Tu viện Khánh An - thoáng Nhật Bản giữa Sài Gòn
Tọa lạc ngay trên quốc lộ 1A ồn ào tấp nập và chỉ tốn khoảng 30 phút đi xe từ trung tâm TP.HCM, những mái vòm cong cong tươi màu gạch mới, nổi bật cả một góc trời của tu viện Khánh An sẽ dẫn bạn tới thế giới của sự bình yên.
Ngay khi bước vào tu viện Khánh An, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy như đang lạc vào một Tokyo thu nhỏ với những gam màu trầm ấm cùng lối kiến trúc mang đậm hơi thở xứ sở hoa anh đào. Từng con đường lát gạch trắng trải dài, khung cửa gỗ tươi màu hay những chiếc đèn dán giấy hình lục giác quen thuộc trong các lễ hội đền chùa Nhật Bản, tất cả đã cùng hòa quyện tạo nên một không gian vừa lạ lại vừa quen.
Không chỉ gây ấn tượng bằng lối kiến trúc độc đáo, tu viện Khánh An chắc chắn sẽ níu chân bạn với rất nhiều loại cây lạ mắt được trồng trong khuôn viên. Ngoài ra, tại đây còn có một khu hồ nước nhỏ với cây cầu gỗ vắt ngang và xung quanh là những hàng cây xanh ngát, soi bóng xuống mặt hồ.
Nếu như ban ngày, tu viện Khánh An đẹp đến mê hoặc lòng người thì khi tối đến, nơi đây như khoác lên mình chiếc áo khác hẳn. Vì tu viện mở cửa tới tận 20 giờ nên bạn có thể tới đây vào lúc chiều tối để cảm nhận một bầu không khí tĩnh mịch, thỉnh thoảng nhấn nhá bằng tiếng chuông gió leng keng được treo khắp nơi trong khuôn viên. Đây cũng chính là thời điểm thích hợp nhất để bạn có thể trút bỏ những phiền muộn trong lòng và thư giãn đầu óc.
Địa chỉ cho bạn: 1055/3D QL1A, An Phú Đông, Quận 12, TP.HCM.
Miếu Phù Châu - “Cồn đảo” giữa lòng sông
Miếu Phù Châu nằm trên sông Vàm Thuật - một nhánh của sông Sài Gòn (phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM), cách trung tâm thành phố chưa tới 10 cây số về hướng Đông Bắc. Nổi lên như một “cồn đảo” nằm giữa lòng sông, vì vậy khách thập phương muốn tới miếu cần phải đi qua bến đò với giá 10.000 đồng/ lượt.
Miếu Phù Châu có kiến trúc pha lẫn phong cách Việt - Hoa. Không chỉ nổi tiếng linh thiêng, nơi đây còn thu hút du khách bởi hàng trăm tượng rồng lớn nhỏ được chạm trổ công phu với đủ kích thước và màu sắc. Mặc dù là một “cồn đảo” nhưng ở đây cây cối tươi tốt, trồng gì cũng sai trĩu quả không kém gì đất liền.
Đứng ở miếu Phù Châu với bốn bề xung quanh là nước đem lại cảm giác mới lạ. Chuyến đò rời miếu cuối cùng là vào 17 giờ chiều nên bạn cần chú ý thời gian để có thể tham quan hết các công trình nơi đây.
Google map cho bạn: Tới đường Trần Bá Giao (Phường 5, quận Gò Vấp) gặp Sa Tân Miếu (Thủy Long Cung) để đi đò.
Chùa Bửu Long - lâu đài nguy nga ẩn mình giữa rừng
Cách trung tâm thành phố TP.HCM khoảng 20 km, chùa Bửu Long khiến nhiều người phải choáng ngợp ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Được xây dựng từ năm 1942 và tu sửa thêm vào năm 2007, chùa Bửu Long nằm trên một ngọn đồi phía Tây sông Đồng Nai giống như một tòa lâu đài nguy nga ẩn mình giữa khu rừng.
Ngôi chùa sở hữu lối kiến trúc độc đáo kết hợp giữa Phật giáo Đông Nam Á và triều Nguyễn Việt Nam. Đặc biệt với những tòa tháp hình chóp đậm dấu ấn xứ sở Chùa Vàng, nơi đây còn được nhiều bạn trẻ gọi với cái tên chùa Thái Lan.
Vì tọa lạc trên một ngọn đồi nên không khí nơi đây mát mẻ quanh năm, kết hợp với hồ bán nguyệt xanh thẳm cùng khuôn viên rợp bóng cây xanh sẽ giúp bạn nhanh chóng cảm thấy tâm hồn khoan khoái ngay khi vừa bước chân đến.
Ngoài ra khi đứng trên cao nhìn xuống, bạn sẽ cảm thấy chùa Bửu Long thật yên bình, với xa xa là khung cảnh thành phố cùng những tòa nhà cao tầng đan xen. Thỉnh thoảng tiếng chuông gió leng keng trên đỉnh bảo tháp tạo nên những giai điệu du dương nơi cửa Phật.
Dò đường đi nào: Số 81 Nguyễn Xiển, phường Long Bình, Quận 9, TP.HCM.
Trước khi ghé thăm những công trình tâm linh, cùng nghía qua vài gạch đầu dòng này trước nhé:
- Nếu có máy ảnh, hãy tắt đèn flash, ngoài ra không nên gây ồn ào, cười nói để tránh làm ảnh hưởng tới những tăng ni đang tu hành tại đây.
- Trang phục cần phải kín đáo, mặc quá gối, một số khu vực sẽ yêu cầu bạn không được mang giày dép vào bên trong.
- Không leo trèo trên các công trình kiến trúc để chụp ảnh.
- Dù là tham quan chụp ảnh nhưng cũng nên dành chút thời gian để thắp hương hoặc khấn vái như một phép tắc.