3 phương thức tuyển sinh của Học viện Ngoại giao năm 2020
Năm nay, Học viện Ngoại giao xét tuyển trên cả nước với tổng chỉ tiêu hệ ĐH chính quy là 500 tân sinh viên, chia đều cho 5 ngành là Quan hệ quốc tế, Kinh tế quốc tế, Truyền thông quốc tế, Luật quốc tế và Ngôn ngữ Anh.
Đối tượng tuyển sinh gồm tất cả những thí sinh tốt nghiệp THPT theo hình thức giáo dục chính quy và có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Học viện Ngoại giao. Đồng thời thí sinh phải đảm bảo có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành, không vi phạm pháp luật.
Về phương thức xét tuyển thứ nhất, học viện xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT (30% tổng chỉ tiêu cho mỗi ngành). Đối tượng xét tuyển là những thí sinh có Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển); có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 đạt từ 8,0 trở lên; đạt hạnh kiểm Tốt trong từng năm lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12. Ví dụ, với các ngành có học phần ngoại ngữ là tiếng Anh: IELTS (Academic) hoặc Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương đạt từ 6,5 trở lên.
Tổng điểm xét tuyển bao gồm: Điểm ngoại ngữ quy đổi theo Chứng chỉ quốc tế; Tổng điểm trung bình chung học tập của 2 môn thuộc tổ hợp xét tuyển vào Học viện của năm học lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 và điểm ưu tiên khu vực, đối tượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nếu có).
Phương thức thứ 2 là xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (70% tổng chỉ tiêu mỗi ngành) Đối tượng xét tuyển là thí sinh đăng ký tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên phạm vi toàn quốc.
Phương thức thứ 3 là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển được thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT và của Học viện.
3 điểm mới trong công tác tuyển sinh 2020 của ĐH Đà Nẵng
Theo chia sẻ của PGS.TS Giang Thị Kim Liên (Phó Trưởng Ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng), công tác tuyển sinh của ĐH Đà Nẵng năm nay có 3 điểm mới nổi bật.
2020 là năm đầu tiên ĐH Đà Nẵng phối hợp ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh để lấy kết quả xét tuyển. Bài thi được xây dựng theo cách tiếp cận với các bài thi đánh giá năng lực trên thế giới như SAT của Mỹ hoặt TSA của Anh. Đề thi sẽ gồm 3 phần: phần 1 sử dụng ngôn ngữ; phần 2 là toán tư duy logic, xử lý số liệu; phần 3 là giải quyết các vấn đề liên quan lĩnh vực tự nhiên và xã hội.
Điểm mới tiếp theo đó là trong năm học này, ĐH Đà Nẵng sẽ tổ chức chiêu sinh cho 4 ngành/ chuyên ngành mới ở các trường trực thuộc. Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng có 3 chuyên ngành mới gồm các chuyên ngành Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo thuộc ngành Công nghệ thông tin, chuyên ngành Cơ khí hàng không thuộc ngành Kỹ thuật Cơ khí. Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng có một ngành mới là Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh.
Điểm mới thứ ba là Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng sẽ tổ chức tuyển sinh, đào tạo đặt lớp tại Phân hiệu của ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum. Trong các danh mục ngành và mã tuyển sinh sẽ bổ sung mã tuyển sinh cho các ngành này và được nhận diện bằng mã có đuôi là KT.