Điểm nhấn giáo dục: Mới nhất vụ 'hiệu phó trường chuyên bắt trò ăn đồ từ thùng rác'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cà Mau xác nhận vụ hiệu phó trường chuyên bắt trò ăn đồ từ thùng rác là có; Xôn xao thông tin 'ép học sinh yếu kém không dự thi lớp 10' ở Hà Nội;  Sở Giáo dục TP.HCM kiến nghị tự ra đề thi tốt nghiệp THPT; ...là những thông tin giáo dục nổi bật trong tuần qua.

Cà Mau xác nhận vụ "hiệu phó trường chuyên bắt trò ăn đồ từ thùng rác"

Sáng 22/4, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Lê Hoàng Dự khẳng định, thông tin “hiệu phó trường chuyên yêu cầu học sinh ăn đồ ăn từ thùng rác” là có.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, ngay khi xuất hiện thông tin, Sở đã chỉ đạo tổ kiểm tra xác minh và làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường. “Bản thân thầy hiệu phó L.T.Đ cũng nhận thấy cách cư xử đối với học sinh là chưa đúng nên đã xin lỗi học sinh và phụ huynh”, ông Dự thông tin.

Trong ngày 22/4, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau họp kiểm điểm xem bản chất sự việc. Nếu thấy vấn đề nghiêm trọng sẽ họp hội đồng kỷ luật đối với thầy L.T.Đ.

Trước đó, dư luận Cà Mau xôn xao trước thông tin thầy L.T.Đ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển yêu cầu học sinh ăn thức ăn đã quăng vào thùng rác. Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển Lê Chí Nguyễn cho biết, vào ngày 18/4, thầy L.T.Đ đi kiểm tra nề nếp học sinh và phát hiện có 6 học sinh lớp 12 (4 nữ và 2 nam) mang thức ăn vào lớp để ăn.

Theo quy định của trường, học sinh không được ăn trong lớp. Vì thế, thầy Đ đề nghị 6 em học sinh trên ra ghế đá trước sân trường ngồi ăn.

Công an vào cuộc xác minh vụ nữ sinh Huế bị đánh hội đồng dã man giữa đường

Chiều 22/4, UBND thị xã Hương Thủy (tỉnh TT-Huế) cho biết, vừa chỉ đạo Phòng Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), lực lượng chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ vụ một nữ sinh bị nhóm bạn chặn đường hành hung rồi quay clip tung lên mạng xã hội.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip dài gần 1 phút ghi lại cảnh một nữ sinh THCS bị nhóm bạn đánh “hội đồng” dã man giữa đường.

Theo hình ảnh đoạn clip, nạn nhân bị một nữ sinh mặc áo đen túm tóc, lôi ra giữa đường đánh liên tiếp vào vùng đầu, vùng mặt.

Chưa dừng lại ở đó, khi nạn nhân bị ngã xuống nền đường, một nữ sinh khác mặc áo trắng tiếp tục lao vào đánh, dùng chân đạp thẳng vào người. (xem chi tiết)

Sở Giáo dục TP.HCM kiến nghị tự ra đề thi tốt nghiệp THPT

Trong dự thảo Báo cáo công tác phát triển giáo dục đào tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 của ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT gửi Thường trực UBND thành phố, Sở GD&ĐT đã kiến nghị Bộ GD&ĐT những đặc thù đối với TP.HCM khi triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Về đội ngũ triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT TP.HCM kiến nghị, đối với các trường hợp có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp đối với các môn Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật, ngoại ngữ 2 (Tiếng Hàn, Tiếng Nhật, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Pháp,.., ) nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và chưa tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông, có thể tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các cơ sở.

Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 12 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy. Đối với các giáo viên môn Tin học, môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) có bằng có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp (nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm) đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc thành phố Thủ Đức và các quận, huyện quản lý, có thể tham gia giảng dạy môn Tin học, môn Nghệ thuật tại các trường Trung học phổ thông theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng.

Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 36 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các trường THPT.

Sinh viên 'tố' giảng viên quấy rối tình dục, trường ĐH RMIT nói gì?

Một sinh viên tố cáo giảng viên của trường Đại học RMIT quấy rối tình dục. Nhà trường cho biết đã ghi nhận cáo buộc liên quan đến 1 nhân viên của trường gửi ảnh phản cảm, quấy rối tình dục nữ sinh và đang tiến hành điều tra làm rõ sự việc.

Theo bài đăng trên nhóm sinh viên của trường, một nữ sinh chia sẻ năm 2020, có học một môn tại lớp của giảng viên bị tố cáo. Trong quá trình học, giảng viên kết bạn trên mạng và chia sẻ là một người đam mê nghệ thuật và sống vì nghệ thuật. (xem chi tiết)

Xôn xao thông tin 'ép học sinh yếu kém không dự thi lớp 10' ở Hà Nội

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xác minh thông tin một số trường học yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực không tốt chuyển trường hoặc phải cam kết không thi vào lớp 10.

Theo Bộ GD&Đ, nhận được thông tin về việc một số trường học tại Hà Nội yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10, lãnh đạo Bộ GDĐT đã chỉ đạo ngay các đơn vị chức năng xác minh làm rõ và sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên.(xem chi tiết)

Thanh Hoá: Lãnh đạo Sở GD&ĐT lên tiếng việc điều động giáo viên coi thi

Sáng 22/4, trao đổi với Báo Tiền Phong, ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá cho biết đã có ý kiến dừng việc tổ chức coi thi, chấm thi chéo giữa các trường bậc tiểu học tại huyện Như Xuân. (xem chi tiết)

Đề xuất tăng học phí mầm non và tiểu học ở TP.HCM

Sở GD-ĐT đề xuất thực hiện mức thu học phí năm học 2022-2023 đối với các trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: áp dụng mức sàn học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên bằng mức sàn thu học phí đối với các địa bàn dân cư thành thị và nông thôn tương đương với nhóm 1 và nhóm 2 là 100.000 đến 300.000 đồng/học sinh/tháng.

Từ năm học 2023-2024 trở đi thì sẽ căn cứ thực hiện theo khoản 3 Điều 9 của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Đối với các trường mầm non, phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên; tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như sau: Thực hiện theo quy định tại điểm b,c khoản 2 Điều 9 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về mức học phí năm học 2022 – 2023. Đối với các trường tiểu học chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: bằng mức sàn thu học phí đối với các địa bàn dân cư thành thị và nông thôn tương đương với nhóm 1 và nhóm 2 là 100.000 đến 300.000 đồng/học sinh/tháng đối với bậc tiểu học: Căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Mức học phí đối với cấp tiểu học quy định tại khoản này cũng làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.

MỚI - NÓNG