‘Điểm nóng’ Bình Dương kiến nghị Trung ương chi viện những gì?

0:00 / 0:00
0:00
‘Điểm nóng’ Bình Dương kiến nghị Trung ương chi viện những gì?
TPO - Bình Dương đang là “điểm nóng” dịch bệnh của cả nước, chỉ đứng sau TP.HCM về số ca mắc và tử vong. Sau khi kiến nghị các cơ quan Trung ương, mặc dù đã có chi viện kịp thời nhưng chưa tương xứng với những gì đang diễn ra ở địa phương này.

Bắt đầu từ tháng 8, Bình Dương trở thành “điểm nóng” dịch bệnh khu vực phía Nam và hiện tình hình vẫn đang hết sức phức tạp. Số ca mắc COVID-19 ở địa phương này mỗi ngày đều lên đến 4 con số.

Tính trong đợt dịch lần thứ tư đến nay, Bình Dương ghi nhận 66.447 ca mắc COVID-19, trong đó có 550 ca tử vong và hơn 28.000 bệnh nhân xuất viện về nhà. Địa phương này hiện có 21 khu điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó có 1 bệnh viện Hồi sức cấp cứu gần 500 giường do PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội (cán bộ điều phối của Bộ Y tế) làm giám đốc.

Mặc dù số ca mắc COVID-19 ở Bình Dương ghi nhận cao nhưng theo bác sĩ Hiếu, tháp 3 tầng điều trị ở địa phương này đang phát huy tốt tác dụng, nhờ đó hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.

‘Điểm nóng’ Bình Dương kiến nghị Trung ương chi viện những gì? ảnh 1

Các đoàn chi viện sau khi quay trở về, Bình Dương thiếu nhân lực chuyên môn

Trước đó, từ đầu đến giữa tháng 8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã ký nhiều văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và cơ quan Trung ương tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ lực lượng điều trị, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương hiện có 444 bác sĩ, 755 điều dưỡng, còn thiếu khoảng 2.151 bác sĩ, 9.250 điều dưỡng mới tạm đáp ứng nhu cầu. Nếu muốn đủ nhận lực để phục vụ bệnh nhân tốt nhất, Bình Dương cần tới 6.000 nhân viên y tế, trong đó cần 2.000 bác sĩ.

Ngoài ra, Bình Dương kiến nghị Bộ Quốc phòng bổ sung trang thiết bị để nâng cấp bệnh viện dã chiến 5B thành bệnh viện thu dung và điều trị F0 tầng 2, ưu tiên nâng số lượng tiếp nhận bệnh nhân của Bình Dương; đồng thời chi viện thêm quân để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.

Bình Dương kiến nghị Thủ tướng, Bộ Y tế ưu tiên phân bổ thêm cho địa phương hơn 1 triệu liều vắc xin trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao. Địa phương này kèm theo lời hứa tiêm hết số lượng phân bổ 1 triệu liều chỉ trong 10 ngày (tương đương 100.000 liều/ngày).

Kiến nghị vẫn chưa đáp ứng đủ

Tính từ tháng 7 đến nay, Bình Dương đã được Bộ Y tế phân bổ nhân lực từ các tỉnh, thành phố đến chi viện với khoảng 1.800 nhân viên y tế, tình nguyện viên. Tuy nhiên, con số này lần lượt giảm dần do các đoàn chi viện phải quay trở về sau thời gian hỗ trợ theo kế hoạch. Những ngày qua, Bình Dương lần lượt tổ chức lễ chia tay các đoàn dù địa phương rất muốn họ nán lại hỗ trợ thêm thời gian nữa.

Để giải quyết tình thế cấp bách, Bình Dương đã huy động đến hơn 1.200 cán bộ viên chức cùng khoảng 20.000 tình nguyện viên lên đường tham gia phòng, chống dịch. Để thế chỗ trống khi các đoàn chi viện rời đi, Bình Dương đã tập huấn kỹ năng xét nghiệm, chăm sóc người bệnh cho nhân lực tại chỗ.

‘Điểm nóng’ Bình Dương kiến nghị Trung ương chi viện những gì? ảnh 2

Bình Dương cần lượng lớn vắc xin để tiêm cho công nhân lao động

Bộ Y tế đã hỗ trợ Bình Dương về nhân sự chuyên môn cùng trang thiết bị đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19, tuy nhiên hiện vẫn chưa thể đáp ứng đủ trong bối cảnh số ca mắc đang ghi nhận tăng cao.

Bộ Quốc phòng đã chi viện cho Bình Dương hơn 1.000 quân. Tuy nhiên, địa phương này vẫn đang thiếu nhân lực nên cần chi viện thêm quân số nhiều nhất có thể để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả nhất.

Về kiến nghị vắc xin, sau khi Bình Dương kiến nghị ưu tiên địa phương này hơn 1 triệu liều để tiêm cho đối tượng ưu tiên tuyến đầu và công nhân “3 tại chỗ” tránh gãy chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, Bộ Y tế mới chỉ phân bổ thêm cho Bình Dương khoảng 265.000 liều vắc xin. Sau khi nhận vắc xin, Bình Dương triển khai tiêm cho các đối tượng thuộc diện chỉ trong 3 ngày. Tính tổng các đợt, Bình Dương được phân bổ chưa tới 900.000 liều vắc xin, trong khi địa phương này có khoảng 2,7 triệu dân, chưa tính người tạm trú. Hiện, rất nhiều người tham gia tuyến đầu ở Bình Dương chưa được tiêm vắc xin mũi 2.

“Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan Trung ương đã quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời để Bình Duong thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong bố cảnh dịch bệnh còn phức tạp, Bình Dương mong muốn được tiếp tục nhận sự chỉ đạo, hỗ trợ nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới”, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương nói.

Sở Y tế Bình Dương thông tin đơn vị phải động viên gần 2.900 nhân viên y tế ở 22 cơ sở điều trị (tổng số giường 17.770 giường) không nghỉ phép và nghỉ việc, tiếp tục bám trụ tuyến đầu điều trị bệnh nhân. Đối với viên chức tự ý bỏ việc, Sở Y tế sẽ xem xét kỷ luật theo quy định, thu hồi các chứng chỉ hành nghề đã cấp.

MỚI - NÓNG