Đi tìm giới tính của... chiếc vòng tay! Theo bạn chiếc vòng tay có giới tính gì?

Đi tìm giới tính của... chiếc vòng tay! Theo bạn chiếc vòng tay có giới tính gì?
HHT - Ban giám hiệu trường N.H.H (TP.HCM) đã gây ra một cuộc tranh luận khá gay gắt giữa học sinh và nhà trường, khi ra quy định mới: Cấm nam sinh đeo vòng tay với lý do không phù hợp về mặt giới tính.

Ai được đeo vòng tay?

Nhiều bạn học sinh, nhất là các nam sinh trường N.H.H đã bày tỏ bức xúc khi đầu năm học này nhà trường ra quy định mới cấm nam sinh đeo vòng tay. Học sinh trong trường cho rằng đây là sự “phân biệt giới tính” và “không tôn trọng cái tôi cá nhân”. Sự việc này cũng được học sinh các trường trong khu vực quan tâm. Bạn Huy Hoàng nêu quan điểm: “Theo mình việc cấm đeo vòng giống như tước đi sự tự do về ăn mặc vậy. Mặc dù mấy chiếc vòng bé xíu ấy vô hại nhưng lại bị gán cho những “tội lỗi” vô lý. Thậm chí những chiếc vòng tay làm bằng cao su mang tên trường, quảng bá hình ảnh trường như một sự tự hào của học sinh về trường cũng bị cấm”.

Đi tìm giới tính của... chiếc vòng tay! Theo bạn chiếc vòng tay có giới tính gì? ảnh 1

Phản ánh với Hoa Học Trò, một số học sinh của trường kể rằng trong một buổi sinh hoạt toàn trường, thầy Phó Hiệu trưởng nhà trường đã trao đổi rằng việc đeo vòng tay là không hề xấu, những chiếc vòng là phụ kiện tô điểm cho bản thân mỗi khi vui chơi cùng bạn bè, tuy nhiên trường học là nơi để các học sinh chú tâm vào việc học nên không nên đeo vòng là đúng. Nhưng điều khiến cho #team_học_sinh “bức bối” là khi thầy nói rằng phải hành xử đúng với giới tính ghi trên giấy khai sinh của mình. Các bạn cho biết điều đó khiến các bạn cảm thấy bị tổn thương, đặc biệt là các bạn trong giới LGBT, bởi vì các bạn nghĩ rằng ngay chính ngôi trường mình đang học lại không có sự công bằng về giới tính.

Còn theo quan điểm của cô Ngô Thủy - giáo viên môn Văn của trường: “Mỗi trường có nội quy riêng nhằm đảm bảo không gian học đường nghiêm túc là điều cần thiết. Nhà trường sở dĩ cấm học sinh nam đeo vòng vì cho rằng nó phản cảm. Cô cũng đồng ý. Tuy nhiên, chúng ta cần thống nhất thế nào là vòng tay: Cái vòng dùng vào mục đích bày tỏ tình yêu giữa hai người hoặc làm đẹp, có các chi tiết trang trí nhằm tôn lên vẻ nữ tính thì cấm là đúng; nhưng những chiếc vòng có mục đích nằm ngoài việc trang sức, ví dụ như có khắc, in, vẽ tên trường, tên bố mẹ… nhằm mục đích tôn vinh, tri ân hay kỉ niệm… thì không nên cấm. Còn các bạn học sinh trong giới LGBT cũng không nên ấm ức chuyện này, vì như vậy các bạn đã vô tình tự phân biệt giới tính của mình”.

Đi tìm giới tính của... chiếc vòng tay! Theo bạn chiếc vòng tay có giới tính gì? ảnh 2

Bố mẹ bạn Công Khanh (nam sinh trong trường) cho rằng: “Việc đeo vòng không ảnh hưởng tới học tập hay giới tính” vì thế không cần thiết phải cấm một chiếc vòng tay và “kết tội” nó là lý do khiến xao nhãng học tập. Trái lại, phụ huynh của bạn Thái Hà (nữ sinh trong trường) lại cho rằng: "Mỗi một tổ chức đều có một mẫu trang phục riêng, chúng ta phải tôn trọng những điều luật của họ."

Vòng tay không có lỗi, lỗi ở định kiến

Đúng là mỗi mỗi tổ chức cần có quy định riêng nhưng trường học là một “tổ chức” đặc biệt - là tổ chức giáo dục, với mục tiêu là phát triển con người. Vậy thì một quy định trang phục khắt khe như việc cấm đeo vòng tay, nhất là lại chụp cho nó chức năng phân định giới tính, thì có phải là hợp lý và đúng đắn?

