Đi bộ tập thể dục giúp phòng tránh ‘tỉ bệnh’ nhưng những người này tuyệt đối không nên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đi bộ được nhiều người thực hiện bởi đó là môn thể thao hữu ích cho sức khỏe mà lại đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng có thể lựa chọn phương pháp tập thể dục này, và cũng không phải ai cũng biết đi bộ cho đúng cách.
Đi bộ tập thể dục giúp phòng tránh ‘tỉ bệnh’ nhưng những người này tuyệt đối không nên ảnh 1

Lợi ích của việc đi bộ mỗi ngày

Tốt cho sức khỏe tim mạch

Việc đi bộ đều đặn sẽ giúp bạn hạn chế được các vấn đề về tim vì máu được bơm đều và nhanh hơn từ đó huyết áp được duy trì. Đồng thời hạn chế các cục máu đông và giúp thành mạch duy trì được độ đàn hồi để phòng các bệnh nguy hiểm về tim. Nếu bạn có thói quen đi bộ tập thể dục 30 phút mỗi ngày thì có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm về tim mạch.

Phòng chống tiểu đường, huyết áp, đột quỵ

Hoạt động này rất tốt cho hệ tuần hoàn, khi việc co bóp để bơm máu nuôi cơ thể được diễn ra hiệu quả, sẽ làm cho huyết áp cơ thể ổn định, giảm thiểu tình trạng biến chứng tai biến mạch máu não ở người lớn tuổi.

Mỗi ngày bạn hãy cố gắng đi bộ 3 lần và mỗi lần là 10 phút. Nhờ vậy người tập luyện sẽ có thể kiểm soát được huyết áp tốt hơn rất nhiều so với việc bạn đi bộ 30 phút liên tục.

Hỗ trợ giảm cân, giảm mỡ bụng

Với người cô nàng mong ước có được một cơ thể săn chắc cùng vòng hai thon gọn và đôi chân không mỡ thừa, thì lựa chọn việc đi bộ mỗi ngày sẽ rất hữu hiệu. Mỗi khi bạn đi bộ với cường độ hợp lý sẽ giúp đốt cháy được lượng calo bên trong cơ thể. Từ đó cân nặng cũng giảm đáng kể.

Tốt cho phổi, hệ hô hấp

Việc đi bộ tập thể dục sẽ giúp hấp thụ, thải khí nhanh và mạnh hơn ra ngoài. Bên cạnh đó, nhịp tim sẽ tăng lên và máu co bóp nhiều hơn. Từ đó cơ thể sẽ được hít thở không khí trong lành và làm cho phổi được hoạt động khỏe mạnh hơn.

Tốt cho xương khớp

Sức khỏe của xương khớp của bạn sẽ được cải thiện đáng kể nếu thực hiện việc đi bộ đều đặn. Vì khi đi bộ, phần xương sẽ nhận một số lực tác động, tập trung tại khu vực chân, đùi và tay. Góp phần tăng dẻo dai, đàn hồi, giúp xương hông và cột sống được chắc khỏe hơn. Hãy cố gắng đi bộ ít nhất 30 phút/ngày để đẩy lùi các bệnh lý liên quan đến xương khớp, đặc biệt là ở người cao tuổi.

Giảm mệt mỏi, giải tỏa stress, cải thiện tâm trạng

Stress thường có nhiều nguyên nhân và khiến bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán ăn và suy nghĩ tiêu cực. Để giảm thiểu vấn đề này bạn hãy thử thực hiện việc đi bộ tập thể dục mỗi ngày. Sẽ có hiệu quả giúp bạn giải tỏa căng thẳng nhanh chóng.

Thêm vào đó, khi bạn thực hiện quá trình đi bộ cơ thể sẽ được giải phóng hormone Endorphin. Chất này có tác dụng thư giãn, điều hoà khu vực thần kinh trung ương, giảm căng thẳng từ đó giúp bạn phấn chấn, vui vẻ và tràn đầy năng lượng hơn.

Giảm triệu chứng mỏi mắt

Đây là một lợi ích rất được nhiều người yêu thích. Khi bạn làm việc với máy tính nhiều giờ thì sẽ xuất hiện tình trạng mỏi mắt. Do vậy, nếu đi bộ ở môi trường rộng rãi và thoáng mát thì tầm nhìn của bạn sẽ được cải thiện đáng kể. Đi bộ đều đặn thúc đẩy mắt hoạt động linh hoạt hơn.

Cải thiện giấc ngủ

Nếu bạn đang rơi vào trạng thái khó ngủ và ngủ không sâu giấc thì hãy thử luyện tập việc đi bộ đều đặn mỗi ngày. Việc này giúp bạn có thể cải thiện tuần hoàn máu, tăng khả năng lưu thông máu đến các cơ quan trong cơ thể, trong đó có khu vực thần kinh.

Người thường xuyên luyện tập đi bộ sẽ có giấc ngủ tốt hơn người bình thường nhờ vào não bộ được nuôi dưỡng đầy đủ. Thêm vào đó, vận động nhiều sẽ khiến cơ thể bạn mỏi mệt, từ đó đi vào giấc ngủ nhanh chóng hơn.

Tăng cường trí nhớ

Việc đi bộ tập thể dục sẽ có tác dụng rất hiệu quả trong việc lưu thông khí huyết, tăng cường trao đổi oxy cho cơ thể. Não bộ sẽ được cung cấp bởi oxy và mạch máu nên giúp trí nhớ được cải thiện, đặc biệt là ở người già, người cao tuổi.

