Điểm cao vẫn rớt đại học
Mấy hôm nay, hai bố con thí sinh N.H.N. H ở quận 3 (TP.HCM) trải qua nhiều cảm xúc khác nhau từ vui mừng đến hụt hẫng. Năm ngoái N.H. thiếu 0,5 điểm nên không đậu vào ngành Sư phạm Mầm non nên em quyết tâm thi lại lần thứ hai và đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Sài Gòn.
Theo bố của N.H., năm nay em tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 để lấy điểm môn Văn xét tuyển đại học và kết quả đạt được 3,25 điểm. Trong đợt thi môn năng khiếu, H. đạt kết quả rất tốt trong đó, môn Kể chuyện - Đọc diễn cảm: 10 điểm và môn Hát - Nhạc: 9,5 điểm. Tổng điểm tổ hợp các môn Ngữ văn và 2 môn năng khiếu của H. đạt là 22,75 điểm.
“Ngày 9/8, trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển, cả gia đình tôi vui mừng lắm vì so với điểm chuẩn ngành Sư phạm Mầm non là 22,25 điểm thì con tôi vẫn dư 0,5 điểm nên nghĩ chắc đậu. Nhưng sau đó xem danh sách trúng tuyển thì lại không thấy tên. Khi lên trường hỏi thì được biết là điểm môn Văn không đủ điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Giờ con tôi đang sốc và không biết tính sao vì năm nay chỉ đăng ký mỗi ngành này vì trước đó thi năng khiếu điểm rất cao nên cứ tưởng sẽ đậu”, bố của thí sinh H. chia sẻ.
Tương tự, thí sinh Đ.V.T. ở Quảng Nam mới đây đã gửi đơn lên các cơ quan báo chí để khiếu nại việc mình đạt tổng điểm 21,5, cao hơn điểm chuẩn ngành Sư phạm Âm nhạc của trường ĐH Sài Gòn đến 3,5 điểm nhưng không được trúng tuyển.
Đ.V.T sinh năm 1996, tốt nghiệp trung cấp năm 2014 (tương đương THPT) với học lực khá, điểm trung bình 7,2. Năm nay, T. dự thi THPT quốc gia 2019 để lấy điểm xét tuyển đại học vào ngành Sư phạm Âm nhạc với kết quả môn Văn là 5,5.
Thí sinh T. đăng ký nguyện vọng 1 ngành Sư phạm Âm nhạc (tổ hợp N01) của trường ĐH Sài Gòn và có kết quả thi năng khiếu khá cao, trong đó môn năng khiếu 1: 8 điểm; năng khiếu 2: 8 điểm. Tổng điểm tổ hợp N01 (gồm môn Văn và 2 môn Năng khiếu) của T đạt là 21,5 điểm. Theo điểm chuẩn trường ĐH Sài Gòn công bố, ngành Sư phạm Âm nhạc có điểm trúng tuyển là 18, tức điểm của T. cao hơn 3,5 điểm.
Ngày 9/8/2019, trường ĐH Sài Gòn đã công bố điểm chuẩn và kết quả trúng tuyển, tuy nhiên, khi xem kết quả trúng tuyển, T. không thấy thông tin về mình.
“Gia đình tôi có liên hệ Phòng Đào tạo ĐH Sài Gòn và tôi cũng đến hỏi trực tiếp thì đều nhận được cùng một câu trả lời là: “Ngành Sư phạm Âm nhạc bị lỗi kỹ thuật, chiều nay, tối nay hoặc ngày mai tra cứu lại”. Ngày 10/8, tôi tra cứu lại vẫn chưa thấy thông tin, cơ sở dữ liệu tuyển sinh năng khiếu Sư phạm Âm nhạc vấn không tra cứu được.
“Gia đình tôi có liên hệ tới Phòng Đào tạo của nhà trường và tôi cũng đến hỏi trực tiếp thì đều nhận được cùng một câu trả lời là: “Ngành Sư phạm Âm nhạc bị lỗi kỹ thuật, chiều nay, tối nay hoặc ngày mai tra cứu lại”. Trưa ngày 10/8, một chuyên viên phòng đào tạo gửi email trả lời rằng tôi thiếu điều kiện điểm môn Văn. “Theo quy định của Bộ thì các ngành Sư phạm phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng quy định. Vì trường chỉ xét môn Văn nên theo công thức: điểm môn Văn + 1/3 điểm ưu tiên = 6 trở lên thì mới đạt điểm sàn. Theo cách tính này thì điểm tôi là 5,5+(0,25/3), ít hơn hơn 6”, thí sinh Đ.V.T. cho biết trong đơn.
Thí sinh này tỏ ra bất ngờ trước quy định này và băn khoăn “Xin hỏi quy định “Văn + 1/3 điểm ưu tiên = 6” ở đâu ra? Ngày 21/7/2019, Trường ĐH Sài Gòn ra thông báo “Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào” (điểm sàn) với công thức: Điểm sàn = tổng điểm 3 môn thi (không nhân hệ số môn chính) + điểm ưu tiên khu vực + điểm ưu tiên đối tượng.
Ngành Sư phạm Âm nhạc có điểm sàn 18, vì sao không đính kèm theo điều kiện “Văn + 1/3 điểm ưu tiên = 6” để tôi chuẩn bị tâm lý và rút nguyện vọng sớm? Vì sao các chuyên viên Phòng Đào tạo không trả lời tôi có điều kiện phụ về cách tính điểm môn Văn khi tôi đến gặp trực tiếp mà chỉ báo rằng “lỗi kỹ thuật”. Để đến ngày hôm nay mới cho tôi công thức làm tôi hụt hẫng”.
Thí sinh không đạt ngưỡng quy định của Bộ GD-ĐT
Liên quan đến vấn đề này, đại diện trường ĐH Sài Gòn cho biết nhà trường áp dụng theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT về quy chế tuyển sinh ĐH đối với các ngành Sư phạm.
Trong đó có quy định, đối với các ngành đào tạo giáo viên nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển với điểm thi THPT quốc gia và/hoặc kết quả học tập THPT thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi THPT quốc gia, điểm kết quả học tập THPT phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của quy chế này.
Cụ thể, điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định. Điểm sàn hệ đại học đối với các ngành Sư phạm là 18 (mức điểm đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực) thì sàn 1 môn văn hoá để xét tuyển vào các ngành Sư phạm, trình độ đại học là 6 điểm.