ĐHQG Hà Nội tiếp tục là cơ sở giáo dục đứng đầu tại Việt Nam với thứ hạng 1090 toàn thế giới, tăng 216 bậc so với thứ hạng 1306 trong lần công bố vào tháng 8/2018. Đồng thời, các thứ hạng khác của ĐHQG Hà Nội trong khu vực cũng được cải thiện đáng kể khi vươn lên vị trí thứ 19 trong khu vực Đông Nam Á (tăng 6 bậc) và 261 ở Châu Á (tăng 90 bậc).
Trong số 4 tiêu chí xếp hạng, tiêu chí về mức độ ảnh hưởng (Visibility) của hệ thống website và tài nguyên số của ĐHQG Hà Nội (căn cứ trên cơ sở dữ liệu của Ahrefs và Majestic) gia tăng đáng kể (từ bậc 2124 vào tháng 7/2018 lên bậc 1164 ở thời điểm công bố).
Ngoài ra, các tiêu chí về “Độ mở” (Openess), dựa trên xếp hạng chỉ số trích dẫn của 10 hồ sơ nhà khoa học hàng đầu của cơ sở giáo dục, và “Xuất sắc” (Excellence), dựa trên xếp hạng các chỉ số công bố và trích dẫn lấy từ cơ sở dữ liệu Scopus cũng tiếp tục được củng cố. Điều này cho thấy chất lượng công bố khoa học quốc tế cũng như phạm vi ảnh hưởng của hệ thống tài nguyên trực tuyến của ĐHQG Hà Nội trong năm 2018 có sự cải thiện và gia tăng mạnh mẽ.
Các trường đại học của Việt Nam tiếp sau ĐHQG Hà Nội lần lượt là trường ĐH Bách khoa Hà Nội (hạng 1355), ĐH Cần Thơ (hạng 2241) và trường ĐH Tôn Đức Thắng (hạng 2680). ĐHQG Hà Nội có tiêu chí Tác động (Impact), "Độ mở" (Openess) và “Xuất sắc” (Excellence) tốt nhất trong số các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
Trước đó vào năm 2018, lần đầu tiên, ĐHQG Hà Nội được xếp vào nhóm 801-1000 trong Bảng xếp hạng đại học thế giới (World University Rankings) của Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds, Vương Quốc Anh), công bố vào tháng 6/2018. Thành tích này góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số 85/197 quốc gia có trường đại học được xếp hạng trong Bảng này.