi số 40. Trong 30 câu đầu tiên bao trọn kiến thức cơ bản của môn Toán THPT. Vậy học sinh có ý thức trong việc học tập ôn luyện hoàn toàn có khả năng đạt 60% điểm bài thi một cách không khó khăn.
Từ câu 30-40 là nhóm câu hỏi đòi hỏi học sinh vận dụng thêm kiến thức nhưng ở mức độ không cao, với tôi đó là nhóm câu hỏi Khá. Từ câu 40-45, những câu hỏi cần sự tư duy, vận dụng kiến thức linh hoạt, không dập khuôn, đây là những câu hỏi cho các học sinh khá giỏi.
Với 5 câu hỏi cuối cùng, vẫn là nhóm câu hỏi tìm kiếm điểm 10 nên theo lẽ tất nhiên là thuộc dạng khó. Tuy nhiên theo nhận định của tôi , nhóm cuối này không khó như đề thi năm 2018. Tôi cho rằng đó là điều hợp lý sau một kì thi mà đề thi hơi quá sức với học sinh .
Những câu hỏi toán thực tế vẫn xuất hiện trong đề thi. Đây là xu hướng chúng ta cũng nên đón nhận, vì trước đây môn toán khá khô khan. Nhưng từ khi thi trắc nghiệm đề thi đã hay và “ bay bổng” hơn nhiều . Tạo cảm hứng cho người học mà không làm biến mất giá trị kiến thức.
Sau 2 năm thi dưới hình thức trắc nghiệm với hơn 10 đề thi Tham Khao và Chính Thức. Đề thi đã có những cải tiến đáng kể về mặt kiến thức và cách ra đề để hạn chế mẹo vặt trắc nghiệm kèm máy tính cầm tay. Đó là điều tích cực mà chúng ta rất nên đón nhận từ các chuyên viên ra đề của Bộ Giáo Dục. Tôi mong đề thi chính thức sẽ hay hơn và hợp lý như vậy.
Nhìn chung với đề thi như vậy sẽ phân hóa tốt hơn giữa nhóm học sinh trung bình khá và giỏi. Tuy nhiên để tìm ra những học sinh thật sự xuất sắc của toàn quốc thì nhóm 5 câu cuối hoàn toàn có thể nâng độ khó thêm một chút nữa.
Môn Văn: Đề hay, bám sát sách giáo khoa
Cô Phạm Thị Thu Phương cho biết, về cơ bản, cấu trúc đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giống như đề thi các năm trước đó, kiến thức tập trung vào lớp 12 (chiếm 50% tổng số điểm bài thi). Đề thi bao gồm 2 phần:
Phần 1: Đọc hiểu. Phần này sẽ chiếm 30% tổng số điểm.
Phần 2: Làm văn. Phần này chiếm70% tổng số điểm bài thi.
Phần Đọc - hiểu được dẫn một ngữ liệu thuộc lĩnh vực xã hội và có 4 câu hỏi đi kèm theo từng mức độ, từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Ngữ liệu với các câu hỏi trong đề vừa sức với học sinh. Học sinh chỉ cần đọc kĩ câu hỏi và phần ngữ liệu là có thể dễ dàng có câu trả lời. Riêng với câu hỏi số 4, học sinh cần nêu quan điểm cá nhân của mình một cách rõ ràng, đúng chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Phần Làm văn bao gồm có 2 câu hỏi:
Một là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ (không quá mặt giấy A4). Câu hỏi này chiếm 20% tổng số điểm của phần Làm văn. Vấn đề nghị luận sẽ được rút ra ngay từ ngữ liệu của phần đọc hiểu. Vấn đề này khá gần gũi và thiết thực với học sinh.
Xét về mức độ, câu nghị luận xã hội là một câu hỏi ở mức độ phù hợp với mọi đối tượng học sinh. Yêu cầu của để mở sẽ giúp cho học sinh có thể thoải mái trình bày ý kiến cá nhân và sự hiểu biết của mình miễn sao ý kiến đó phù hợp với những chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Ngoài ra để biết viết sâu sắc và chỉn chu, học sinh cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.
Câu hỏi còn lại của phần Làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi. Kiến thức lớp 12 nằm toàn bộ trong câu hỏi này. Xét về mức độ, đề nghị luận văn học là một đề bài tương đối khó.
Đề bài này không chỉ đòi hỏi học sinh vừa nắm chắc kiến thức mà còn cần có những đánh giá sâu sắc, nhìn nhận tỉ mỉ mới có thể xử lí được đề bài trên. Với đề minh họa trên, câu hỏi nghị luận văn học sẽ phân loại rõ hơn các đối tượng học sinh.
Nhìn chung với đề bài này, học sinh muốn làm tốt không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học mà còn cần phải tư duy tổng hợp để bài viết chính xác và phong phú.
Một phần quan trọng nữa không kém là chúng ta cần phân bố thời gian hợp lí để làm bài. Thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu. Phần đọc hiểu, chúng ta cần dành 20 phút để làm; câu 1 phần Làm văn cần dùng 20 phút và còn lại câu nghị luận văn học nên dành cho 80 phút. Phân bố thời gian hợp lí cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt.
Môn Vật Lý: 40% câu hỏi phân loại học sinh
Thầy Phạm Quốc Toản nhận định, nhìn chung đề ra vẫn theo tinh thần chỉ đạo từ đầu của Bộ:
Thứ nhất, đề gồm 40 câu hỏi chủ yếu nội dung kiến thức lớp 12 THPT (90% 36 câu hỏi) và một phần nhỏ kiến thức lớp 11 (10% - 4 câu). Trong đó, vẫn có khoảng với 60% cơ bản và 40% mang tính phân loại. Câu không còn “đánh đố” học sinh bởi sự khó khăn về toán học hay mất thời gian dài để giải
Thứ hai, các câu hỏi mang tính phân loại cao vẫn khai thác tư duy Vật lí sâu sắc như: kiến thức liên quan đến thực tiễn, ứng dụng, câu hỏi khai thác đồ thị (câu 34, câu 38 về dao động cơ và dòng điện xoay chiều), câu hỏi thí nghiệm (câu 24)
Thứ ba, vẫn có những câu hỏi đòi hỏi học sinh phải tính ra kết quả cuối cùng mới chọn được đáp án đúng (gần nhất).
Thứ tư, câu hỏi được sắp xếp từ mức độ dễ đến khó
Thứ năm, kiến thức lớp 11 tập chủ yếu các kiến thức liên quan đến Chương 1 (Điện tích điện trường): Định luật Cu lông, Chương 2 (Dòng điện không đổi): Định luật Ôm cho toàn mạch, Chương 5 (Cảm ứng điện từ): Từ thông, suất điện động cảm ứng; Chương 6 (Khúc xạ ánh sáng): Định luật khúc xạ, Công thức thấu kính.
Môn Địa lí: Học sinh giỏi mới được 8 – 9 điểm
Thầy Vũ Hải Nam cho rằng, nội dung đề thi minh họa nằm trong khối kiến thức lớp 11 và 12 theo chương trình của Bộ GD và ĐT. Trong đó kiến thức lớp 12 là trọng tâm và đặc biệt là đề minh họa không có kiến thức Địa lí 10.
Nội dung đề thi chia thành 2 phần kiến thức và thực hành kĩ năng Địa lí, trong đó phần kiến thức chiếm trên 60% số điểm. Phần kĩ năng địa lí đa dạng, được bổ sung thêm kĩ năng tính toán từ bảng số liệu nhưng vẫn vừa sức với học sinh.
Đề thi đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của kì thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học. Các câu hỏi phù hợp với từng mức độ nhận thức của học sinh, có sự phân hóa từ dễ đến khó.
Những câu hỏi từ câu số 65 trở đi đòi hỏi học sinh ngoài việc ghi nhớ kiến thức còn phải thấy được sự liên hệ giữa các đối tượng địa lí để có thể thấy được ý nghĩa, vận dụng giải thích và tìm ra giải pháp để giải quyết các vấn đề địa lí được đặt ra.
So với đề thi chính thức kì thi THPT quốc gia năm 2018, đề minh họa 2019 vừa sức hơn với học sinh có lực học trung bình và khá, học sinh khá giỏi trở lên có thể đạt điểm 9 trở lên.
Nhìn chung, đề có sự hấp dẫn với nhiều câu hỏi giải thích và vận dụng đưa ra giải pháp nên có thể phân hóa được học sinh theo mục đích xét tuyển. Để đạt điểm trung bình khá dễ song để đạt được điểm tuyệt đối môn Địa cần phải có sự liên hệ giữa các nội dung kiến thức đã học.