Đề thi tham khảo vào lớp 10 ở Hà Nội: Khó đạt điểm 10 môn Tiếng Anh

Đề thi tham khảo vào lớp 10 ở Hà Nội: Khó đạt điểm 10 môn Tiếng Anh
HHT - Một số giáo viên nhận xét nội dung đề thi tham khảo bao trùm chương trình lớp 9 và có thêm khoảng 20% kiến thức lớp 8. Đề môn Tiếng Anh khó, học sinh không dễ đạt điểm cao.

Sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố đề thi tham khảo tuyển sinh lớp 10 năm 2019, giáo viên của hệ thống giáo dục Hocmai có nhận xét về phạm vi kiến thức, cũng như độ khó của đề.

Theo đó, đề Tiếng Anh tương đối khó, gồm 32 câu trắc nghiệm và 8 câu tự luận. Với 80% kiến thức cơ bản và 20% kiến thức nâng cao, thí sinh khó đạt điểm 9, 10.

Học sinh lớp 9 cần học thêm kiến thức nâng cao để làm bài tốt. Bên cạnh việc phân bổ thời gian ôn thi hợp lý, các em cần tập trung ôn nội dung trọng tâm, bao gồm ngữ pháp, từ vựng và đọc - hiểu.

Đề thi tham khảo vào lớp 10 ở Hà Nội: Khó đạt điểm 10 môn Tiếng Anh ảnh 1
Đề minh họa môn Tiếng Anh có 20% câu hỏi thuộc kiến thức nâng cao. Ảnh chụp màn hình.

Trong khi đó, đề thi môn Hóa học gồm 40 câu hỏi được chia thành 3 mức độ biết (30%), hiểu (40%) và vận dụng thấp (30%), không có vận dụng cao. Thời gian làm bài 60 phút.

Theo đề thi tham khảo, kiến thức dàn trải toàn bộ phần kiến thức vô cơ và hữu cơ của lớp 9, gồm 5 chương và một phần nhỏ kiến thức lớp 8. Đề thi có một số câu hỏi về vận dụng thực tiễn và thực nghiệm.

Nhìn chung, đề thi tham khảo 10 môn do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố bao phủ toàn bộ chương trình lớp 9 và có thêm một số câu hỏi thuộc lớp 8 (khoảng 20%).

Các câu hỏi đáp ứng yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng và không mang tính đánh đố học sinh. Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm bài tốt.

Đặc biệt, các câu hỏi không sắp xếp theo thứ tự cấp độ và xuất hiện một số câu hỏi mang tính ứng dụng thực tiễn. Việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đặt ra yêu cầu giáo viên và học sinh phải có sự thay đổi trong phương pháp dạy và học để thích nghi.

Các em cần thay đổi tư duy trong việc chỉ học Ngữ văn, Toán mà bỏ qua các môn còn lại, đồng thời điều chỉnh phương pháp học tập phù hợp hình thức thi trắc nghiệm, chú trọng rèn kỹ năng, phương pháp, đặc biệt rèn phản xạ làm bài.

Về phía giáo viên, thi trắc nghiệm đặt ra yêu cầu đổi mới toàn bộ phương pháp dạy và ra đề thi khi thầy cô vốn quen công việc dạy học theo hình thức tự luận. Bên cạnh thay đổi giáo án, thầy cô cần thay đổi phương pháp truyền thụ và biên soạn câu hỏi.

Giáo viên không thể nhồi nhét toàn bộ kiến thức cho học sinh bởi đề thi quá rộng, các em phải học nhiều môn. Thay vào đó, thầy cô nên tìm ra phương pháp phù hợp để học sinh nắm được bài, hiểu và nhớ lâu kiến thức trọng tâm, có khả năng vận dụng thành thạo kiến thức vào việc xử lý câu hỏi.

Theo news.zing.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm