Mặc dù 20h chương trình mới diễn ra, nhưng tứ lúc 18h, sảnh đón khách tại Nhà hát Hòa Bình đã tập trung khá đông khán giả có mặt từ sớm. Nhiều người khi được hỏi đã chia sẻ rằng họ đến sớm một phần vì sự háo hức và cũng tranh thủ để chụp hình kỷ niệm với bức tượng sáp ý hệt người thật của Mr Đàm, được đặt trang trọng tại đại sảnh nơi diễn ra chương trình.
Bức tượng sáp với thiết kế có một không hai của chủ nhân đêm nhạc đã khiến nhiều fans hâm mộ thích thú, chờ đợi ngay khi thông tin được công bố. Nhân dịp này, những người yêu mến Mr Đàm không bỏ lỡ cơ hội được đứng chụp ảnh, selfie cùng “anh em sinh đôi” của Mr Đàm.
“Diamond Show” được ví như là một sân khấu thu nhỏ tại Las Vegas cùng với tên gọi của các chương trình giải trí nức tiếng tại Mỹ và trên thế giới ở đó. Bên cạnh yếu tố âm nhạc cốt lõi: các ca khúc vàng son thập niên 80,90 nằm trong sanh sách Quốc Tế Ca, đây còn là một show diễn hội tụ một số loại hình nghệ thuật như: múa; nhạc cảnh; xiếc; kịch; kỹ xảo ánh sáng; nghệ thuật thị giác….làm đa dạng và phong phú các phần trình diễn, đặc biệt khiến khán giả không ngán mà trái lại, họ luôn bị kéo theo nhất cử nhất động các chi tiết được biến đổi liên tục trên sân khấu.
Từ tiết mục mở màn, “Diamond Show” bước vào những ca khúc mang màu sắc la-tin như: Dancing All Night; Chờ Một Tiếng Yêu; La Isla Bonita.. Các ca khúc được biên đạo với những mản nhảy múa & phục trang đậm chất la-tin. Là các mối nối từ tiết mục mở màn, nên phần này, ngoài các vũ đạo hiện đại, la-tin, Mr Đàm còn thể hiện một số động tác vũ đạo theo kiểu Samba hoang dã. Vừa nhảy, vừa hát và diễn cùng đại cảnh, Ông hoàng nhạc Việt vẫn giữ được sự rõ lời, nội lực trong giọng hát và phong thái trình diễn chuẩn xác.
Chuỗi ca khúc trữ tình, ballad còn có khá nhiều các bài hát quá đỗi quen thuộc với người yêu nhạc cách đây cả 10 năm, 20 năm như Ảo Ảnh; Yêu Nhau Đi (ca khúc này được Mr Đàm viết lời từ bài hát Besame); Tình Cho Không Biếu Không… Nghệ thuật múa Burlesque nổi tiếng (ở London, nó có tên gọi là Nghệ thuật thoát y) được tái hiện trong ca khúc Không của cố nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 với các cặp múa nam-nữ, trong đó, các vũ công nữ xuất hiện với những bộ corset quyễn rũ, thường sử dụng trong Nghệ thuật múa Burlesque.
Về mặt sân khấu, Tổng Đạo Diễn Trần Vi Mỹ sử dụng hợp lý các công nghệ, thủ thuật như trình chiếu mapping; laser; màn gouze hiệu ứng ảo…kết hợp với cảnh trí; các hình thức múa tương tác để tạo nên những phần trình diễn có hiệu quả về thị giác, khiến người xem mãn nhãn.
Phần phục trang cho liveshow rất đa dạng, phong phú với sự hỗ trợ của NTK Tuấn Trần, NTK Tăng Thành Công. Hầu hết các trang phục đều được đính kết tỉ mỉ, cầu kì. Ý tưởng “kim cương” là chất liệu chính trong hầu hết tất cả các thiết kế trang phục trong liveshow lần này. “Diamond Show” còn có sự góp mặt của NTK Đỗ Long, anh cùng NTK chuyên thực hiện trang phục cho các ngôi sao tại Thái Lan và Mr Đàm cũng đã sang tận Mỹ để làm việc với NTK của Lady Gaga để thực hiện một số trang phục ấn tượng.
Có thể nói, “Diamond Show” là một liveshow thỏa mãn nhiều nhu cầu của khán giả cả về tính nghệ thuật lẫn tính giải trí. Nói không ngoa, nó như một Las Vegas thu nhỏ giữa lòng thành phố. Số tiền đầu tư 12 tỷ tạo nên đẳng cấp bởi nó được đầu tư vào những thứ chi tiết, tỉ mỉ nhất nhằm đem lại hiệu quả tổng thể lớn nhất, chưa kể đến những thứ lớn lao như nhân lực, sân khấu, âm thanh, ánh sáng, kĩ thuật…và một yếu tố quan trọng nữa, đó chính là phần âm nhạc với những ca khúc đi vào lòng người.
Chỉ dài hơn 2,5 tiếng một chút, “Diamond Show” được đánh giá là một kịch bản ngắn gọn nhưng súc tích, vừa đủ đầy, tròn trịa, đủ khiến khán giả xem xong vẫn còn cảm giác “thòm thèm”. Mr Đàm và ekip đã thực hiện đúng lời hứa về phần nghe & nhìn của chương trình, khi show diễn kết thúc, rất đông khán giả vẫn nán lại chưa muốn về. Đây thực sự là một liveshow mãn nhãn đối với giới mộ điệu nói chung và fans hâm mộ Mr Đàm nói riêng.