Đề thi Văn PTNK: Thí sinh hào hứng với bài luận những cuốn sách sống sót sau 200 năm

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Câu chuyện những cuốn sách bị lãng quên sau 200 năm cũng là câu chuyện chúng ta nên "xử sự" thế nào với quá khứ.

Kết thúc ngày thi đầu tiên với môn Toán (chuyên) và Hóa, teen đã bước vào ngày thi thứ hai với môn Ngữ văn (chuyên). Không giống với cấu trúc đề thi môn Ngữ văn thông thường gồm phần Đọc hiểuLàm văn, đề thi chuyên bao gồm 2 câu, một câu Nghị luận xã hội và một câu Nghị luận văn học. Cụ thể:

Câu 1: "Chúng ta đọc rất ít các tiểu thuyết ra đời cách nay 200 năm. Mọi thứ thay đổi nhanh đến nỗi sách hôm nay sẽ bị lãng quên trong 100 năm tới. Chỉ rất ít cuốn sách còn được tìm đọc. 200 năm nữa, trong số sách thời đại này chỉ còn 5 cuốn sống sót được".

Hãy viết một bài nghị luận bày tỏ suy nghĩ về nhận định trên, đồng thời chọn bàn về một giá trị mà theo bạn bất biến với thời gian.

Câu 2: "Trong tác phẩm văn học, những hình ảnh đẹp thường là kết tinh của năng lực tưởng tượng, năng lực đó chắp cánh cho tâm hồn vượt khỏi những giới hạn nhất định, nói hết thực và mộng, hôm nay với hôm qua và ngày mai, điều đang có với điều đã có và điều sẽ có. Nhờ tưởng tượng, các nhà thơ đã đem lại những sáng tạo về hình tượng, cảm xúc và ngôn ngữ, gây được những khoái cảm thẩm mỹ nơi người đọc".

Từ nhận định trên, bạn suy nghĩ thế nào về vai trò của tưởng tượng trong sáng tạo văn học?

Theo nhận xét của nhiều thí sinh, đề thi năm nay gợi mở, khuyến khích sự sáng tạo nhưng cũng khá “đau đầu” vì yêu cầu thí sinh phải nắm chắc kỹ năng làm bài, cũng như cảm nhận được thông điệp của đề thi.

Anh Thư (trường THCS Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, TP.HCM) cảm nhận, đề thi Văn năm nay khá thú vị, tạo cơ hội để Gen Z nói lên cảm nhận của mình về những thay đổi trong cuộc sống. Đặc biệt là giữa đại dịch COVID-19, những giá trị bền vững và tức thời lại một lần nữa được nhìn nhận lại, cũng là nền tảng để teen “múa bút”.

Đề thi Văn PTNK: Thí sinh hào hứng với bài luận những cuốn sách sống sót sau 200 năm ảnh 1

Ảnh minh họa từ Internet

Tuy nhiên, các anh chị đang học THPT lại có cách nhìn khác với đề thi, đánh giá câu Nghị luận xã hội khá thách thức, đòi hỏi tầm nhìn rộng, hiểu biết về thời cuộc khá sâu.

Nhận xét về đề thi, bạn Trọng Đoàn (lớp 11CV1, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Quận 5, TP.HCM) đánh giá đề Nghị luận xã hội có vẻ hơi “quá cỡ” so với học sinh lớp 9, đòi hỏi teen phải có góc nhìn toàn cảnh về sự thay đổi của thế giới trong những năm vừa qua, nhất là dưới sự tác động của Công nghiệp 4.0, hay trí tuệ nhân tạo.

Ở câu Nghị luận văn học, bạn Minh Đức (lớp 12, trường THPT Marie Curie, TP.HCM) đưa ra nhận xét, nội dung đề có vẻ không mới, có phần tương tự với đề thi của những năm trước. Teen sẽ không khó trong việc xác định luận điểm, vì hầu như đều có sẵn trong đề.

Riêng đối với Hạnh Vi (lớp 12, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Quận 5, TP.HCM), đề thi năm nay có câu lệnh khá dài, dễ khiến teen bối rối và không biết sắp xếp bố cục bài ra sao. Nhất là đối với câu Nghị luận văn học, đề đã đề cập đến không ít kiến thức quan trọng của văn chương, cũng phần nào “gây nhiễu”, nếu teen không chú ý sẽ khiến bài viết lan man, thiếu trọng tâm.

Năm nay có 652 thí sinh thi vào lớp chuyên Văn trường Phổ thông Năng khiếu, cao thứ 3 sau lớp chuyên tiếng Anh (1.250 thí sinh) và lớp chuyên Toán (830 thí sinh). Sau hai ngày 26,27/5, teen sẽ lần lượt bước vào các buổi thi khác, trong đó có ba buổi thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và tiếng Anh vào các ngày thứ Bảy (29/5) và Chủ Nhật (30/5).

Đề thi Văn PTNK: Thí sinh hào hứng với bài luận những cuốn sách sống sót sau 200 năm ảnh 5
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm