Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong khuôn khổ Ngày hội Văn học châu Âu năm 2023, NXB Trẻ phối hợp với Viện Pháp Hà Nội giới thiệu cuốn sách của sử gia người Pháp Ivan Jablonka "Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi". 

Cuốn sách Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi ra mắt chiều 17/5 tại Viện Goethe (Hà Nội). Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi thuật lại câu chuyện của chính tác giả Jablonka đi tìm tung tích của ông bà nội mình.

Họ là nạn nhân bị thảm sát ở trại tập trung Auschwitz trong Thế chiến thứ 2 và mất tung tích từ đó. Ông bà Jablonka là những người Do Thái đi theo lý tưởng Cộng sản, bị chính quyền Quốc xã truy bắt nên phải trốn chạy khắp nơi, từng đặt chân đến Ba Lan, Pháp, Đức.

Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi ảnh 1

Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi được NXB Trẻ giới thiệu.

Ivan Jablonka sinh ra tại Paris, năm 1973. Ông là sử gia, nhà văn, đồng thời là Giáo sư Sử học đương đại tại Đại học Paris-XIII. Sinh ra trong một gia đình trí thức gốc Ba Lan nhập cư vào Pháp trong những năm 1930 trước khi cuộc Thế chiến II nổ ra. Đề tài ông viết tập trung vào các thể loại tiểu sử, hồi ký, lịch sử, nạn diệt chủng của người Do Thái (Holocaust), bạo lực giới tính, nam tính…

Họ đã khuất phục trước những bi kịch của thế kỷ XX: Chủ nghĩa Stalin, những mối nguy hiểm ngày càng gia tăng ở châu Âu trong những năm 1930, Chiến tranh thế giới thứ hai và sự tàn phá của người Do Thái ở châu Âu.

Thông qua nội dung sách, độc giả phần nào thấu hiểu hơn số phận của những con người nhỏ nhoi, vô danh, bị cuốn vào trong vòng xoáy khốc liệt của lịch sử.

Cuốn sách của Ivan Jablonka là cuộc vãn hồi quá khứ với bề dày tư liệu của một công trình nghiên cứu sử học, nhưng cũng đầy phẩm chất văn chương: chân thật, trau chuốt, giàu hình ảnh và cảm xúc. Câu chuyện của ông bà nội nhà văn hàm chứa câu chuyện của cả một thời đại thế kỷ XX. Họ vừa là người ruột thịt với anh vừa là người xa lạ vì đã qua đời quá lâu khi anh chào đời.

Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi ảnh 2

Các diễn giả, khách mời tại buổi ra mắt.

Để viết cuốn sách này, Jablonka bôn ba khắp ba lục địa và để gặp được một số ít người sống sót trong thời đại của ông bà, con cháu của họ và một số anh em họ xa đã từng tiếp xúc với ông bà mình. Ngoài ra, ông còn điều tra hơn hai mươi tài liệu lưu trữ khác nhau.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Phương, tác giả Ivan Jablonka là một đại diện quan trọng của tiểu thuyết Pháp và dòng văn học phi hư cấu đương đại với bút pháp kết hợp giữa phương pháp nghiên cứu lịch sử và sáng tác văn học.

Tại buổi ra mắt, TS. Văn học Pháp Trần Lê Bảo Chân nhận định về phong cách viết sử của Jablonka: “Cuốn sách được chia sẻ theo hướng tiếp cận liên ngành, sử dụng thao tác của những ngành khoa học xã hội nhân văn và lịch sử. Jablonka làm nên một cuộc cách tân trong lĩnh vực khoa học xã hội, đi tìm lai nguyên, xuất thân của mình. Cuốn sách viết nên bởi nguồn sử liệu chính thống và thông qua những người cùng thời với ông bà còn sống để tìm hiểu đầy đủ nhất thông tin liên quan tới ông bà...”.

Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi ảnh 3

Nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ về cuốn sách.

Cuốn sách của Jablonka là tiếng kêu chống lại các lề lối của thế giới, sự thờ ơ phổ biến và sự thôi thúc phải quên đi - đóng vai trò như một sự tưởng nhớ thích hợp không chỉ đối với ông bà của ông mà còn đối với ký ức của những người không có ai để kể câu chuyện của họ.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về quan điểm về văn chương và lịch sử: ”Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi là cuốn sách thuật lại lịch sử, văn hóa châu Âu, khơi gợi nhiều cảm xúc. Jablonka viết sách như một nhà sử gia. Ông kể lại những câu chuyện chân thực, éo le về gia đình qua lối viết đan xen giữa lịch sử và văn học, pha trộn những tư liệu hình ảnh, hồi ức, gặp gỡ nhân chứng. Điều này cho thấy văn chương và sử liệu luôn luôn song hành".

MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.