Về quy định mới này của trường N.H.H, bạn Vũ, trường THPT T.Đ (TP.HCM) bình luận: “Việc đeo vòng tay là một nhu cầu làm đẹp chính đáng. Thế thì tại sao lại cấm học sinh đeo vòng? Theo mình nghĩ thì nhà trường không có lí do để phân biệt giới tính, chỉ là do cách nhìn nhận của những thế hệ không giống nhau, dẫn tới mâu thuẫn. Riêng trường mình chỉ cấm những trang phục có hình thù kinh dị thôi, còn trang phục như vòng tay phi giới tính (unisex) thì vẫn bình thường”.

Đi tìm giới tính của... chiếc vòng tay! Theo bạn chiếc vòng tay có giới tính gì? ảnh 3

Đeo vòng tay cũng là một hình thức thể hiện bản thân. Trường học không nên là nơi “dập tắt” nhu cầu thể hiện bản thân của giới trẻ khi mà cách thể hiện đó không làm ảnh hưởng đến ai. Phương Du (Q.Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Hồi cấp Hai, trường mình cũng rất khắt khe chuyện đầu tóc, trang phục, nhất là với nữ. Ví dụ như, mặc quần phải có xếp ly cho rộng rãi - nhưng mặt trái nó là chiếc quần cực xấu, trông như quần chú hề; không được để tóc mái, vì cho rằng để tóc mái không thể học được. Thầy cô “đi tuần” hành lang thường xuyên để bắt những bạn nữ “dám” điệu, soi gương trong giờ giải lao cũng bị đem ra phê bình. Kết quả là con gái trông đứa nào cũng xấu xấu, có bạn trở nên tự ti vì bị can thiệp thô bạo vào sự tự do làm đẹp, khiến các bạn ức chế và ghét trường, vì thầy cô chưa bao giờ thực sự lắng nghe tụi mình.”

Bạn Thanh Ngân (nữ sinh trường N.T.H) nêu quan điểm: “Mình nghĩ con trai đeo trang sức nhiều quá thì nhìn cũng không quen mắt lắm, nhưng đây chỉ là cái vòng tay bé xíu. Với thời đại bây giờ phát triển hơn rồi mà còn tồn tại suy nghĩ con trai đeo vòng là không men… thì không đúng lắm”.

Một chiến dịch LGBT từng gây sốt trong năm 2016 có tên “Đồ đàn bà” chỉ ra việc chúng ta thường sử dụng câu “Đồ đàn bà” để ám chỉ một ai đó nhỏ nhen, ích kỉ, bon chen, tò mò, nhiều chuyện (tóm lại là tính xấu). Ở chiều ngược lại, nam giới thường bị mặc định là phải cứng rắn, không được thể hiện cảm xúc mềm yếu. Và “quy định vòng tay” này chẳng phải đang cổ vũ cho định kiến đó: Rằng là con trai thì không được đeo vòng vì đeo vòng là làm điệu, mà chỉ con gái mới “điệu”?

Đi tìm giới tính của... chiếc vòng tay! Theo bạn chiếc vòng tay có giới tính gì? ảnh 4

Mai Nguyễn (16 tuổi, TP.HCM) cho rằng: “Nhà trường cần giáo dục tụi mình hiểu và sống thật với bản thân mình chứ đừng bắt tụi mình phải “gồng” lên để phù hợp với định kiến bên ngoài. Và việc cấm đeo vòng tay, mình thấy khá quy chụp, như kiểu nhà trường đang hướng tụi mình hãy đánh giá một con người qua vẻ bề ngoài. Nếu như chiếc vòng tay mà một bạn nam đeo là một vật yêu thích hay có ý nghĩa sâu sắc với bản thân thì sao?”.

Tại Stockholm (Thụy Điển) có một ngôi trường có nickname “phi giới tính”, chú trọng những nguyên tắc về bình đẳng giới giữa các học sinh. Ở đây, giáo viên không được phép dùng những từ ngữ như “anh ấy”, “cô ấy” mà thay vào đó, các thầy cô sẽ gọi học sinh bằng tên hoặc bằng họ. Đây cũng chính là phương pháp giáo dục mà nhà trường muốn nhắm đến nhằm xóa bỏ định kiến về giới tính cho thế hệ tương lai sau này.

Phương Uyên (THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM) cho rằng: “Có thể là thầy cô chứng kiến một số bạn nam đeo vòng tay rồi “làm lố” nên mới có ác cảm rồi “vơ đũa cả nắm” như vậy”.

CÀ NA - NYX - HY DI

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Hộp bánh đang dán kín bỗng tự mở dù không ai động vào, cả gia đình ngỡ ngàng

Hộp bánh đang dán kín bỗng tự mở dù không ai động vào, cả gia đình ngỡ ngàng

HHT - Một hộp bánh trung thu còn nguyên tem, đang ở trên bàn bỗng nhiên tự nảy lên rồi bật mở tung trước sự ngỡ ngàng và hoang mang của cả gia đình. Đoạn video trích từ camera quan sát ghi lại sự việc cũng khiến cư dân mạng rất ngạc nhiên. Hiện tượng này có thể được giải thích theo những cách nào?