Đề xuất lập Ủy ban điều tra vụ rơi trực thăng ở Hải Phòng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đề xuất Thủ tướng cho thành lập Ủy ban điều tra tai nạn tàu bay với vụ rơi trực thăng của Công ty Trực thăng miền Bắc ở Hải Phòng hôm 5/4 vừa qua, làm 5 người thiệt mạng. Hiện mảnh vỡ máy bay đã được trục vớt và đưa về bảo quản tại  sân bay Gia Lâm (Hà Nội).

Bộ GTVT cho biết, tới nay, ngoài thi thể của phi công và 4 hành khách được tìm thấy, các mảnh vỡ của trực thăng rơi đã được trục vớt và đưa về sân bay Gia Lâm bảo quản.

Căn cứ Công ước Chicago 1944 (Công ước về Hàng không Dân dụng Quốc tế), Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các quy định liên quan về điều tra sự cố, tai nạn tàu bay dân dụng, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng cho thành lập Ủy ban điều tra tai nạn máy bay.

Đề xuất lập Ủy ban điều tra vụ rơi trực thăng ở Hải Phòng ảnh 1

Mảnh vỡ máy bay Bell 505 rơi ở vùng biển Hải Phòng được trục vớt. (Ảnh: Nguyễn Hoàn).

Uỷ ban dự kiến gồm: Lãnh đạo Bộ GTVT làm chủ tịch ủy ban, lãnh đạo Bộ Quốc phòng làm phó chủ tịch thường trực, lãnh đạo Cục Hàng không làm phó chủ tịch.

Các ủy viên (của ủy ban) gồm đại diện 16 cơ quan, tổ chức của Việt Nam và đại diện quốc gia thiết kế, chế tạo máy bay, cụ thể: Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP.Hải Phòng, Sở Y tế Quảng Ninh; đại diện Canada - quốc gia thiết kế, chế tạo máy bay, đại diện Pháp - quốc gia thiết kế, chế tạo động cơ.

Ngoài ra Ủy ban điều tra còn có tổ chuyên gia và tổ thư ký là đại diện các cơ quan liên quan, tổ chức thiết kế và chế tạo máy bay, động cơ.

Bộ GTVT cũng cho biết, vụ rơi trực thăng Bell 505 là tai nạn tàu bay mức A căn cứ theo các công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam. Do đó, việc điều tra tai nạn được thực hiện theo quy định tại điều 106 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Tuân thủ theo Công ước Chicago, Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo cho các quốc gia liên quan đến tai nạn máy bay trên, gồm: Tổ chức thiết kế, chế tạo máy bay (Bell); tổ chức thiết, kế chế tạo động cơ máy bay (Safran); Ủy ban An toàn vận tải (TSB) của Canada (quốc gia thiết kế, chế tạo máy bay); Ủy ban An toàn hàng không dân dụng BEA của Pháp (quốc gia thiết kế, chế tạo động cơ máy bay).

Cục Hàng không Việt Nam đã nhận được thư của Bell, Safran, TSB và BEA đề nghị hỗ trợ, đề xuất cử đại diện tham gia công tác điều tra tai nạn.

Trước đó, ngày 5/4, khi đang chở khách tham quan Vịnh Hạ Long, trực thăng Bell 505 (số đăng ký VN-8650) của Công ty Trực thăng miền Bắc (Binh đoàn 18) bất ngờ gặp nạn và rơi xuống biển, vị trí rơi tại vùng biển xã Gia Luận, huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng. Vụ việc khiến 5 người tử nạn.

Trực thăng Bell 505 có tải trọng cất cánh tối đa hơn 1,6 tấn. Theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Việt Nam, máy bay có tải trọng dưới 5,7 tấn không yêu cầu trang bị thiết bị ghi tham số bay (DFDR) và thiết bị ghi âm buồng lái (CVR).

Tuy nhiên, trực thăng trên có trang bị hệ thống Vision 1000 có chức năng ghi lại hình ảnh trong buồng lái và có khả năng chống va chạm. Đây là thiết bị có thể hỗ trợ cho công tác điều tra nguyên nhân tai nạn.

MỚI - NÓNG