Đi bộ tập thể dục giúp phòng tránh ‘tỉ bệnh’ nhưng những người này tuyệt đối không nên ảnh 2

Những người không nên đi bộ tập thể dục thường xuyên

Những người dưới đây được khuyến cáo cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu chọn đi bộ là môn thể dục thường xuyên:

Người mắc bệnh tim mạch

Theo các bác sĩ, người mắc các bệnh về tim mạch nên hạn chế vận động mạnh. Bởi hoạt động với cường độ mạnh sẽ khiến tim đập nhanh, tăng cường co thắt mạch máu não, nặng có thể gây vỡ mạch máu não gây nhồi máu và tử vong.

Vì thế, những người mắc bệnh tim cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi muốn tập luyện, đi bộ thường xuyên. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng theo đúng khuyến cáo của bác sĩ để cải thiện sức khỏe của mình từ sâu bên trong.

Người bị thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm cột sống bị lệch ra khỏi vị trí bình thường, xuyên qua dây chằng chèn ép vào các rễ thần kinh. Từ đó gây ra tình trạng đau nhức, tê bì. Thông thường, tình trạng đau nhức này sẽ lan tỏa từ vùng thắt lưng xuống đến chân, gây rất nhiều bất tiện cho cuộc sống của người bệnh.

Chính vì lý do trên mà người mắc thoát vị đĩa đệm cần hết sức cẩn thận trong quá trình di chuyển. Chỉ cần đi lại không đúng cách, người bệnh rất có thể sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Người bị thoái hóa khớp gối

Nhờ có khớp gối mà đôi chân của con người mới có thể cử động dễ dàng. Nếu cơ thể bị thoái hóa khớp gối, lúc này sụn khớp gối bị hao mòn, nứt, rách hoặc hoàn toàn biến mất. Tình trạng này dẫn đến trong quá trình di chuyển, các đoạn xương chà xát, va chạm trực tiếp gây ra đau đớn, sưng, cứng khớp.

Vì vậy, người bị thoái hóa khớp gối nếu đi lại rất dễ dẫn đến hình thành gai xương trong khớp gối, gây ra bệnh gai khớp gối. Chính vì vậy, người mắc thoái hóa khớp gối không nên tự ý đi bộ mà chỉ nên tập luyện vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ.

Người mắc bệnh về mạch máu

Bệnh về mạch máu là các bệnh liên quan đến giãn tĩnh mạch chi dưới, viêm tắc tĩnh mạch chi dưới hoặc viêm tắc động mạch… Những người mắc các bệnh này không nên di chuyển nhiều. Bởi việc đi lại thường xuyên sẽ làm tăng áp lực bơm máu, làm tăng quá trình tắc nghẽn mạch máu, ảnh hưởng đến việc lưu thông máu.

Người mắc bệnh về máu tốt nhất nên hỏi ý kiến các bác sĩ điều trị về cường độ vận động cũng như đi lại của mình để tránh làm bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.

Đi bộ tập thể dục giúp phòng tránh ‘tỉ bệnh’ nhưng những người này tuyệt đối không nên ảnh 3

Lưu ý đi bộ đúng cách đem lại lợi ích sức khỏe tốt nhất

Để quá trình đi bộ diễn ra thuận lợi và đạt được hiệu quả cao, mời bạn tham khảo qua các gợi ý ngay dưới đây:

Trang phục đi bộ: Hãy chọn quần áo thể thao thoáng mát, thấm hút mồ hôi và có độ co giãn tốt. Chọn giày chạy bộ mang thoải mái và bảo vệ chân tốt, thêm vào đó giày cần phù hợp kích thước bàn chân để bạn có thể di chuyển thuận tiện nhất.

Về phụ kiện: Khi đi bộ, bạn cần mang theo các phụ kiện thể thao tùy vào nhu cầu của riêng bản thân như túi đồ đựng dạng mini, dây thắt lưng, bình nước, kính mắt,…

Nước uống: Nước là một điều vô cùng cần thiết mà bạn cần mang theo khi luyện tập đi bộ. Hãy bổ sung nước kịp thời khi cơ thể phát ra tín hiệu mất nước như đổ mồ hôi, mệt mỏi, khô họng,… hãy nên mang theo một bình nước nhẹ với đủ lượng nước bạn cần, hãy uống 4 đến 6 ngụm nước sau từ 15 đến 20 phút đi bộ.

Kế hoạch – mục tiêu đi bộ: Bạn cần xây dựng một kế hoạch, lộ trình rõ ràng để thực hiện mục tiêu đi bộ. Đặt ra mong muốn của bản thân sau đó duy trì mỗi ngày để hình thành thói quen. Tốt nhất bạn hãy luyện tập đi bộ mỗi ngày hoặc ít nhất 3 lần/tuần để có kết quả tốt nhất cho cơ thể.

Tư thế đi bộ: Trong khi đi bạn nên nhớ mắt cần thẳng về phía trước, không nhìn xuống phía dưới, đồng thời toàn thân thả lỏng. Chân khi tiếp đất cần bắt đầu từ gót sau đó đến bàn chân và cuối cùng là mũi chân, cứ thế nhấc lên và bước đều liên tục. Vai bạn thả lỏng, tay đánh nhịp nhàng và phải lưng thẳng.

Địa điểm, không gian đi bộ: Hãy chọn nơi thoáng đãng, mát mẻ, không khí trong lành, không quá đông đúc và nhiều cây xanh. Hạn chế đường xe chạy, nơi có nhiều khói bụi và rác thải gây ô nhiễm.

MỚI - NÓNG