Điểm chuẩn Đại học: Vừa sức hay ngoài tầm với?

Điểm chuẩn Đại học: Vừa sức hay ngoài tầm với?
HHT - Mới đây, các trường Đại học thuộc top đầu của toàn quốc lần lượt công bố điểm chuẩn trúng tuyển khiến nhiều người “ngã ngửa”. Liệu điểm chuẩn này có hợp lý hay không?

"30 điểm chưa chắc đã đậu Đại học"

Trước khi công bố điểm, rất nhiều người dự đoán điểm năm 2017 sẽ tăng. Thế nhưng, tăng đến mức “chóng mặt” là điều khiến nhiều người “bối rối”. Nếu chịu khó theo dõi các trang thông tin của một số trường Đại học, bạn sẽ không khỏi kinh ngạc vì điểm trúng tuyển tăng cao nhiều so với năm 2016 và cả những năm trước. Nếu chỉ 2 - 3 năm trước, để lấy được 23 điểm là cả một sự “khổ luyện” thì trong kì thi 2017 vừa rồi, teen đạt 23 điểm đang có nguy cơ rớt Đại học.

Đại học Y Dược là ngôi trường danh giá để đào tạo ra những vị bác sĩ, dược sĩ ưu tú trong tương lai. Vì thế, chuyện điểm chuẩn cao là “chuyện thường” đối với mọi người. Thế nhưng, năm 2017, điểm chuẩn “cao chót vót” và có ngành tăng điểm 3 điểm so với năm ngoái. 29.25 là điểm bạn cần phải đạt được nếu muốn đỗ ngành Y Đa khoa - ngành “hot” nhất trong những năm gần đây ở Đại học Y Dược TP.HCMĐại học Y Hà Nội. Sau đó là Răng hàm mặt với 29 điểm (TP.HCM), Dược với 28 điểm (Hà Nội).

Điểm chuẩn Đại học: Vừa sức hay ngoài tầm với? ảnh 1

 Nguồn: Fanpage Đại học Y dược TP.HCM.

"Điểm thi Đại học cao không thể đánh giá đúng năng lực của học sinh"

Đó là lời chia sẻ của TS. Bùi Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Khoa học cơ bản của trường Đại học Kiến Trúc. Giải thích thêm, thầy nói: “Năm nay đề Toán tương đối dễ vì chỉ có 7 câu khó. Xác suất để chọn đúng đáp án là 25%. Một học sinh đánh “rùa” (tức đánh “đại”) có thể dễ khoanh trúng đáp án. Như vậy 10 điểm cũng chưa chắc đánh giá đúng năng lực Toán của học trò.” Ngoài ra, trong kì thi năm 2017, đề của các môn đều được đánh giá khá dễ. Chính vì thế, điểm chuẩn cao là điều dễ hiểu.

Điểm chuẩn Đại học: Vừa sức hay ngoài tầm với? ảnh 2

TS. Bùi Tiến Dũng (Ảnh: NVCC).

Điều vẫn còn gây tranh cãi đến tận bây giờ chính là điểm cộng, điểm ưu tiên khu vực. Hiện tại, theo công văn của Bộ GD-ĐT có 3 diện được cộng điểm khuyến khích là học sinh đạt giải 1, 2, 3 Quốc Gia; có hoàn cảnh nghèo khó, thuộc vùng sâu vùng xa, thuộc dân tộc thiểu số, học sinh có cha mẹ là thương binh, liệt sỹ,... Trung bình một học sinh thuộc một trong 3 diện trên có thể nhận điểm cộng từ 0,25 - 3 điểm. Chính vì thế, đã xảy ra trường hợp một nam sinh Hà Nội dù được 29.15 (làm tròn là 29.25) nhưng đành ngậm ngùi tiếc nuối ước mơ Đại học Y Hà Nội vì không có điểm cộng, điểm ưu tiên.

Điểm chuẩn Đại học: Vừa sức hay ngoài tầm với? ảnh 3

Học sinh nào cũng mong muốn được vào học tại ngôi trường mơ ước. (Ảnh minh họa: LHP Photography) 

Thầy Dũng nhấn mạnh: “Việc cộng điểm, ưu tiên là tốt, là nên. Tuy nhiên, theo tôi chỉ nên cộng vào điểm xét tốt nghiệp THPT. Còn kì thi Đại học thì phải thực sự khó để tuyển chọn những công dân sáng giá. Nếu cộng điểm như vậy thì sẽ không công bằng cho những bạn học sinh khác. Vì học sinh thì ai cũng nỗ lực như nhau cả.”

Kể từ năm 2016, Bộ GD-ĐT đã cho học sinh có thể tùy chọn đổi lại nguyện vọng của mình sau khi biết điểm thi. Điều này tưởng chừng như là mở rộng cơ hội cho các bạn học sinh, tuy nhiên cũng kèm theo những hệ quả “khó lường”. Khi được thay đổi nguyện vọng, sẽ xảy ra trường hợp học sinh “đổ xô” vào một trường hay một ngành học. Kết quả, từ một ngành vốn tỉ lệ chọi không cao, điểm chuẩn dự kiến sẽ thuộc dạng vừa, sau khi có sự thay đổi đã tăng cao để lấy đúng chỉ tiêu. Mặt khác, nếu học sinh có mức điểm an toàn để đậu ngành học mơ ước thì chính sự xáo trộn nguyện vọng có thể đẩy học sinh “tụt” xuống đến mức “nguy hiểm” thậm chí… có thể bị loại khỏi trường.

Điểm chuẩn Đại học: Vừa sức hay ngoài tầm với? ảnh 4

(Ảnh mang tính minh họa, nguồn: LHP Photography)

Câu hỏi được đặt ra: Phải chăng Bộ GD-ĐT đang mở rộng chính sách khuyến khích tất cả học sinh được học Đại học, Cao đảng hay không khi ngày nay chúng ta cần "chất" hơn cần "lượng". Có nên giữ kì thi Đại học như nguồn gốc ban đầu của nó, kì thi tú tài, tuyển chọn những con người tài năng? Những quyết định mới của Bộ GD-ĐT sẽ trả lời những thắc mắc trên.

Kì thi Đại học của các bạn học sinh sinh năm 1999 đã gần hoàn thành. Trong tháng 8 này, các trường Đại học trên toàn quốc sẽ tiếp tục công bố danh sách điểm chuẩn. Tuy nhiên, một hành trình vừa khép lại thì hành trình khác lại bắt đầu. Liệu rằng kì thi THPT và Đại học năm 2018 sẽ có những thay đổi nào không?

NGỌC NGUYỄN

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm