Đề xuất thí điểm hai tuyến xe đạp đầu tiên tại Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Để phát triển thêm loại hình phương tiện thân thiện với môi trường, tăng kết nối với xe vận tải công cộng, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất tổ chức hai tuyến đường dành cho xe đạp ở dọc sông Tô Lịch và quanh công viên Hòa Bình - đường Hoàng Minh Thảo.

Theo đó, tuyến đường thứ nhất được Sở GTVT Hà Nội đề xuất tổ chức làn đường dành riêng cho xe đạp là đường chạy dọc sông Tô Lịch, đoạn từ Ngã Tư Sở, (quận Đống Đa) đến Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) dài 2,3 km.

Hiện ngoài tuyến đường Láng rộng 6 làn xe, chạy dọc đường Láng còn có tuyến đường chạy dọc sông Tô Lịch vừa được cải tạo, hoàn thành rộng 4 m, tuyến đường này đang dành cho người đi bộ và di chuyển bằng xe đạp. Theo phương án tổ chức làn xe đạp tại tuyến đường chạy dọc sông Tô Lịch của Sở GTVT, làn xe đạp sẽ được bố trí rộng 3 m, 1 mét còn lại dành cho người đi bộ.

Về khả năng kết nối với vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuyến đường này có khả năng kết nối với ga Láng của đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và ga số 8 của metro Nhổn - ga Hà Nội tại khu vực Cầu Giấy. Ngoài ra, tuyến đường sẽ tạo kết nối với các tuyến xe buýt trên đường Láng thông qua 6 trạm chờ.

Đề xuất thí điểm hai tuyến xe đạp đầu tiên tại Hà Nội ảnh 1

Xe đạp tại Hà Nội đang đi chung hỗn hợp với các loại phương tiện khác. Ảnh: PV

Tuyến đường thí điểm thứ hai được Sở GTVT Hà Nội lựa chọn để thí điểm là vỉa hè quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo (quận Bắc Từ Liêm). Tuyến đường này dành cho xe đạp khoảng 5,7 km, trong đó khu vực đi trên hè quanh công viên Hòa Bình 1,8 km, đi trên đường Hoàng Minh Thảo gần 4 km, dọc tuyến đường cũng có các trạm xe buýt để phục vụ hành khách đi xe đạp kết nối với VTHKCC.

Với tuyến đường dọc sông Tô Lịch, do hạ tầng hoàn thiện nên việc tổ chức tại đây chỉ kẻ các vạch kẻ sơn, lắp đặt biển báo; với tuyến đường Hoàng Minh Thảo tại khu vực công viên Hòa Bình, để tổ chức làn xe đạp Sở GTVT Hà Nội kiến nghị UBND thành phố cần chỉ đạo cho sửa chữa vỉa hè, tạo đường ưu tiên cho xe đi hai chiều rộng 3 m.

Mức kinh phí để tổ chức thí điểm hai tuyến đường dành cho xe đạp trên, Sở GTVT Hà Nội cho biết, gần 10 tỷ đồng, trích từ ngân sách nhà nước, riêng tuyến đường dọc sông Tô Lịch là 970 triệu đồng, tuyến xung quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo 8,8 tỷ đồng.

Xe đạp và dịch vụ xe đạp công cộng đã phát triển và được triển khai tại Hà Nội thời gian qua, tuy nhiên đến nay, tại thành phố Hà Nội vẫn chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp. Để lưu thông trên đường, xe đạp đang phải đi chung với làn đường có ô tô, xe máy lưu thông. Ngoài khó đi lại, không khuyến khích được loại hình này phát triển, xe đạp đi lại trên đường còn gây nguy hiểm cho người điều khiển và người tham gia giao thông trên đường.

MỚI - NÓNG